Lão nông sống đời 'du mục' kiếm hàng trăm triệu mỗi năm nhờ đàn ong Italia
Lão nông tự nhận là dân 'du mục' bởi cuộc sống của ông là những tháng ngày nay đây mai đó. Hơn 20 năm nay, ông đã đưa hàng trăm đàn ong của mình rong ruổi từ vùng đất này sang vùng đất khác để đổi lấy mật ngọt.
Những ngày cuối tháng 9, thời tiết tại miền Trung bắt đầu hạ nhiệt. Dưới tán rừng keo ở xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam), ông Trần Đăng Hải (57 tuổi, trú thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) đang tất bật quay những mẻ mật cuối cùng để chuẩn bị đưa đàn ong tới vùng đất mới.
Lão nông này tự nhận mình là dân “du mục” bởi cuộc sống của ông là những tháng ngày nay đây mai đó. Năm nào cũng vậy, cứ đến những mùa hoa là ông lại luân phiên đưa hàng trăm đàn ong qua các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Quảng Nam để kiếm mật.
“Mỗi năm, tôi đưa khoảng 200 - 500 đàn ong rong ruổi qua 3 tỉnh Đắk Lắk, Quảng Nam và Gia Lai, tương ứng với 3 mùa hoa cà phê, keo và cao su. Nếu nuôi ong mà không di chuyển theo những mùa hoa, để ong cố định một chỗ thì chúng sẽ đói, chết nhiều, thậm chí có đàn còn bỏ tổ đi hết”, ông Hải giải thích.
Những người làm nghề như ông Hải thuộc nằm lòng những mùa hoa nào cho mật thơm ngon, thời tiết và địa lý những vùng đất mà mình sẽ đến.
Từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch, ông đưa ong đến vườn cà phê ở Đắk Lắk để hút mật hoa. Từ tháng 5 đến hết tháng 10 là mùa mật keo ở Quảng Nam và tiếp đến sẽ là mùa mật cao su ở Gia Lai.
Mỗi năm bỏ túi từ 200 - 500 triệu đồng
Theo ông Hải, giống ong được ông nuôi có nguồn gốc từ Italia (ong Ý). Trong mỗi thùng luôn có một con ong chúa (ong đầu đàn) làm nhiệm vụ sinh sản ra “đội quân” ong thợ để đi kiếm hoa làm mật.
Một con ong chúa có thể sống và sinh sản liên tục từ 3 - 5 năm. Để tăng đàn, cứ khoảng 2 năm, ông sẽ thay giống ong chúa một lần.
Chu kỳ khai thác mật ong cũng thay đổi tùy thời điểm. “Ong mạnh thì chăm khoảng 10 ngày là có thể thu hoạch, nhưng cũng có đàn mất 15 ngày mới có thể lấy mật”, ông Hải chia sẻ.
Tùy vào chất lượng mật ở mỗi thời điểm mà giá cũng khác nhau. Trung bình giá mật được công ty đến thu mua tận nơi sẽ từ 20.000 – 50.000 đồng/kg. Với hơn 200 - 500 tổ ong dao động theo từng thời điểm, trừ hết chi phí, mỗi năm ông Hải “bỏ túi” khoảng hơn 200 - 500 triệu đồng.
Dù cho thu nhập tương đối ổn định nhưng nghề nuôi ong cũng có lắm rủi ro và vất vả. Khổ nhất là những tháng mưa, người nuôi buộc phải di chuyển liên tục để tìm kiếm địa điểm có nguồn thức ăn dưỡng ong. Việc di chuyển có thể khiến đàn ong bị hao hụt với số lượng lớn, đồng thời dễ nhiễm các loại bệnh dịch.
“Lo nhất là bệnh thối ấu trùng, đau bụng khiến ong chết. Nếu không vững về kỹ thuật sử dụng ong chúa khiến cả đàn bỏ đi thì thiệt hại còn nặng nề hơn”, ông nói.
Với kinh nghiệm 20 năm nuôi ong du mục, ông Hải tiết lộ việc di cư đàn ong thường diễn ra vào chập tối, khi những con ong thợ cuối cùng bay về, ông đóng tổ lại, rồi vận chuyển thật nhanh lên xe tải. Khi đến vùng đất mới, phải tranh thủ ổn định lại các tổ, kịp trời sáng, để đàn ong định hướng, rồi đi tìm mật.
“Ngoài yếu tố thời tiết, khu rừng nhiều hoa cho đàn ong lấy mật thì việc chọn hướng đặt thùng gỗ tránh gió lùa, tránh côn trùng gây hại cũng rất quan trọng, giúp đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt”, ông Hải bộc bạch.
Hiểu từng vùng đất, mùa hoa, ông Hải như là “thủ lĩnh” nắm trong tay cả triệu quân tí hon hành quân trên mọi nẻo đường từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ cánh rừng này sang cánh rừng khác để tìm kiếm mật ngọt với hy vọng về một mùa mật bội thu.