Lao động trẻ em: Cần xóa đi 'vết gợn' trên hành trình kiến tạo tương lai
Kể từ năm 2018 đến nay, số lượng trẻ em tham gia lao động đã giảm mạnh. Tuy nhiên, tình trạng lao động trẻ em vẫn còn tồn tại và đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.
Ngày 23/1, hội thảo công bố Báo cáo "Trẻ em tham gia lao động và Lao động trẻ em quốc gia năm 2023" do Tổng cục Thống kê tổ chức, đã đưa ra những con số biết nói về lao động trẻ em tại Việt Nam và chỉ ra một phần thực trạng về vấn đề này đồng thời khẳng định những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền trẻ em.
Lao động trẻ em trong các điều kiện làm việc khắc nghiệt
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động-Tổng cục Thống kê, cho biết trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 17 của Việt Nam năm 2023 là 20,6 triệu người, chiếm 20,6% tổng dân số toàn quốc.
“Đây là một lực lượng quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong số này, có 96,4% trẻ em đang tập trung vào việc học tập. Thế nhưng, vẫn còn đó một bộ phận trẻ em phải đối mặt với gánh nặng mưu sinh,” bà Mai cho biết.
Cụ thể, báo cáo cho hay có 731,6 nghìn trẻ em trên cả nước đang tham gia vào các hoạt động lao động. Điều đáng chú ý, phần lớn trẻ em này cư trú ở khu vực nông thôn (84,6%), đặc biệt là các vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (52,7%). Hiện, tỷ lệ trẻ em tham gia lao động là 3,5%, điều này có nghĩa là trong 100 trẻ em từ 5 đến 17 tuổi thì có gần 4 em tham gia lao động. Theo báo cáo, tỷ lệ này đã giảm 5,6 điểm phần trăm so với năm 2018, song đây vẫn là một con số đáng để chúng ta suy ngẫm.
“Thực tế cho thấy, trẻ em tham gia lao động thường bị hạn chế cơ hội được đi học. Có đến 403,2 nghìn trẻ em tham gia lao động hiện không đi học (55,1%). Nếu, trẻ em có cơ hội học tập nhiều hơn thì càng ít khả năng tham gia lao động và sẽ ít có khả năng trở thành lao động trẻ em," bà Mai nhấn mạnh.
Một trong những phát hiện đáng lưu ý được nêu trong báo cáo là có tới gần 60% trẻ em cho biết nguyên nhân khiến các em không đi học và phải tham gia lao động không đến từ các vấn đề kinh tế hay áp lực gia đình mà chủ yếu là do các em "không thích đi học/học kém."
"Hai phần ba trẻ em tham gia lao động cả nước đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 67,0%. Độ tuổi phổ biến trẻ bắt đầu tham gia lao động là từ 10 tuổi trở lên, đặc biệt là tuổi 15. Đáng lo ngại, vẫn có một tỷ lệ nhỏ trẻ em bắt đầu tham gia lao động từ 5-7 tuổi," bà Mai cho biết.
Báo cáo cũng chỉ ra, trong số 731,6 nghìn trẻ em tham gia lao động, có 269.604 em dưới 7 tuổi và chiếm 1,31% tổng số trẻ em 5-17 tuổi. Bà Mai nhấn mạnh điều này đồng nghĩa với việc các em còn phải đối mặt với những rủi ro, nguy cơ bị bóc lột và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện.
Báo cáo cũng chỉ rõ đa số lao động trẻ em (76,4%) đang cư trú ở khu vực nông thôn và 61,4% là trẻ em trai. Lao động trẻ em tập trung chủ yếu ở nhóm 15-17 tuổi (65,6%). Theo các vùng kinh tế- xã hội, lao động trẻ em tập trung nhiều ở các vùng Đồng bằng sông Cửu Long (29,2%), Đông Nam Bộ (18,9%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (15,5%).
"Những vùng kinh tế kém phát triển, tỷ lệ lao động trẻ em thường cao hơn. Điều này cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa điều kiện kinh tế-xã hội và tình trạng lao động trẻ em," bà Mai nhấn mạnh.
Nguy hiểm hơn, lao động trẻ em không chỉ bị hạn chế cơ hội học tập, mà các em còn phải đối mặt với những điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Theo báo cáo, lao động trẻ em tập trung chủ yếu ở ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (38,9%). Tiếp theo là ngành công nghiệp và xây dựng chiếm đến 38,3%. Bình quân, mỗi lao động trẻ em phải làm việc 37,5 giờ/tuần. Trong đó, có 177.840 em phải làm nhiều số giờ hơn quy định. Đáng báo động hơn là khoảng 50,1 nghìn trẻ em phải làm việc vào ban đêm. Ngoài ra, có gần 94,3 nghìn trẻ em phải làm các công việc có thể gây nguy hại và 32,6 nghìn trẻ em gặp phải ít nhất 1 vấn đề về sức khỏe do công việc.
Tại hội thảo, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ trẻ em. Bà khẳng định khảo sát năm 2023 đánh dấu một bước tiến quan trọng với việc Việt Nam lần đầu tiên tích hợp dữ liệu về trẻ em tham gia lao động vào Điều tra Lao động việc làm.
“Cách tiếp cận này vừa hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí, cho phép theo dõi thường xuyên xu hướng lao động trẻ em đồng thời đưa ra một mô hình mà các quốc gia khác có thể học hỏi,” bà Ingrid Christensen nói.
Bên cạnh đó, bà Ingrid Christensen cũng chỉ ra vẫn còn những thách thức, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Theo bà, Việt Nam cần tiếp tục hợp tác và hỗ trợ để đảm bảo các gia đình có thể ưu tiên giáo dục và sinh kế bền vững cho con cái.
