Nam Phi 'đau đầu' với nạn buôn lậu hổ

Theo báo cáo của tổ chức từ thiện quốc tế về phúc lợi động vật Four Paws, các trang trại nuôi hổ lớn nhất bên ngoài châu Á đang hoạt động tự do tại Nam Phi, tạo điều kiện cho việc buôn lậu các bộ phận cơ thể của 'chúa sơn lâm'.

Phóng viên TTXVN tại Pretoria cho biết, Four Paws đang vận động đóng cửa ngành công nghiệp nuôi hổ tại Nam Phi, sau khi phát hiện có 103 địa điểm tại quốc gia này có hổ bị nuôi nhốt trong năm 2023 và 2024, hoặc đã bị nuôi nhốt trong 3 năm trước đó. Một số cơ sở đã nuôi hổ để bán các bộ phận cơ thể của chúng cho các quốc gia châu Á, phục vụ cho mục đích sử dụng trong y học cổ truyền.

Báo cáo cũng xác định được 3 mạng lưới được cho là có liên quan đến hoạt động buôn lậu này. Các thành viên của một mạng lưới "tập đoàn tội phạm có liên kết" đã đăng tải hình ảnh trên mạng xã hội quảng cáo "các sản phẩm từ hổ", trong đó nghi ngờ có cao hổ. Trong một bức ảnh khác được công bố ẩn danh, các thành viên trong mạng lưới này tuyên bố đang nấu hổ ở một địa điểm tại Nam Phi.

Hổ là loài vật được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đánh giá là có nguy cơ tuyệt chủng. Vào năm 2021, ước tính chỉ còn khoảng 5.574 con hổ trong tự nhiên và được phân bố tại 13 quốc gia châu Á. Hiện, con số này đã tăng 40% kể từ năm 2021, nhưng vẫn còn rất thấp so với 100.000 con vào khoảng một thế kỷ trước.

Hoạt động buôn bán thương mại hổ sống và các bộ phận cơ thể của chúng đã bị cấm trên toàn cầu kể từ năm 1975, theo Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật hoang dã nguy cấp (CITES). Tuy nhiên, theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), đây vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với quần thể hổ hoang dã.

Theo báo cáo của chính phủ vào tháng 2/2024, Nam Phi có 626 con hổ bị nuôi nhốt. Tuy nhiên, nghiên cứu của Four Paws không bao gồm dữ liệu từ hai tỉnh KwaZulu-Natal và Mpumalanga, cho thấy con số thực tế có thể cao hơn.

Báo cáo của Four Paws cũng đề cập đến việc xuất khẩu trái phép xương sư tử từ Nam Phi, thường được bán ở châu Á dưới dạng xương hổ. Mặc dù Nam Phi cho phép nhân giống sư tử thương mại, bao gồm cả để săn bắn và lấy sản phẩm từ thú làm phần thưởng, việc xuất khẩu xương sư tử đã bị cấm kể từ năm 2019. Trong bài phát biểu vào tháng 10, Bộ trưởng Môi trường Nam Phi Dion George cũng đã khẳng định lập trường mạnh mẽ chống lại việc nhân giống sư tử nuôi nhốt.

Báo cáo của chính phủ năm 2024 lưu ý, các quy định đối với hổ vẫn còn hạn chế do hổ không phải là loài bản địa của Nam Phi, khiến đây trở thành "lựa chọn hấp dẫn hơn" đối với những người nhân giống loài “mèo lớn” này.

Hồng Minh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nam-phi-dau-dau-voi-nan-buon-lau-ho-20241114162200115.htm
Zalo