Anh: Bí mật mạng lưới thanh toán tiền buôn người

Nếu như trước kia, di dân tự do ở các quốc gia Trung Á, châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh… thường phải trả tiền trước cho các đường dây buôn người để chúng đưa họ đến miền 'đất hứa' thì nay thân nhân của họ chỉ việc thanh toán qua một mạng lưới ngầm gọi là Hawala.

Và mới đây, Cơ quan Tội phạm quốc gia Anh (NCA) phối hợp với Cảnh sát Anh quốc (Scotland Yard) đã khám phá một mạng lưới Hawala hoạt động ở 15 thành phố của nước Anh với số tiền giao dịch chỉ trong 2 tháng đầu năm đã lên tới 60 triệu bảng Anh…

1. Mười giờ sáng ngày 6/3/2025, hai đặc vụ người Anh gốc Afghanistan làm việc cho Cơ quan Tội phạm quốc gia Anh (NCA) bước vào một căn nhà là trụ sở của Công ty Digital Foods nằm trên phố Queens, London, chuyên mua bán phụ kiện điện thoại di động, đồ vệ sinh cá nhân và thức ăn vặt nhập khẩu từ Trung Đông. Trước đó, một trong hai đặc vụ đã điện thoại cho một kẻ tên là Sangari rồi tự giới thiệu mình là Fahim Adla, người Anh gốc Afghanistan, kỹ sư của Công ty đường sắt quốc gia Anh quốc. Trong cuộc nói chuyện, Fahim cho biết anh muốn giúp một thân nhân - là dân Afghanistan vượt biển đến Anh quốc.

5 trong số những kẻ cầm đầu các chi nhánh của Hawala ở nước Anh bị bắt.

5 trong số những kẻ cầm đầu các chi nhánh của Hawala ở nước Anh bị bắt.

Theo lời Gangari, số tiền phải trả cho việc này là 5.000 bảng Anh và tiền phải được chuyển vào một tài khoản ở Kabul, Afghanistan. Tuy nhiên, khi Fahim cho biết việc chuyển tiền từ Anh đến Afghanistan rất khó khăn vì anh sẽ phải giải trình với ngành thuế và cơ quan giám sát tiền tệ về lý do chuyển tiền bởi lẽ Afghanistan vẫn nằm trong danh sách trừng phạt tài chính, chưa kể Cảnh sát Anh (Scotland Yard) còn có thể gọi anh đến làm việc vì nước Anh vẫn liệt chế độ Taliban là nhà nước khủng bố.

Nghe xong, Gangari bảo Fahim tắt máy. Chừng 10 phút sau, hắn gọi lại, nói rằng anh có thể trả tiền tại Anh thông qua một nhân vật tên là Esmat, hiện đang là chủ công ty Digital Foods nằm trên phố Queens, London.

Theo tường thuật của Fahim, bước qua cánh cửa có tấm bảng hiệu Digital Foods với hai màu đen trắng là những quầy giao dịch được ngăn cách giữa các nhân viên và khách hàng bằng những tấm kính dày. Có ít nhất 8 camera an ninh được lắp đặt ở nhiều góc để không bỏ sót bất kỳ một diễn biến nào. Khi anh hỏi một nữ giao dịch viên, đề nghị gặp Esmat thì lập tức, giao dịch viên này hỏi ngược lai: “Ai giới thiệu cho ông gặp ngài Esmat?”.

Fahim đáp: “Gangari” - “Vâng, xin ông vui lòng đợi một chút…”, cô giao dịch viên trả lời rồi bấm phím trên chiếc điện thoại di động, nói nhỏ vài câu gì đó bằng tiếng Arab. Giây lát, cô đưa điện thoại cho Fahim qua cái ô cửa tò vò ở giữa tấm kính.

Fahim Adla cầm lên nghe. Đầu bên kia có tiếng người hỏi: “Anh là Fahim Adla?” - “Vâng” - “Anh cần gì ở tôi?” - “Tôi muốn đưa một người thân từ Afghanistan sang Anh” - “Ok! Giá của nó là 5.000 bảng Anh. Khi người thân của anh đến được nước Anh là chúng tôi xong nhiệm vụ. Nhưng sự cố xảy ra sau đó do anh chịu trách nhiệm và chúng tôi không hoàn trả lại tiền”.

Vẫn theo Fahim, khi anh hỏi về cách trả tiền thì Esmat cho biết anh có thể nộp ngay tại quần thu ngân của công ty, và anh sẽ được cấp một hóa đơn mua hàng, chứng nhận anh đã nộp đủ 5.000 bảng cùng một mật mã. Fahim nói: “Esmat bảo tôi cung cấp mật mã này cho người thân của tôi ở Afghanistan. Ngay sau khi nhận được mật mã, người ấy có thể đến bất kỳ chi nhánh nào của Hawala ở Kabul để rút tiền nộp cho đường dây đưa người vượt biển”.Tất cả những việc này đều được đặc vụ đi cùng với anh ghi lại qua một camera bé tí gắn trên gọng kính màu đen.

