Lãnh đạo nhóm G7 tìm kiếm đồng thuận phi thuế quan
Các bộ trưởng tài chính của Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ tập trung tìm kiếm sự đồng thuận trong các vấn đề phi thuế quan khi nhóm họp tại Canada trong tuần này.
Tuy nhiên, nỗ lực này có thể vấp phải trở ngại do lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn đang thúc đẩy các đồng minh hành động phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ.

Lãnh đạo nhóm G7 tìm kiếm đồng thuận phi thuế quan
Sáu thành viên còn lại trong nhóm gồm: Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Ý và nước chủ nhà Canada mong muốn duy trì sự đoàn kết trong liên minh chính sách phương Tây, bất chấp những bất đồng ngày càng gia tăng liên quan đến các chính sách áp thuế thương mại, rút lui khỏi các thỏa thuận khí hậu, hợp tác thuế toàn cầu của Mỹ, theo các quan chức G7 và chuyên gia về ngoại giao kinh tế.
Điều này có thể khiến nội dung tuyên bố chung phải sử dụng ngôn ngữ ít cụ thể hơn và né tránh một số chủ đề gây tranh cãi. Một nguồn tin nắm rõ quan điểm của phía Mỹ cho biết, mọi tuyên bố đồng thuận đều phải phù hợp với các ưu tiên của chính quyền Trump.
“Chúng tôi không có chủ trương ban hành tuyên bố chung chỉ vì hình thức”, nguồn tin này nói với các phóng viên trong điều kiện giấu tên.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent sẽ cùng các bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G7 tham dự hội nghị kéo dài từ thứ Ba đến thứ Năm, tại khu nghỉ dưỡng Banff thuộc dãy Rocky, tỉnh Alberta (Canada). Các biện pháp thuế quan mới mà ông Trump áp đặt gần đây sẽ là tâm điểm của cuộc thảo luận. Tuy nhiên, nguồn tin phía Mỹ cho biết sẽ không có thỏa thuận thương mại song phương nào được công bố tại hội nghị này.
Hiện Nhật Bản, Đức, Pháp và Ý đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với việc Mỹ tăng gấp đôi thuế đối ứng lên mức 20% hoặc cao hơn từ đầu tháng 7. Trong khi đó, Anh dù đã đạt được một thỏa thuận thương mại giới hạn vẫn phải chịu thuế 10% đối với hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, còn Canada vẫn đang nỗ lực ứng phó với mức thuế 25% của Mỹ đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu.
“Sẽ không có chuyện Mỹ tuyên bố áp dụng một cơ chế ưu đãi đặc biệt cho các nước G7 hoặc các đối tác khác”, Charles Lichfield, Phó Giám đốc Trung tâm Địa kinh tế thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) nhận định.
Theo ông Lichfield, các bộ trưởng của 6 nước còn lại nhiều khả năng sẽ tìm cách "nhắc nhở khéo léo" Bộ trưởng Bessent rằng họ là những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, và việc đồng thời phải chịu sức ép từ Washington về vấn đề Trung Quốc trong khi chính họ cũng đang đối mặt với các biện pháp trừng phạt thương mại từ Mỹ là điều rất khó khăn.
Trọng tâm liên quan đến năng lực cạnh tranh
Người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ cho biết ông Bessent sẽ kêu gọi các nước G7 giải quyết những mất cân đối và thực tiễn phi thị trường, bao gồm cả trong nền kinh tế của chính họ, đồng thời cùng nhau đối phó với sự cạnh tranh từ Trung Quốc.
“G7 cần phối hợp để bảo vệ người lao động và doanh nghiệp của chúng ta trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh”, người phát ngôn cho biết.
Ông Bessent từ lâu đã chỉ trích các chính sách của Trung Quốc gây ra tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và tạo ra làn sóng hàng hóa trợ giá tràn ngập các thị trường.
Được xem là một tiếng nói ôn hòa trong chương trình nghị sự thương mại của Tổng thống Trump, ông Bessent được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chính quyền Mỹ áp dụng cách tiếp cận cân bằng hơn.
“Các bộ trưởng G7 sẽ tìm cách khuyến khích ông (Bessent) thúc đẩy các chính sách thương mại ôn hòa hơn từ phía chính quyền”, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hiện là Chủ tịch khu vực Mỹ của OMFIF, Mark Sobel nhận định.
Bất chấp những bất đồng về thuế quan, các quan chức G7, đặc biệt là phía Canada, dường như quyết tâm đạt được một tuyên bố chung từ hội nghị tài chính lần này, nhằm chuẩn bị nền tảng cho Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra vào tháng Sáu tại khu nghỉ dưỡng Kananaskis gần đó.
Các nguồn tin chính phủ am hiểu tiến trình đàm phán cho biết, một bản dự thảo tuyên bố chung đã được chuẩn bị trước và Canada đang nỗ lực thúc đẩy đồng thuận để thể hiện lập trường thống nhất của G7 trong nhiều lĩnh vực.
Một lĩnh vực có khả năng đạt được đồng thuận là việc hỗ trợ IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), sau khi ông Bessent hồi tháng Tư đã tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với hai thể chế tài chính toàn cầu này.
Ngoài ra, các chủ đề khác có thể đạt được đồng thuận bao gồm tăng cường hợp tác phòng chống rửa tiền và các tội phạm tài chính, cũng như lời kêu gọi của ông Bessent về việc tăng cường vai trò của khu vực tư nhân trong thúc đẩy tăng trưởng, theo các nguồn tin từ G7.