'Lang thang' làng cổ Đông Sơn...
Từng đã vài lần đến làng cổ Đông Sơn và lần này, tôi vẫn tiếp tục 'lang thang' với tâm thế hồi quang về sự kiện văn hóa Đông Sơn - văn hóa Trống đồng, đồ đồng Đông Sơn được phát lộ cách đây vừa tròn một thế kỷ.
1. Kể từ năm 1924, khi một người dân trong làng tình cờ phát hiện ra những hiện vật bằng đồng lúc đi đánh cá dọc sông Mã, trải qua bao nắng mưa, giông bão, giặc giã can qua, làng Đông Sơn ngày nay vẫn còn giữ được dáng nét căn cốt nhất của một ngôi làng cổ. Vẫn còn đó những giếng thơi, thân xếp đá ong, thành xây đá tảng, nước trong leo lẻo, con đường trục chính nền lát đá xanh, gạch vồ, chạy xuyên từ Đông sang Tây, qua bốn con ngõ vào các xóm: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng. Cổng vào các ngõ đó đều được xây cổ kính, rêu phong, hai bên có bờ tường xếp bằng đá dăm, không keo, không vữa kết dính mà bao đời nay vẫn cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa - tâm linh phong phú, độc đáo được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ như: chùa Phạm Thông, đền thờ Đức Thánh Cả Lê Uy, giếng Ngọc, núi Mã Yên...
Đứng ở sân đền thờ Đức Thánh Cả nhìn ra hồ bán nguyệt, khi những bông sen trái mùa vẫn còn bừng nở thắm tươi trong nắng ấm, gió mơn, tâm trí tôi dâng trào bao kỷ niệm, trong đó có lần được chứng kiến “tia chớp sáng tạo” độc đáo của nhạc sĩ An Thuyên tài hoa...
Khi bộ phim tài liệu về Hạc Thành - TP Thanh Hóa được thực hiện để chào mừng sự kiện 190 năm Hạc Thành - TP Thanh Hóa (1804 - 1994), các vị lãnh đạo thành phố, đặc biệt là nhà giáo, Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, Vũ Lê Thống lúc bấy giờ rất muốn trong phim có ca khúc và nhạc nền mang âm hưởng dân ca xứ Thanh. Ý tưởng đó được đoàn làm phim “bắt” ngay và mời nhạc sĩ An Thuyên thực hiện.
Không một lời hẹn trước, trong buổi “khai máy” ở đền thờ Đức Thánh Cả Lê Uy, nhạc sĩ An Thuyên đã tìm được cảm hứng sáng tác theo cách rất tình cờ, thú vị. Khi chúng tôi đi ra sân đền, đến chỗ cuối bức tường đá bao quanh một phần hồ bán nguyệt, hai chúng tôi đều sững nhìn, vì trong hồ có một cô gái tuổi chừng hai mươi cẩn thận cắt từng bông sen, đặt lên sàn thuyền. Lại thêm một bất ngờ nữa là có một chàng trai dáng phong trần, vai đeo ba lô, từ đường lớn rẽ vào đường ven hồ, cô gái liền cập thuyền vào, trao cho chàng trai một bó sen lớn và cả hai nhìn nhau đắm say... Nhạc sĩ An Thuyên bỗng ôm lấy vai tôi, thốt lên: “Đã tìm ra được nốt chính của giai điệu rồi”. Thế rồi, ông say sưa đưa tay đánh nhịp, miệng khe khẽ hát: “Lang thang đi tìm bến đậu/ Giờ hồn tôi neo lại đây/ Nặng tình quê ta sông Mã, Hàm Rồng...”.
Sau này, nhạc sĩ An Thuyên tiếp tục làm nhạc, viết ca khúc cho một số phim nữa nhưng ông vẫn luôn tự nhận, mấy câu hát mà ông may mắn “nhặt” được ở làng cổ Đông Sơn là ca từ hay nhất trong các phim ông tham gia viết nhạc.
2. Vì công việc, cũng là bởi cái ý thích, mong muốn được trải nghiệm cách thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của một ngôi làng niên đại ngàn năm tuổi trước những năng động, có mặt phải lẫn mặt trái, trong thời đại văn minh vật chất bùng nổ, tôi có nhiều lần trở lại Đông Sơn. Nhà văn, cựu chiến binh C4, Lê Xuân Giang kể: “Vào giữa trưa 30 tết năm 1967, máy bay Mỹ bỗng đến ném bom bi xuống các ngọn đồi ở khu vực Núi Rồng. Trong đó có loại bom bi nổ chậm. Suốt từ trưa đến tối, luôn có tiếng nổ bất chợt vọng lên. Bữa cơm tất niên đã được bộ phận nuôi quân và các mẹ, các chị làng Đông Sơn chuẩn bị khá tươm tất nhưng không thể đưa lên trận địa được. Chỉ huy C4 bỗng đưa ra một quyết định táo bạo, dùng xe xích kéo pháo “mở đường máu” để đưa “cỗ tết” từ bếp Giếng Ngọc lên cho bộ đội. Lái xe Nguyễn Văn Sài đã khéo léo lái xe xích vượt qua bãi bom bi nổ chậm, bà con trong làng cũng bám theo con đường xe xích vừa mở, mang các thứ quà tết lên trận địa. Cảm động nhất là mẹ Thi, nhà mới bị bom chưa lâu, nhưng tết, có bao nhiêu gạo nếp trong nhà đều đem gói bánh chưng tặng bộ đội...”. Tình cảm quân dân cá nước ấy không những góp phần làm nên chiến công oanh liệt của quân và dân Hàm Rồng, bắn rơi 117 máy bay Mỹ mà còn kết tụ được nhiều tổ ấm lứa đôi, gái là người làng Đông Sơn văn hiến, trai là chiến sĩ đến từ nhiều miền đất nước, chiến đấu kiên cường với tinh thần “thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục!”. Đến nay, các tổ ấm đó đã có đến thế hệ thứ tư ở làng cổ Đông Sơn.
Chúng tôi tiếp tục ghé thăm hang Mắt Rồng, ngắm nhìn những tạo tác tuyệt vời của tạo hóa, đọc thơ của Hoàng đế - thi sĩ Lê Thánh Tông: “Bồi hồi cảnh trí nước non tiên/ Lên đỉnh trông xa tỏ khắp miền”; thơ của đại thi hào Nguyễn Trãi: “Ngao nổi đội non, non có động/ Kình bơi lấp bể, bể thành ao”... rồi quay trở lại trung tâm làng cổ. Ông Nguyễn Văn Vệ, người làng Đông Sơn, cho biết: “Từ sau COVID-19, mỗi năm làng chúng tôi đón khoảng 50 ngàn đến 60 ngàn lượt du khách. Các địa chỉ thu hút du khách lớn nhất là: động Tiên Sơn, chùa Phạm Thông, đền thờ Đức Thánh Cả, vị trí khai quật di sản trống đồng, đồ đồng, hang Mắt Rồng và các ngôi nhà cổ... Dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng trong làng vẫn còn giữ được nguyên vẹn hơn chục ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm”.
Trải qua bao thăng trầm thời gian, biến thiên lịch sử, các thế hệ người dân làng Đông Sơn vừa tự hào, vừa gắng gỏi “mỗi người một tí” để giữ gìn cho được bản sắc của một ngôi làng mà tên gọi đã được dùng để định danh cho cả nền văn hóa - văn minh rực rỡ có niên đại từ 2.500 - 2.000 năm trước...
Khi trở lại đền thờ Đức Thánh Cả Lê Uy, ông Nguyễn Văn Vệ mời chúng tôi nhập vào một nhóm du khách quen, hướng tới động Tiên Sơn. Trên tầm cao nơi cửa động nhìn về hướng làng cổ thấy phấp phới lên một vùng đất tựa vào thế núi 99 ngọn của nguồn mạch sơn thanh thủy tú, Hàm Rồng - Sông Mã. Lòng say sưa, ngưỡng vọng siết bao trước trí lực phi phàm của các bậc tiền bối bản địa đã chọn đất Đông Sơn lập làng, để hàng ngàn năm trôi qua, làng vẫn cứ sáng ngời hồi quang. Nghĩ thế, tôi lại bỗng nhớ đến cố nhạc sĩ An Thuyên, với ca từ mà ông đã ngẫu hứng “bật ra” bên hồ sen phía trước ngôi đền thờ Đức Thánh Cả Lê Uy trong làng cổ Đông Sơn: “Lang thang đi tìm bến đậu/ Giờ hồn tôi neo lại đây...”.