Quan tâm chế độ chính sách với cán bộ nghỉ trước tuổi
Trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã vừa qua của Hà Nội, rất nhiều cán bộ, công chức tự nguyện làm đơn xin nghỉ. Có những người nghỉ trước tuổi 7, 8 năm để tạo cơ hội cho lớp trẻ.
Việc vận dụng các chính sách đặc thù để hỗ trợ cho cán bộ công chức xin nghỉ trước tuổi là rất quan trọng. Điều này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người nghỉ mà còn tạo thuận lợi cho các địa phương trong sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.
Ông Nguyễn Danh Hương, sinh năm 1971, nguyên là Chủ tịch UBND xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức. Khi có Nghị quyết 35 về sáp nhập hai xã Đốc Tín và Vạn Kim thành một đơn vị hành chính, ông đã quyết định làm đơn xin nghỉ trước tuổi, dù ông còn 8 năm 9 tháng nữa mới đến tuổi nghỉ hưu: “Là đảng viên lại là cán bộ công tác chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính, tôi suy nghĩ rằng để tạo điều kiện cho công tác sắp xếp cán bộ hiệu quả và đoàn kết để thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng thì tôi xin được nghỉ công tác".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1971, nguyên là Chủ tịch UBND xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, cũng còn 8 năm 7 tháng nữa mới đến tuổi nghỉ hưu. Khi có chủ trương sáp nhập, ông tự nhận thấy trình độ của mình không thể đáp ứng được yêu cầu công việc cao hơn của đơn vị hành chính mới nên đã làm đơn xin nghỉ: “Chế độ nghỉ hưu của tôi sẽ rất thấp vì trong thời gian tham gia UBND xã, làm các chức danh liên quan tới ngân sách Nhà nước, hỗ trợ đóng bảo hiểm rất ít. Với tinh thần để lãnh đạo dễ sắp xếp công việc, tôi quyết định sẽ nghỉ hưu trước tuổi".
Sau khi sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã, phường, hình thành 56 đơn vị hành chính mới, Hà Nội dôi dư 831 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách (gồm 451 cán bộ, 326 công chức, 54 người hoạt động không chuyên trách). Vận dụng chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ cán bộ nghỉ trước tuổi sau sắp xếp là chính sách phù hợp, để người nghỉ yên tâm, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có cơ hội cống hiến.