2. Theo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát quốc tế châu Âu (Europol). Kể từ năm 2015 đến nay, khi làn sóng di dân tự do bùng nổ thì cũng là lúc các mạng lưới buôn người chuyển sang một hình thức thanh toán mới, đó là nếu người vượt biển có thân nhân ở Anh, Pháp, Mỹ, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp… thì người thân của họ sẽ trả chi phí tại những chi nhánh của mạng lưới ở các quốc gia này, và một trong những mạng lưới hoạt đông mạnh nhất là Hawala (tiếng Arab nghĩa là “chuyển nhượng”).

Khi NCA và Scotland Yard ập vào, các Hawaladars vẫn đang đếm tiền.

Khi NCA và Scotland Yard ập vào, các Hawaladars vẫn đang đếm tiền.

Ra đời vào đầu thế kỷ 15, Hawala khi đó hoạt động chủ yếu trong cộng đồng Hồi giáo ở Trung Đông, Bắc Phi, làm nhiệm vụ thanh toán tiền mua bán hàng hóa giữa các thương nhân. Dần dà, nó phát triển thành mạng lưới chuyển ngân cho bất cứ ai có nhu cầu với chi phí rất thấp. Khi làn sóng di dân tự do bùng nổ, Hawala nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với hàng trăm chi nhánh ở các quốc gia thuộc khối EU dưới vỏ bọc là những công ty kinh doanh hợp pháp, và kẻ phụ trách chuyển ngân được dân trong nghề gọi là "Hawaladars - những người chuyển nhượng". Dịch vụ chuyển tiền của Hawala không hề được thể hiện trong hồ sơ sổ sách của các công ty bình phong nên các cơ quan chức năng không thể theo dõi sự dịch chuyển của dòng tiền.

Một quan chức của Europol cho biết chính những đặc điểm nêu trên đã khiến Hawala trở thành công cụ hấp dẫn cho những mục đích sử dụng đồng tiền bất hợp pháp bởi lẽ ngoài việc chuyển ngân cho di dân tự do, Hawala còn là chỗ rửa tiền an toàn cho các quan chức tham nhũng, những người giàu muốn trốn thuế, chưa kể tiền do những nhóm Hồi giáo cực đoan đóng góp còn được dùng để tài trợ cho các tổ chức khủng bố như al-Qaeda, IS, Hammas, Houthi…

Vẫn theo quan chức Europol nói trên, hoạt động buôn người di cư ở các quốc gia thuộc khối EU có giá trị lên tới 5,2 tỷ bảng Anh mỗi năm, trong đó riêng nước Anh là 2 tỉ bảng, hầu hết thông qua mạng lưới Hawala trong bối cảnh Afghanistan có số di dân đông nhất đến nước Anh bằng thuyền vượt eo biển Manche. Năm 2024, đã có 5.919 công dân Afghanistan vào nước Anh trót lọt còn 2 tháng đầu năm nay, con số này là 1.152 người.

Ông Milestone, Cơ quan Tội phạm quốc gia Anh (NCA) cho biết, không kể các nước thuộc khối EU, hiện mới chỉ có Ấn Độ và Pakistan, Mỹ, Anh, Pháp… cấm mọi hoạt động của Hawala trên lãnh thổ của họ còn ở Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Afghanistan, Iran, Venezula, Niger, Somali… vẫn được phép tồn tại. Ông Milestone nói: “NCA đã tiến hành rà soát hơn 40 công ty tại 15 thành phố trên khắp nước Anh, và đã phát hiện ra một số công ty này có dính líu đến Hawala”.

Somali ở châu Phi chẳng hạn, Hawala là hệ thống chuyển tiền phổ biến tại quốc gia này. Lợi dụng sự giải thể của các ngân hàng chính thức, Hawala nổi lên như một thực thể, chịu trách nhiệm thanh toán cho phần lớn các giao dịch tài chính - kể cả việc buôn người ở các nước như Kenya, Ethiopia, Djibouti, Eritrea, Nigeria, Mali và Sudan. Sau cuộc nổi loạn của người Tuareg ở Mali, các dịch vụ chuyển tiền chính thức của Mali hầu như bị đình trệ hoàn toàn nên những người muốn chuyển tiền cho thân nhân của họ quay sang hợp tác với Hawala. Chỉ một thời gian ngắn, các điểm giao dịch của Hawala đã xuất hiện công khai, ngay cả ở những vùng xa xôi hẻo lánh.

Tại EU, để qua mặt các cơ quan chức năng ở các quốc gia mà Hawala có công ty bình phong, họ tên người gửi, người nhận tiền đều được Hawaladars chuyển sang tiếng Arab và được mã hóa. Nó cũng không được lưu vào máy tính mà chỉ là những bản giấy viết tay, và được tiêu hủy ngay sau khi việc chuyển tiền hoàn tất. Ông Milestone nói: “Vì vậy chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc số tiền mà chúng tôi đã tịch thu sau đợt tổng truy quét”.

