Điện đàm cấp cao Nga-Mỹ về Ukraine: Phía sau cái gật đầu là những toan tính không cùng quỹ đạo?

Cuộc điện đàm cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ về vấn đề Ukraine gây sự chú ý lớn trong dư luận. Mặc dù đều có những tuyên bố tích cực sau cuộc điện đàm nhưng rõ ràng đàm phán hòa bình chắc chắn không phải là con đường phẳng lặng.

Mặc dù thiện chí trong đàm phán về Ukraine nhưng các bên có nhiều điều kiện còn vênh nhau. Trong ảnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin trong một cuộc gặp năm 2017. (Nguồn: Telegraph)

Mặc dù thiện chí trong đàm phán về Ukraine nhưng các bên có nhiều điều kiện còn vênh nhau. Trong ảnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin trong một cuộc gặp năm 2017. (Nguồn: Telegraph)

Không thể ngừng bắn ngay lập tức

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ chối một lệnh ngừng bắn ngay lập tức với Ukraine trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 19/5 vừa qua.

Sau cuộc điện đàm kéo dài 120 phút, ông Trump cho biết Moscow và Kiev sẽ nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp về một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột. Ông Trump cũng ám chỉ rằng Mỹ có thể rút khỏi vai trò trung gian hòa giải nếu các cuộc đàm phán thất bại song không cho biết sẽ dành thêm bao nhiêu thời gian để đạt được một thỏa thuận.

Phát biểu với báo giới ở Nhà Trắng, ông Trump nhấn mạnh: “Tôi nghĩ điều gì đó sẽ xảy ra. Và nếu không, tôi sẽ rút lui và họ sẽ phải tiếp tục”.

Việc ông Putin từ chối ký kết một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày do Kiev đề xuất là trở ngại mới nhất đối với những nỗ lực của ông Trump nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài 3 năm và là một dấu hiệu nữa cho thấy ông Putin không mặn mà với việc kiến tạo hòa bình trừ khi đạt được các điều kiện cho đến nay vẫn không thể chấp nhận được đối với Ukraine.

"Có lẽ hơn 3 năm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Nga-Ukraine ngày 24/2/2022, đây là lúc các bên tiến gần hơn đến một giải pháp hòa bình hơn lúc nào hết, dù vẫn còn có những khác biệt lớn trong các tuyên bố chính sách công khai", Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao) nhận định sau cuộc điện đàm cấp cao Mỹ-Nga.

Cuối tuần qua, ông Trump đã bày tỏ hy vọng rằng cuộc điện đàm với ông Putin sẽ "hiệu quả" và một lệnh ngừng bắn "sẽ diễn ra".

Vào ngày 19/5, ông gọi các cuộc thảo luận với ông Putin là "xuất sắc" và để ngỏ khả năng các biện pháp trừng phạt đối với Nga có thể được dỡ bỏ và thương mại của Mỹ có thể được tăng cường với cả hai nước nếu đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Phát biểu với các phóng viên, ông Trump cho biết "một số tiến triển đã đạt được" và ông vẫn tin rằng ông Putin muốn kiến tạo hòa bình.

Ông Trump không loại trừ khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow nhưng ám chỉ rằng chúng không sắp xảy ra.

Vào tháng 3 vừa qua, ông Trump nói rằng ông đang "xem xét mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt quy mô lớn" bởi lực lượng của Nga đang "tấn công dồn dập Ukraine trên chiến trường".

Trong 2 ngày qua, các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine bao gồm hàng trăm cuộc không kích bằng thiết bị bay không người lái vẫn tiếp diễn.

Một quan chức Mỹ cho biết, ông Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc trao đổi ngắn trước cuộc điện đàm với ông Putin để phối hợp chiến lược ngoại giao, trong đó nhà lãnh đạo Ukraine thúc giục ông Trump nhấn mạnh rằng ông Putin phải đồng ý một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày.

Hai người đã nói chuyện lại sau cuộc điện đàm với ông Putin. Ông Zelensky đã kêu gọi Nhà Trắng tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Moscow và tiếp tục tham gia vào tiến trình ngoại giao.

Ông Zelensky viết trên mạng xã hội X rằng: “Điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là Mỹ không xa rời các cuộc đàm phán và việc theo đuổi hòa bình bởi người duy nhất được hưởng lợi từ điều đó là ông Putin”.

Ông Zelensky nói thêm rằng các cuộc thảo luận với Nga có thể diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Vatican, Thụy Sỹ hoặc các địa điểm khác.

Trong khi đó, ông Trump nhấn mạnh rằng: “Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt nếu tổ chức tại Vatican. Có lẽ nó sẽ có thêm một chút ý nghĩa đặc biệt”.

Tổng thống Nga Putin trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: TASS)

Tổng thống Nga Putin trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: TASS)

Lập trường mơ hồ của Nga

Ông Putin vào ngày 19/5 một lần nữa đã cảm ơn ông Trump.

