Lấp 'khoảng trống' pháp lý trong quản lý vốn nhà nước

Không chỉ trên hội trường, trong các phiên thảo luận tại Tổ số 4, các ĐBQH đoàn thành phố Hải Phòng cũng đã đóng góp, đề xuất những ý kiến rất chất lượng. Đó là đề xuất việc lấp đầy 'khoảng trống' về pháp lý trong quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp của Đảng ở các địa phương và các doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% vốn điều lệ; bổ sung kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; tiếp cận ở góc độ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt…

Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt

Cụ thể, ĐBQH Lã Thanh Tân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, bổ sung đối tượng quản lý là các doanh nghiệp của Đảng ở các địa phương và các doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% vốn điều lệ, hoặc có phương thức quản lý cụ thể đối với các doanh nghiệp này. Qua đó nhằm khắc phục “khoảng trống” về pháp lý trong quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này, không để cơ quan đại diện chủ sở hữu gặp lúng túng, khó khăn trong triển khai thực hiện công tác quản lý vốn nhà nước.

 Thảo luận tại Tổ số 4, các ĐBQH đoàn thành phố Hải Phòng đã đóng góp, đề xuất những ý kiến rất chất lượng. Ảnh: Trần Thu

Thảo luận tại Tổ số 4, các ĐBQH đoàn thành phố Hải Phòng đã đóng góp, đề xuất những ý kiến rất chất lượng. Ảnh: Trần Thu

Đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ĐBQH Lã Thanh Tân đề xuất bổ sung kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Lý do bởi trong thực tế, trò chơi này gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thể chất, tâm thần người chơi, như các trường hợp chơi quá nhiều. Vì vậy, cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến, nhằm điều tiết tiêu dùng và góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên cũng như phù hợp với mục tiêu sắc thuế tiêu thụ đặc biệt.

Góp ý vào dự án Luật Nhà giáo, về quan điểm xây dựng dự án luật, ĐBQH Lã Thanh Tân cho rằng, cần tiếp cận ở góc độ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt, được hưởng mọi quyền lợi và chính sách đối với viên chức trong hệ thống pháp luật, đồng thời có một số chính sách đặc thù để có cơ hội phát triển tốt hơn. Về cơ quan quản lý nhà nước đối với nhà giáo, đây là vấn đề hết sức quan trọng, cần giải quyết căn cơ để khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn thời gian qua. Từ thực tiễn ở các địa phương hiện nay, nhất là ở cấp huyện rất vướng trong việc thống nhất các nội dung và đầu mối quản lý nhà nước đối với nhà giáo, đại biểu đề nghị phải quy định rõ hơn nữa và phân cấp thẩm quyền cho Phòng Giáo dục mạnh mẽ hơn nữa liên quan đến tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Cần giải pháp “nuôi biển” để giảm khai thác, đánh bắt bất hợp pháp

Tham gia ý kiến vào việc điều chỉnh đất đai tại thảo luận tổ, ĐBQH Nguyễn Chu Hồi cho rằng ngay từ khi xây dựng Luật Đất đai và Quy hoạch xây dựng đất, trình Quốc hội thông qua cho thấy quy hoạch ở cấp trên thường chậm hơn quy hoạch ở cấp dưới. Theo Luật Quy hoạch 2017, những quy hoạch nào ở dưới, làm sau phải tuân thủ quy hoạch của cấp trên, đi trước như quy hoạch sử dụng đất phải theo quy hoạch quốc gia. Tuy nhiên, điều chỉnh như thế nào để đỡ phải làm đi làm lại bởi mỗi lần điều chỉnh, thủ tục hành chính vẫn là “điểm nghẽn”, đại biểu đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, điều chỉnh có thể “chậm mà chắc”, tránh lợi dụng việc điều chỉnh nhưng không phản ánh đúng nhu cầu sử dụng đất của ngành, địa phương, khu vực.

Đại biểu cũng cho rằng, trong Luật Quy hoạch có quy định quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng biển quốc gia. Trong đó, quy hoạch sử dụng biển hay còn gọi là quy hoạch không gian biển quốc gia cần hiểu rõ bản chất quyền chủ quyền, quyền tài phán, từ đó, Quốc hội, Chính phủ quan tâm sớm hơn tới vấn đề này. Cùng với đó, quy hoạch sử dụng biển, trong phạm vi 6 hải lý trở vào của các tỉnh, thành phố ven biển được quyền khai thác sử dụng, các địa phương cần chi tiết, cụ thể hóa các không gian nhỏ hơn để cấp phép chuẩn xác được. Nhưng hiện nay các tỉnh, thành phố rất lúng túng trong phân bổ không gian biển, phục vụ phát triển. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn này. Đại biểu cũng đề nghị cần có giải pháp “nuôi biển” để giảm khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp pháp, tuy nhiên đến nay trong 28 tỉnh, thành phố chưa có địa phương nào cho ngư dân “nuôi biển” theo đúng nghĩa...

Tham gia vào chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, ĐBQH Vũ Thanh Chương cho rằng, hiện nay nguồn ma túy vào Việt Nam rất phong phú. Việc tổ chức sử dụng ma túy không còn truyền thống như trước kia là các điểm, tụ điểm, cơ sở kinh doanh có điều kiện, hiện nay các đối tượng rủ nhau tổ chức sử dụng ma túy ngay tại nhà. Đối tượng sử dụng cũng không còn truyền thống mà có cả công chức, viên chức, người có học vấn, có điều kiện kinh tế, hiểu biết, nhận thức được tác hại của ma túy nhưng vẫn sa vào nghiện ngập... Vì thế, đại biểu cho rằng, việc đánh giá tác động của ma túy đối với xã hội rất cần thiết và tội phạm ma túy là gốc, nguồn cơn dẫn đến nhiều loại tội phạm khác.

KIỀU BẢO

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lap-khoang-trong-phap-ly-trong-quan-ly-von-nha-nuoc-post398199.html
Zalo