Bà Yvon Dandurand, nghiên cứu viên tại Trung tâm cải cách Luật Hình sự và Chính sách tư pháp Hình sự Quốc tế có trụ sở tại Canada cho biết: “Điều hấp dẫn nhất với những người chuyển tiền qua mạng lưới Hawala là họ lấy phí giao dịch rất thấp. Thí dụ như trường hợp của Fahim, chuyển cho người thân ở Afghanistan 5.000 bảng Anh nhưng phí giao dịch chỉ là 10 bảng thay vì 25 bảng như các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng Afghanistan đã có hơn 300 chi nhánh của Hawala đang hoat động”.

3. Ngày 3/5/2025, NCA và Scotland Yard đồng loạt tổ chức một đợt truy quét nhắm vào 27 công ty bình phong của Hawala ở 15 thành phố trên toàn Vương quốc Anh. Tại một công ty nằm trên phố Birmingham, Liverpool, họ đã thu được 1.413.000 bảng Anh giấu trong một nhà để xe của công ty này, bắt giữ kẻ cầm đầu chi nhánh. Tại Tây Yorshire, khi các đặc vụ NCA và Scotland Yard ập vào thì những Hawaladars vẫn đang ngồi… đếm tiền!

Khi được hỏi về nguồn gốc số tiền, kẻ cầm đầu chi nhánh nói rằng đấy là số tiền sẽ được dùng để thanh toán cho một đối tác ở Australia trong hợp đồng mua bán lông chuột túi (kangaroo) để làm áo khoác vì công ty này chuyên kinh doanh mặt hàng áo choàng lông thú. Kết quả xác minh cho thấy đối tác Australia mà kẻ cầm đầu chi nhánh Hawala ở Tây Yorshire khai ra đã ngưng hoạt động từ hơn 1 năm nay do lệnh cấm của Chính phủ Astralia về viêc nuôi nhốt và giết chuột túi để lấy lông.

Đồ họa cho thấy phương thức nhận và chuyển tiền của Hawala.

Đồ họa cho thấy phương thức nhận và chuyển tiền của Hawala.

Cũng trong chiến dịch truy quét ở Tây Yorshire, ngoài số tiền thu giữ, NCA còn lấy được một tờ giấy khổ A4, trong đó cả hai mặt giấy đều có những ký tự Arab khó hiểu. Với sự trợ giúp của các chuyên gia mật mã thuộc Cơ quan Tình báo đối ngoại Anh quốc và sự ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các chuyên gia khẳng định đây là bản danh sách ghi họ tên người gửi và người nhận tiền cùng mật mã xác minh. Ông Milestone nói: “Đến lúc ấy, chúng tôi mới biết chỉ 1 ngày trước khi cuộc đột kích diễn ra, chi nhánh Hawala ở Tây Yorshire đã nhận 37.200 bảng Anh của 18 khách hàng…”.

Vẫn theo ông Milestone, những kẻ cầm đầu các chi nhánh Hawala ở Anh sẽ phải đối mặt với mức án tối thiểu là 14 năm tù. Sau khi mãn án, họ sẽ bị trục xuất và bị cấm nhập cảnh nước Anh vĩnh viễn. Điều đặc biệt là trong số những kẻ bị bắt - hầu hết là Afghanistan thì còn có 1 người Iran là Asghar Gheshalghian, 48 tuổi, chủ một cửa hàng bán thảm trải sàn nhà ở Wood Green, phía bắc London. Cửa hàng này thực chất chỉ là tấm bình phong nhằm che giấu việc chuyển tiền cho những kẻ buôn người ở Iran, và Asghar Gheshalghian là “đại lý lớn nhất so với các đại lý của Hawala tại Anh”. Cùng bị bắt với Asghar Gheshalghian còn có Hewa Rahimpur, cũng là người Iran sống ở phía đông London, thông qua mạng lưới Hawala, hắn đã đưa trót lọt 10.000 di dân vào Anh. Cứ mỗi chuyến đưa người vượt biển, Hewa Rahimpur bỏ túi 260.000 bảng Anh.

Theo một quan chức NCA, vụ đột kích vào các chi nhánh của Hawala ở nước Anh là một đòn giáng mạnh vào tổ chức này. Ông nói: “Từ những chứng cứ thu thập được, chúng tôi chia sẻ cho các cơ quan chức năng thuộc các quốc gia trong khối EU, là những nơi đa số di dân tìm đến như Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp… Tuy nhiên, Hawala như con rắn Hydra 7 đầu, chặt đầu này nó sẽ mọc lên đầu khác, chưa kể những mạng lưới chuyển tiền bất hợp pháp còn nằm trong bóng tối như Worldremit, Azimo, Xoom, Wave… lợi dụng cơn địa chấn xảy ra với Hawala, sẽ sẵn sàng bành trướng nhằm chiếm lĩnh thị phần”.

Và như thế, cuộc chiến đấu chống lại dòng tiền bẩn sẽ vẫn còn tiếp diễn khi mà di dân tự do bất chấp mạng sống của mình để leo lên những chiếc thuyền mong manh vượt Đại Tây Dương…

Vũ Cao (Theo EU News)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/anh-bi-mat-mang-luoi-thanh-toan-tien-buon-nguoi-i768828/
Zalo