Theo hãng thông tấn TASS, ông Putin nói: “Một lệnh ngừng bắn trong một khoảng thời gian nhất định là có thể nếu các thỏa thuận phù hợp được đạt được”.

Nhưng nhà lãnh đạo Nga cho biết các vấn đề rộng lớn hơn phải được thống nhất trước khi có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện hơn.

Yêu cầu của ông Putin bao gồm việc Kiev nhượng bộ lãnh thổ, một quân đội Ukraine bị thu hẹp quy mô đáng kể và những lời hứa rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và quân đội NATO không được đồn trú ở Ukraine.

Phát biểu với báo giới sau cuộc điện đàm, ông Putin nói: “Nga sẽ đề xuất và sẵn sàng làm việc với phía Ukraine về một bản ghi nhớ” vạch ra các lập trường cho một hiệp ước hòa bình có thể có.

Ông nói thêm, bản ghi nhớ có thể bao gồm “một lệnh ngừng bắn có thể có trong một khoảng thời gian nhất định nếu đạt được các thỏa thuận liên quan”.

Ông Trump cho biết một loạt cuộc điện đàm của ông đã mang lại một thỏa thuận để bắt đầu các cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.

“Nga và Ukraine sẽ ngay lập tức bắt đầu các cuộc đàm phán hướng tới một lệnh ngừng bắn và, quan trọng hơn, một sự chấm dứt xung đột. Các điều kiện liên quan sẽ được đàm phán giữa hai bên, bởi họ biết các chi tiết của một cuộc đàm phán mà không ai khác có thể biết được”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.

Ngay sau cuộc điện đàm với ông Putin, ông Trump cũng đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Italy, Đức và Phần Lan.

Trên mạng xã hội X, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cảm ơn ông Trump vì “những nỗ lực không mệt mỏi của ông nhằm mang lại một lệnh ngừng bắn cho Ukraine”.

Bà lưu ý thêm: “Điều quan trọng là Mỹ tiếp tục tham gia”. Tuần trước, các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết nếu Nga không đồng ý một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, họ sẽ hành động để gây áp lực lên Moscow.

Sau khi không thực hiện được lời hứa khi tranh cử về một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng ở Ukraine, ông Trump và đội ngũ của ông liên tục cảnh báo rằng Washington sẽ rút lui khỏi vai trò trung gian hòa giải trừ khi có tiến triển trong việc chấm dứt xung đột, một lời đe dọa mà Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã nhắc lại vào ngày 19/5, ngay trước cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin.

Phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force Two, ông Vance nói: “Chúng tôi nhận thấy có một chút bế tắc ở đây. Tổng thống sẽ nói với ông Putin rằng Mỹ sẽ không lãng phí công sức một cách vô ích ở đây”.

Lợi ích còn chồng chéo

Mới tuần trước, ông Trump khẳng định Mỹ "cam kết đảm bảo hòa bình giữa Nga và Ukraine", thậm chí còn ngụ ý nói rằng ông sẵn sàng cắt ngang chuyến thăm Trung Đông để bay đến Istanbul gặp trực tiếp Tổng thống Putin. Kết quả là Nga đã cử một phái đoàn cấp thấp đến Thổ Nhĩ Kỳ và ông Trump đã không xuất hiện.

Tại cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2022, hai phái đoàn Nga và Ukraine đồng ý trao đổi tù binh nhưng không đạt được tiến triển nào khác.

Bà Maria Snegovaya, thành viên cấp cao về Nga và Âu - Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho rằng nhà lãnh đạo Nga đang cố gắng tránh gây khó chịu cho Mỹ, nhưng thực tế là Moscow vẫn giữ nguyên lập trường của họ.

Ông John Herbst, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Á - Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói rằng Mỹ có đòn bẩy đáng kể đối với Nga nếu ông Trump sẵn sàng sử dụng, như tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, dưới dạng hỗ trợ hoặc bán hàng, đồng thời áp biện pháp trừng phạt Nga cứng rắn hơn.

Nhận định về quan điểm phía Nga trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Mỹ, ông Eric Green, cựu cố vấn Nhà Trắng về Nga dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden cho rằng Tổng thống Putin muốn có quyền quyết định ở Ukraine song ông ấy cũng muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Ông Putin sẽ ca ngợi các cuộc đàm phán ở Istanbul là một bước tiến nhưng chỉ dừng lại ở đó và chuyển hướng sang thương mại.

Tuy nhiên, đây là cuộc điện đàm đầu tiên công khai giữa ông Trump và ông Putin sau gần ba tháng. Do đó, nó vẫn đóng vai trò then chốt nhằm thiết lập những điều kiện cụ thể để mở ra các thỏa thuận lâu dài và bền vững cho cuộc xung đột.

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dien-dam-cap-cao-nga-my-ve-ukraine-phia-sau-cai-gat-dau-la-nhung-toan-tinh-khong-cung-quy-dao-314913.html
Zalo