Đổi thay trên vùng quê An toàn khu Tập Ngãi
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) đã trở thành cái nôi cách mạng tiêu biểu của đồng bào Khmer Nam bộ. Phong trào cách mạng nơi đây đã lan tỏa rộng khắp cả vùng, đồng thời sinh ra nhiều người con ưu tú cho Đảng. Đây cũng là nơi đã cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc kháng chiến của Đảng bộ, quân và dân của tỉnh Trà Vinh.
Chúng tôi có dịp đến vùng đất giàu truyền thống cách mạng Tập Ngãi. Ấn tượng đầu tiên là mạng lưới giao thông liên thôn đều được bê tông, cứng hóa; phía sau hàng dừa, vườn rau xanh mướt là những ngôi nhà tường khang trang mọc lên.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà của người con trai vừa mới xây dựng hoàn thành, ông Trương Sia, cựu Bí thư Đảng ủy xã Tập Ngãi trước năm miền Nam hoàn toàn giải phóng cho biết, trong thời kỳ kháng chiến Giồng Tranh chính là cái nôi cách mạng tiêu biểu của đồng bào Khmer Nam bộ. Chỉ riêng ấp Giồng Tranh có tới 4 bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hơn 60 gia đình liệt sỹ cùng nhiều thương, bệnh binh là người dân tộc Khmer. Từ một địa phương giao thông cách trở, đặc biệt khó khăn trước đây, nay Giồng Tranh hoàn toàn thay da đổi thịt. Trong số 414 hộ của ấp hiện chỉ còn 1 hộ duy nhất thuộc diện hộ nghèo, vì không có khả năng lao động.
“Những năm sắp giải phóng người dân vùng này rất gian khổ, lính ngụy liên tục càng quét, nhà cửa thì bị chúng đốt, heo gà chúng cũng bắt, giết, nhưng bà con vẫn bám đất bám làng. Sau ngày giải phóng, đặc biệt những năm gần đây đời sống đã thay đổi vượt bậc. Ở đây ngày xưa qua lại với nhau chỉ men theo bờ ruộng thôi, nhưng nay là đường nhựa, bê tông sạch bong. Hiện nay có rất nhiều con em Giồng Tranh học cao, đỗ đạt, chấp hành tốt pháp luật”, ông Trương Sia chia sẻ.
Tập Ngãi là xã “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Toàn xã có 297 liệt sĩ, 61 Mẹ Việt Nam anh hùng, 144 thương binh (63 thương binh còn sống) và 371 gia đình có công với cách mạng và có đồng bào Khmer chiếm hơn 22,2% dân số. Trên địa bàn có Nhà bia ghi tên liệt sĩ, Đài tưởng niệm truyền thống cách mạng của đồng bào Khmer Nam bộ và 02 ngôi chùa Khmer. Trong những năm kháng chiến chùa Ô Chhuc là nơi nuôi chứa, bảo vệ nhiều thế hệ cán bộ, trí thức cách mạng hoạt động an toàn. Bên cạnh đó, nhà sư và phật tử nơi đây luôn một lòng theo Đảng, tích cực tham gia lực lượng kháng chiến giải phóng dân tộc.
Hòa thượng Thạch Út, là trụ trì đời thứ 19 của chùa Ô Chhuc cho biết: những năm trở lại đây, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể, số hộ nghèo đã giảm mạnh. Hiện nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn được bê tông hóa đến từng xóm; 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia… bà con chấp hành pháp luật rất tốt.
Hòa thượng Thạch Út phấn khởi chia sẻ thêm: “Xưa kia ngôi chùa thuộc vùng cách mạng và là nơi nghèo nhất của huyện này nhưng mà bà con cứ quyết tâm bám làng nuôi chứa cách mạng. Nay nhờ được Đảng, Nhà nước quan tâm đời sống đã cải thiện rất nhiều, nhà cửa cũng đã xây dựng cơ bản hết rồi. Năm 2018, chùa được chấp thuận cho xây lại chánh điện, vì quá xuống cấp và mới đây xã được công nhận xã an toàn khu. Phấn khởi lắm”.
Năm 2023, xã Tập Ngãi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để đạt được kết quả này, Tập Ngãi đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, với quyết tâm giảm nghèo nhanh và bền vững. Từ hướng phát triển này, đã giúp cuộc sống của người dân Tập Ngãi từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập.
Tính đến cuối năm 2024, toàn xã còn 15 hộ nghèo, chiếm 0,42% và 52 hộ cận nghèo chiếm 1,44%, số hộ này phần lớn là người ngoài tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động. Ông Trần Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tập Ngãi chia sẻ, xã luôn ưu tiên đầu tư về vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc. Đặc biệt, từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt của xã có nhiều chuyển biến tích cực, cuộc sống của người dân không ngừng nâng lên.
“Ở đây UBND xã, Thường vụ Đảng ủy xã cũng có chỉ đạo nhưng ấp có đông đồng bào dân tộc thì được ưu tiên thực hiện, đặc biệt cơ sở hạ tầng, để cho bà con điều kiện phát triển kinh tế. Ngoài ra xã sẽ tiếp tục theo sự chỉ đạo, thực hiện những gói chính sách của Ban Dân tộc Tung ương. Về kinh tế, đặc biệt là ấp Giồng tranh nơi có 99% là hộ dân tộc hiện kinh tế đứng nhất nhì xã. Đây là niềm vinh hạnh của Đảng bộ xã Tập Ngãi, ông Trần Văn Đức nhấn mạnh.
Sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của người dân địa phương, Tập Ngãi từ một xã vùng sâu đặc biệt khó khăn nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Hiện, Tập Ngãi đã hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và đang từng bước hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, vùng quê giàu truyền thống cách mạng Tập Ngãi dần trở thành miền quê đáng sống.