Lấp đầy khoảng trống pháp lý

Thời đại số hóa đã biến các KOL, người nổi tiếng, YouTuber, TikToker thành những 'người bán hàng' thực thụ. Nhưng khi sức ảnh hưởng của họ ngày càng lớn thì trách nhiệm pháp lý lại chưa được quy định rõ ràng. Đây là một vấn đề làm 'nóng' nghị trường khi Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật Quảng cáo.

Rõ là hiện nay, Luật Quảng cáo chủ yếu đề cập đến trách nhiệm của đơn vị sản xuất, phân phối sản phẩm hoặc tổ chức truyền thông. Còn cá nhân truyền tải nội dung quảng cáo, đặc biệt là người có ảnh hưởng tới cộng đồng gần như chưa được luật định rõ. Điều này khiến những lời giới thiệu sản phẩm không kiểm chứng, thậm chí sai sự thật thoải mái tung hoành.

Không ít nghệ sĩ, KOL, TikToker, hot YouTuber từng bị cộng đồng mạng phản ứng vì quảng cáo thực phẩm chức năng “thổi phồng” công dụng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, hàng hóa chưa được cấp phép… Họ dùng danh tiếng để tạo niềm tin, nhưng khi sự cố xảy ra, chỉ im lặng rút lui; tìm cách đổ lỗi cho nhãn hàng hoặc xin lỗi với lý do chưa tìm hiểu kỹ hay hiểu sai thông tin sản phẩm…

Vì thế các đại biểu Quốc hội khi thảo luận đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết xác lập khái niệm “người truyền tải quảng cáo”, trong đó bao gồm các cá nhân có ảnh hưởng. Các đại biểu cho rằng, người nổi tiếng đang chi phối hành vi tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, nhưng trách nhiệm pháp lý hiện còn bỏ ngỏ. Đã đến lúc phải bịt “lỗ hổng” này.

Các chuyên gia cũng đồng tình không thể tiếp tục để tình trạng “quảng cáo thả ga, trách nhiệm mù mờ”. KOL và người nổi tiếng tham gia hoạt động quảng bá có thù lao, thì cũng cần có cam kết, ràng buộc về mặt nội dung. Việc luật hóa trách nhiệm sẽ không làm mất đi sự sáng tạo, mà ngược lại, sẽ tạo ra một môi trường quảng cáo lành mạnh, minh bạch và chuyên nghiệp. Mặt khác, nếu luật quy định cụ thể, lực lượng chức năng sẽ có chế tài để xử lý khi vi phạm. Và vì việc quảng cáo sai sự thật không chỉ là câu chuyện đạo đức nghề nghiệp, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe cộng đồng, nhất là khi sản phẩm liên quan đến thực phẩm, thuốc hoặc hàng tiêu dùng thiết yếu.

Một số ý kiến đề xuất người quảng cáo, nhất là ca sĩ, diễn viên, KOL phải có trách nhiệm kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa quảng cáo; có chế tài xử phạt nghiêm người nổi tiếng, KOL quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng. Cơ chế bồi thường với hoạt động quảng cáo sai của người truyền tải quảng cáo cũng cần quy định rõ hơn trong luật; bổ sung nghĩa vụ của người nổi tiếng, phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành động quảng cáo sai… Điều này, ngoài việc siết chặt quản lý người nổi tiếng trong quảng cáo, còn giúp kiểm soát tốt hơn nguồn thu quảng cáo, tránh tình trạng trốn thuế và giúp phân loại giữa người tiêu dùng chia sẻ trải nghiệm và người làm quảng cáo có trả phí.

Đã đến lúc xã hội cần nhìn nhận người nổi tiếng, KOL không chỉ là người truyền cảm hứng, mà là người trực tiếp tham gia vào chuỗi tiêu thụ hàng hóa, nên phải chịu trách nhiệm trước công chúng. Nếu không có quy định cụ thể, người tiêu dùng chính là người phải gánh chịu hậu quả. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo lần này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ nhưng vẫn phù hợp với sự phát triển năng động của ngành quảng cáo hiện đại.

Quỳnh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lap-day-khoang-trong-phap-ly.701610.html
Zalo