Giải đáp, làm rõ ý kiến, kiến nghị của cử tri
Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri, chiều 4-12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang gồm các ĐBQH: Tạ Minh Tâm, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Thị Uyên Trang đến tiếp xúc cử tri tại huyện Chợ Gạo sau Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Tham dự buổi tiếp xúc có các đồng chí: Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Hùng Vinh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo; Nguyễn Thị Kim Nguyệt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chợ Gạo; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, huyện…
Tại điểm tiếp xúc, ĐBQH tỉnh đã thông tin đến cử tri kết quả nội dung chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Tiếp đó, cử tri có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề có liên quan tại địa phương. Đó là vấn đề sạt lở đê sông Tiền, kinh Chợ Gạo, đoạn từ Vàm Kỳ hôn đến thị trấn Chợ Gạo; kiến nghị về mức hưởng bảo hiểm xã hội; học sinh nên tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình; một số quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT…
Hầu hết các kiến nghị, phản ánh của cử tri đã được đại diện lãnh đạo các phòng, ban, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp thu, ghi nhận và làm rõ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Liên quan đến vấn đề sạt lở, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Phạm Hùng Vinh cho biết: Thời gian qua, tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện Chợ Gạo diễn ra phức tạp. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã, đơn vị chuyên trách tiến hành khảo sát, lên kế hoạch khắc phục tình trạng này; tuyên truyền, vận động người dân chủ động ứng phó, cùng tham gia với chính quyền thực hiện các công việc như tiến hành trồng các loại cây chống sạt lở, gia cố các đoạn sạt lở, làm bờ kè...
Đồng thời, UBND huyện cũng đã kiến nghị UBND tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải xem xét, bố trí phương án cụ thể để hỗ trợ đầu tư, nhằm khắc phục tình trạng sạt lở, gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân.
Tại buổi tiếp xúc, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai cho biết: Về quyền lợi của người dân sử dụng BHYT, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được ban hành theo quy trình tại 1 kỳ họp nhằm khắc phục các tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều của Luật hiện hành, bổ sung 2 điều với một số nội dung mới, như: Sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng BHYT, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng BHYT, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng; quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo cấp chuyên môn kỹ thuật; quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT, mở rộng một số trường hợp được vượt tuyến để lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu; mở rộng một số phạm vi quyền lợi cho người có thẻ BHYT; quy định trường hợp mắc bệnh mãn tính chuyển về y tế cơ sở để quản lý; điều chỉnh tỷ lệ chi cho khám bệnh, chữa bệnh BHYT, chi dự phòng và tổ chức hoạt động BHYT từ số tiền đóng BHYT; quy định rõ thời hạn thông báo kết quả giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung cơ chế mua thuốc, thiết bị y tế và thanh toán thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thiếu thuốc, thiết bị y tế và cơ chế thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác đủ điều kiện thực hiện; bổ sung quy định cụ thể về chậm đóng, trốn đóng BHYT và các biện pháp xử lý…
Đối với những ý kiến, kiến nghị ngoài thẩm quyền, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang ghi nhận, tổng hợp đầy đủ, trình Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng Trung ương, tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri.