Chuyện về đàn tế Nam Giao vương triều Hồ
Lịch sử đã khép lại sau bức màn thời gian nhưng những dấu tích vương triều Hồ vẫn bền bỉ sức sống, ghi tạc vào đời sống hôm nay và mai sau những hồi quang tỏa rạng, để lại những bài học quý giá về chính trị, tổ chức bộ máy Nhà nước, cải cách xã hội... Trong đó, đàn tế Nam Giao (thuộc Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ , Vĩnh Lộc) hiện diện với đất trời Tây Đô như điểm nhấn đắt giá, gợi lên bao suy tưởng...
Nằm cách Thành Nhà Hồ khoảng 2,5km về phía Đông Nam, cách TP Thanh Hóa khoảng 45km về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 45, đàn tế Nam Giao nằm ở xã Cao Mật xưa, nay thuộc thị trấn Vĩnh Lộc (Vĩnh Lộc). Lần theo sử cũ, năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi, lập ra triều đại nhà Hồ và lập kinh đô mới Tây Đô, còn gọi Tây Giai để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long, Hà Nội). Năm 1402, Hồ Hán Thương, con trai thứ của Hồ Quý Ly đã lệnh cho xây dựng đàn tế Nam Giao. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi chép: "Nhâm Ngọ 1402, tháng 8, Hán Thương sai đắp đàn Giao ở núi Đốn Sơn để làm lễ tế Giao. Đại xá”. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thời Nguyễn cũng có ghi chép về sự kiện này: “Đến nay Hán Thương mới đắp đàn Giao ở Đốn Sơn, chọn ngày lành, đi xe Vân Long ra cửa Nam thành, trăm quan và cung tần, mệnh phụ theo thứ tự đi sau”.
Đàn tế Nam Giao là nơi triều Nhà Hồ hằng năm tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ. Trong lịch sử, lễ tế đàn Nam Giao được coi là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ. PGS.TS Tống Trung Tín (Hội Khảo cổ học Việt Nam) kiến giải: “Nghi lễ của các vương triều phương Đông cổ xưa chủ yếu là để khẳng định tính chính đáng của một vương triều trị nước... Trong các nghi lễ nói trên, nghi lễ tế Nam Giao là quan trọng nhất vì đó là nghi lễ tế Trời, tế Thượng đế (thần chủ cao cấp nhất) theo quan niệm của Nho giáo phương Đông. Đó cũng là loại quốc lễ quan trọng nhất do Hoàng đế đích thân làm chủ tế”.
Đàn tế Nam Giao có diện tích khoảng hơn 2ha, lưng tựa Đốn sơn (núi Đún), tiền án là “cánh đồng Nam Giao”, giật 5 cấp nền tính từ chân Đốn sơn, thu hẹp từ thấp đến cao, được cấu trúc theo dạng hình chữ nhật, quay hướng Nam. Ở vị trí cao nhất, chính giữa đàn tế là khối đá xanh lớn hình tròn tạo thành viên đàn với đường kính 4.75m, bao quanh bằng những bức tường đá hình vuông theo quan niệm trời tròn, đất vuông. Bên cạnh đó còn phát hiện dấu tích kiến trúc của các cấp nền bao như: nền thượng, nền trung, nền hạ... Nền đàn được đầm nện bằng các loại đá dăm núi, móng tường đàn và tường đàn được xây dựng bằng các loại đá xanh và gạch ở hai bên, ở giữa nhồi đất. Tường đàn có mái lợp các loại ngói mũi sen, ngói mũi lá, ngói âm dương. Mặt nền đàn được lát bằng loại gạch vuông cỡ lớn. Các đường đi trong đàn được lát đá.
Ngoài kiến trúc của đàn trung tâm, những công trình kiến trúc phụ cùng các hiện vật còn lưu giữ được càng làm phong phú, tô đậm thêm nét tiêu biểu, độc đáo của đàn tế Nam Giao - 1 trong 3 đàn tế còn giữ được mặt bằng tương đối nguyên vẹn, cổ nhất trong lịch sử đàn tế Nam Giao của Việt Nam. Tiêu biểu như giếng nước lớn được tìm thấy ở góc Đông Nam khu di tích, cấu trúc gồm 2 phần: phần thành giếng được xây bằng các khối đá có mặt bằng hình vuông, phần lòng giếng hình tròn. Hiện vật được tìm thấy như là tượng đầu chim phượng, uyên ương, hệ thống lá đề, hệ thống gạch trang trí chạm rồng, hoa cúc... đã phần nào cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật Phật giáo trong trang trí đàn tế Nam Giao.
Đàn tế Nam Giao là công trình tôn giáo quan trọng bậc nhất của triều Hồ. Trong bài viết “Bàn về bảo tồn và phát huy giá trị di tích đàn Nam Giao trong Khu Di sản Thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa”, PGS.TS. Đặng Văn Bài và TS. Nguyễn Thị Thu Trang đã có những nhận định sâu sắc trong bài viết: “Giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể hàm chứa trong thiết chế tôn giáo đàn Nam Giao và nghi lễ tế đàn Nam Giao ở Thành Nhà Hồ là bằng chứng về khả năng thích ứng mềm dẻo và linh hoạt trong văn hóa Việt Nam... Đây còn là chứng cứ quan trọng về ý thức quốc gia độc lập của các triều đại phong kiến Việt Nam, nó có cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh và kỷ cương phép nước nghiêm minh. Trong chừng mực nào đó, đây cũng là thông điệp văn hóa, là sự khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia mà cha ông chúng ta muốn khẳng định với phương Bắc”.
Nhận thức sâu sắc giá trị, ý nghĩa của đàn tế Nam Giao, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Ông Trịnh Hữu Anh, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, cho biết: “Đàn tế Nam Giao là 1 trong 3 bộ phận hợp thành vùng lõi Di sản Thành Nhà Hồ. Vì thế, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, trung tâm đã xây dựng, triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di tích này”. Theo đó, đối với các nền móng kiến trúc đã được phát lộ, trung tâm tổ chức kiểm tra, rà soát hằng tháng nhằm ghi nhận tình hình, phát hiện những vấn đề phát sinh, kịp thời khắc phục, xử lý; công tác sưu tầm, bảo quản các hiện vật được bảo đảm. Để làm rõ hơn quy mô, kiến trúc của đàn tế, trung tâm tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý để tiến hành khai quật những vị trí còn lại của khu vực đàn tế với diện tích khoảng 10.000m2. Cùng với đó, trung tâm năng động, sáng tạo trong việc xây dựng, kết nối các tour, tuyến tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử - văn hóa - tâm linh thu hút đông đảo du khách đến với đàn tế...
Đặc biệt, trong năm 2023, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tổ chức 2 hội thảo khoa học: “Lễ tế Nam Giao trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam và lễ tế Nam Giao vương triều Hồ”; “Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ - giá trị lịch sử, văn hóa và cơ sở khôi phục”. Thành công của hội thảo cho thấy sự nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm của trung tâm trong việc khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa cha ông để lại, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của quần chúng Nhân dân và du khách khi đến tham quan di sản. Đây cũng là dịp để quảng bá các giá trị đặc sắc của đàn tế Nam Giao nói riêng, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ nói chung đến cộng đồng, du khách trong nước và quốc tế, góp phần đưa những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đến gần hơn với công chúng.
Trải qua biến thiên thời gian, thăng trầm lịch sử, cùng với việc vương triều Hồ kết thúc sứ mệnh trên vũ đài chính trị, đàn tế Nam Giao đã có lúc bị bỏ hoang, thậm chí trở thành phế tích. Sau nhiều đợt khai quật, thám sát, dấu tích kiến trúc đàn tế đã dần xuất lộ, mở ra những hiểu biết về công trình tôn giáo tiêu biểu nhất của vương triều Hồ. Để đến hôm nay, đàn tế Nam Giao vẫn hiện diện trong mạch đất Tây Đô.
Bài viết sử dụng tư liệu trong các cuốn sách: “Thành Nhà Hồ Thanh Hóa”, Tống Trung Tín (chủ biên), 2011, NXB Khoa học Xã hội; kỷ yếu Hội thảo khoa học “Lễ tế Nam Giao trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam và Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ”.