Hành động để xóa bỏ hoàn toàn lao động trẻ em
Theo bà bà Ingrid Christensen, các chính sách chủ động của Việt Nam cùng với sự cống hiến của các đối tác đã góp phần giảm lao động trẻ em, tạo ra một tấm gương tích cực trong khu vực và toàn cầu. Khi Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế và hội nhập sâu hơn vào thương mại toàn cầu, xóa bỏ lao động trẻ em sẽ không chỉ bảo vệ quyền trẻ em mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế và lực lượng lao động tương lai của đất nước.
Bà Ingrid Christensen cũng nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam phù hợp với Lời kêu gọi hành động của Durban (được thông qua vào năm 2022), trong đó nêu sáu hành động quan trọng để xóa bỏ lao động trẻ em. Chúng bao gồm nâng cao nhận thức, tăng cường luật pháp và cung cấp các lựa chọn thay thế cho trẻ em có nguy cơ. Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống và giảm thiểu lao động trẻ em của Việt Nam được thực hiện lần đầu tiên từ năm 2016-2020 và hiện đang được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, phù hợp với các mục tiêu này.
“Nhìn về phía trước, nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục đà phát triển và biến cam kết thành hành động cụ thể. Chúng ta cần phải tiếp tục tăng cường các nỗ lực hợp tác của mình để đảm bảo rằng tất cả trẻ em, đặc biệt là những trẻ em dễ bị tổn thương nhất, được bảo vệ khỏi bị bóc lột. Để đạt được điều này, chúng ta cần tạo điều kiện cho gia đình họ có thể ưu tiên lợi ích lâu dài của giáo dục cho con cái họ hơn lợi ích tài chính ngắn hạn của lao động trẻ em,’ bà Ingrid Christensen nói.
Mặt khác, bà Ingrid Christensen cho rằng việc tích hợp dữ liệu (về trẻ em đi làm vào Điều tra Lao động việc làm) cho thấy sự đổi mới và hợp tác có thể thúc đẩy tiến bộ có ý nghĩa như thế nào. Nó đóng vai trò như một mô hình cho các phương pháp tiếp cận hiệu quả và bền vững để giám sát và giải quyết lao động trẻ em. Với sự hợp tác và cam kết liên tục, Việt Nam có thể tiến gần hơn đến việc xóa bỏ hoàn toàn lao động trẻ em.
Với thực trạng nêu trên, báo cáo kiến nghị một số giải pháp. Bà Mai nhấn mạnh mặc dù hệ thống pháp luật chính sách về lao động trẻ em ở Việt Nam được xây dựng khá đầy đủ và ngày càng hoàn thiện nhưng tình trạng lao động trẻ em vẫn còn tồn tại. Do đó, các cấp quản lý cần nghiên cứu rà soát các quy định hiện hành để kịp thời đề xuất, hoàn thiện chính sách pháp luật đảm bảo phù hợp với khuyến nghị quốc tế và theo kịp với tình hình thực tiễn của Việt Nam.
Đặc biệt là phải tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát để đảm bảo việc tuân thủ quy định không sử dụng lao động trẻ em (trong khu vực phi chính thức, hộ gia đình và khu vực nông nghiệp).
Để làm được điều này, bà Mai nhấn mạnh việc áp dụng các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong sử dụng lao động trẻ em, đặc biệt đối với trẻ em dưới 13 tuổi, nhằm bảo vệ quyền lợi cho trẻ em và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Với trẻ em không đến trường có nguy cơ cao trở thành lao động trẻ em, báo cáo cho rằng cần có những nghiên cứu các chính sách cũng như các chương trình đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phù hợp hơn tạo cơ hội, động lực cho tất cả các em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Đồng thời, báo cáo đề xuất thúc đẩy việc chính thức hóa đối với lao động phi chính thức, như nâng cao trình độ học vấn của chủ hộ là những giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa lao động trẻ em.
Theo bà Mai, xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em là một nhiệm vụ đầy thách thức và đòi hỏi sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị, của mỗi tổ chức và của từng cá nhân. Sự phối hợp và cam kết mạnh mẽ từ tất cả các bên sẽ góp phần cải thiện và xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện nhất để “không ai bị bỏ lại phía sau.”
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết từ năm 2012 đến năm 2023, với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Tổ chức lao động quốc tế ILO, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển đã thực hiện thường xuyên các cuộc điều tra thống kê về thực trạng trẻ em tham gia lao động và lao động trẻ em. Cụ thể đã có tổng cộng 3 cuộc điều tra thực hiện vào các năm 2012, 2018, 2023 do Tổng cục Thống kê chủ trì thực hiện.
Từ kết quả của cuộc điều tra, Việt Nam đã có được một bức tranh toàn diện về thực trạng trẻ em tham gia lao động và lao động trẻ em Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2023. Các thông tin có được là rất cơ bản và đầy đủ, như quy mô dân số trẻ em; Quy mô trẻ em tham gia lao động; Quy mô lao động trẻ em; Tình trạng đi học của lao động trẻ em; Các vấn đề về sức khỏe lao động trẻ em gặp phải khi làm việc…
“Tổng cục Thống kê sẽ công bố toàn bộ kết quả chủ yếu về thực trạng trẻ em tham gia lao động và lao động trẻ em năm 2023. Chúng tôi tin tưởng đây sẽ là nguồn thông tin giá trị cho Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức để xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Đây cũng như có căn cứ để các đối tượng dùng tin triển khai hoạt động nghiên cứu và các công tác khác nhằm góp phần chăm lo ngày một tốt hơn cho sự phát triển của trẻ em, để trẻ em có một tuổi thơ hạnh phúc và Việt Nam có thế hệ kế cận tiềm năng,” bà Hương nói./.