Lắp camera phạt 'nguội' hành vi đổ rác bừa bãi - Kỳ vọng môi trường đô thị văn minh
Từ 1/3/2025, UBND TP Hà Nội sẽ triển khai thực hiện các biện pháp thí điểm nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường tại 4 quận nội đô lịch sử bao gồm sử dụng phương tiện vệ sinh môi trường xanh, phương pháp thu gom phù hợp. Đáng chú ý, tại 4 quận nội đô lịch sử sẽ lắp camera nhằm phát hiện, xử lý nghiêm hành vi đổ trộm rác thải, bỏ rác không đúng nơi quy định.
Theo Thông báo số 70/TB-VP về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông tại cuộc họp về công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn TP, 4 quận nội đô lịch sử Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng sẽ lắp camera nhằm phát hiện, xử lý nghiêm hành vi đổ trộm rác thải, bỏ rác không đúng nơi quy định.

Mặc dù có biển cảnh báo khu vực lắp đặt camera giám sát nhưng rác thải vẫn vứt bừa bãi (ảnh chụp chiều 24/2/2025 tại phố Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội).
Theo đó, nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường tại 4 quận trên, UBND TP yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP về việc nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường; khẩn trương thực hiện quy trình thủ tục hợp tác với đơn vị có năng lực trước ngày 23/2 để triển khai các công việc trên địa bàn 4 quận từ ngày 1/3. Đáng chú ý, 4 quận nội đô lịch sử sẽ triển khai chương trình lắp đặt camera, đáp ứng nhiều mục tiêu trong đó có việc quản lý công tác vệ sinh môi trường tại địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm như đổ trộm rác thải, bỏ rác thải không đúng giờ, không đúng nơi quy định, chậm thu gom, vận chuyển rác theo hợp đồng...
Sau khi thông tin sẽ lắp camera xử phạt hành vi đổ rác không đúng nơi quy định được ban hành, hầu hết người dân đều đồng tình. Bởi lẽ, trên địa bàn TP từ nhiều năm nay đã tồn tại những bãi rác tự phát không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, trực tiếp làm xấu đi bộ mặt của Thủ đô. Điều đáng chú ý, các bãi rác, điểm đổ rác tự phát này tồn tại được chủ yếu do ý thức của một bộ phận người dân, sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương. Đồng thời, chế tài xử phạt đối với hành vi vứt rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định hiện nay vẫn còn chưa cao, chưa đủ sức răn đe.
Trên thực tế, từ năm 2019, Công ty Môi trường Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm triển khai ghi hình người vứt rác tùy tiện ở phố đi bộ Hoàn Kiếm. Sau 1 tháng, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đã cung cấp hình ảnh để chính quyền xử phạt 26 trường hợp vi phạm, với số tiền gần 40 triệu đồng; trong đó, phạt một đơn vị tổ chức sự kiện với số tiền 8 triệu đồng.
Vào thời điểm đó, đơn vị này đề xuất UBND quận Hoàn Kiếm xem xét lắp đặt camera giám sát, ghi hình tại tất cả các tuyến đường trong không gian phố đi bộ; lắp đặt bảng điện tử tại các lối vào khu vực và đưa hình ảnh người xả rác bừa bãi công khai trên bảng. Chất lượng vệ sinh môi trường không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được cải thiện rõ rệt. Ý thức các hộ kinh doanh và các hoạt động bán hàng di động được nâng lên thông qua các hình thức tuyên truyền. Tuy nhiên, sau đó, hình thức này không được triển khai rộng rãi.
Ngay sau khi có thông báo của UBND TP Hà Nội, quận Ba Đình đã hoàn thành lắp đặt mạng lưới camera, đường truyền dẫn tín hiệu giai đoạn 1 với 79 bộ giám sát với mục tiêu kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm về an ninh trật tự, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường như đổ trộm rác thải, bỏ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định… trên địa bàn quận. Các hành vi vi phạm sẽ được kết nối, gửi về máy chủ tại Công an các phường và sẽ thực hiện xử phạt đối với các trường hợp vi phạm nêu trên.
Theo lãnh đạo quận Ba Đình, trong giai đoạn 2, quận sẽ triển khai cảnh báo vi phạm tự động thông qua các camera phục vụ an ninh, trật tự được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện khuôn mặt, biển số xe và giám sát các hành vi vi phạm trật tự, vệ sinh môi trường, đồng thời lắp đặt mới 300 camera, huy động 1.000 camera chia sẻ, hỗ trợ hình ảnh vi phạm cho việc xử lý "phạt nguội" giúp lực lượng chức năng xử lý vi phạm nhanh chóng, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân và tạo môi trường sống an toàn, văn minh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn quận.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, sử dụng camera phạt nguội là phương án khả thi. Bà An nêu dẫn chứng, chúng ta đã từng xử lý những vấn đề nan giải mang tính “thói quen”, điển hình như việc đội mũ bảo hiểm. Cách đây hơn chục năm, ra đường không mấy người đội mũ bảo hiểm. Lúc đó, báo chí cũng viết nhiều. Cơ quan chức năng cũng tốn nhiều công sức. Chỉ đến khi các chế tài mạnh mẽ được đưa ra và các cơ quan chức năng mạnh mẽ thực thi, quyết liệt đến cùng thì đến giờ, ra đường ai nấy cũng đều đội mũ bảo hiểm. Việc đó đã trở thành thói quen. “Dẫn chứng như thế để thấy rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường bằng hình thức “phạt nguội” là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi việc phạt “nguội” trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì việc đầu tư các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được coi là một trong những điều tiên quyết. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng cơ sở pháp lý cho việc sử dụng dữ liệu thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật do tổ chức, cá nhân cung cấp (camera an ninh, camera hành trình của các phương tiện giao thông, camera giám sát tại nơi công cộng...) làm căn cứ để “phạt nguội”, PGS.TS Bùi Thị An phân tích.
Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, dù phương án sử dụng camera phạt nguội là phương án khả thi nhưng cũng có điểm khó là kinh phí lắp camera không thể dàn trải khắp các ngõ, hẻm. Vì thế, theo bà An, phải kết hợp giữa tuyên truyền giáo dục và quản lý đường phố bằng tổ dân phố, Công an khu vực… thì việc phạt nguội mới thực hiện tốt được. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị thông minh để chụp hình, quay phim nhằm phát hiện những hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường và báo cho cơ quan chức năng. Có như thế, vấn nạn đổ rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định mới được giải quyết triệt để.