Làng Nủ - hoàn lưu bão Yagi và cuộc sống hồi sinh
Tại Nhà văn hóa thôn Làng Nủ (cũ), xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên - nơi từng có ngôi làng bình yên dưới chân núi Con Voi, chị Nguyễn Thị Kim xúc động thuyết minh cho du khách nghe câu chuyện về làng mình.
Chị nghẹn giọng khi giới thiệu một bức ảnh về ngôi nhà sàn đang trôi dạt giữa đống bùn, đất: “Đây là ngôi nhà của tôi - nơi chứa đựng những ký ức tôi sẽ không bao giờ quên. Nơi này trước khi giông bão tới, cả nhà tôi cùng chung sống hạnh phúc. Thiên tai ập đến khiến tôi mất 13 người thân. Tôi và con gái 3 tuổi may mắn được cứu sống, nhưng tôi bị thương nặng, một bên cánh tay không thể duỗi thẳng, sức khỏe giảm, mất khả năng lao động như trước”.
Bức ảnh chị Kim giới thiệu chỉ là một trong số hàng trăm bức ảnh thuộc các nội dung trưng bày tại Nhà văn hóa thôn Làng Nủ. Trong không gian nhà văn hóa, hàng trăm bức ảnh được trưng bày theo 7 nội dung chính gồm: Làng Nủ - vùng đất yên bình; Làng Nủ - bình minh định mệnh; Làng Nủ - khi cơn bão đi qua; công tác chỉ đạo phòng chống bão lũ; công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; Làng Nủ - sức mạnh Việt Nam và Làng Nủ - đứng dậy từ đau thương.
Ngay khi có chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo về việc lưu giữ, tái hiện những hiện vật từ ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đi qua, trong đó trọng tâm là Làng Nủ, Phúc Khánh, Bảo Yên, Bảo tàng tỉnh đã cử lực lượng có mặt tại hiện trường sưu tầm hiện vật, di vật của bà con đang trôi, chìm tại nơi xảy ra vụ việc.
Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Lào Cai phối hợp cùng các cơ quan chức năng huyện Bảo Yên đã hoàn thiện trưng bày chuyên đề “Làng Nủ - Hoàn lưu bão Yagi và cuộc sống hồi sinh” tại địa điểm Nhà văn hóa thôn Làng Nủ (cũ). Địa điểm trưng này là nơi tưởng niệm, tuyên truyền giáo dục về truyền thống và tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chung sức khắc phục hậu quả thiên tai do bão Yagi và cuộc sống hồi sinh sau bão. Bảo tàng tỉnh đã phối hợp, sưu tầm tư liệu và hiện vật, từ đó từng bước lên ý tưởng và xây dựng không gian trưng bày mang màu sắc trầm bổng, sâu lắng, kết nối những câu chuyện của quá khứ và hiện tại, hướng tới tương lai. Bằng phương pháp trưng bày hiện đại, thiết kế mỹ thuật độc đáo với nhiều điểm nhấn cảm xúc, nhà trưng bày giới thiệu tới công chúng trên 100 tài liệu, hiện vật.
Chị Nguyễn Thị Kim sau khi điều trị tại bệnh viện trở về đã được giới thiệu làm người thuyết minh tại điểm trưng bày. Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, chị có mặt tại Nhà văn hóa để thuyết minh, chia sẻ lại câu chuyện về chính mình và những mất mát mà quê hương mình đã trải qua. Khi du khách có mặt tại điểm trưng bày, chị Kim lần lượt giới thiệu từng nội dung theo tuần tự.
Làng Nủ - ngôi làng nhỏ, bình yên nằm dưới chân núi Con Voi, nơi dòng suối Nủ chảy qua, cùng những khu rừng bốn mùa xanh tốt. Nơi sinh sống đoàn kết, nghĩa tình cùng với những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của cộng đồng dân tộc trong thôn. Trước khi bão Yagi ập đến, người dân Làng Nủ sống ấm no, bình yên, hạnh phúc, hiền hòa, thân thiện với thiên nhiên... Mỗi sáng, khi con gà đầu bản vừa cất tiếng gọi ông mặt trời thức dậy, cũng là lúc lũ chim đua nhau tíu tít theo chân đám trẻ tới trường, người lớn mỗi người một việc, khẩn trương chuẩn bị cho ngày mới... Ký ức về Làng Nủ xưa thật đẹp và thanh bình!
Vậy nhưng tai họa ập đến vào sáng 10/9 đã khiến 35 hộ dân tộc Tày, Dao bị lũ quét, sạt lở đất, đá bị vùi lấp hoàn toàn, chỉ rất ít người sống sót. Làng Nủ chìm trong đau thương. Sau thiên tai là công tác khắc phục hậu quả được chỉ đạo quyết liệt; quân, dân đồng lòng vượt mọi khó khăn. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được huy động để tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; hàng trăm chuyến xe chở đồ cứu trợ từ mọi miền Tổ quốc tiến về Làng Nủ. Làng Nủ đứng dậy từ đau thương để tái thiết cuộc sống mới và cùng đúc rút ra được thông điệp trải nghiệm.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lào Cai cho biết: Khi tái hiện trận thiên tai bằng những bức ảnh, chúng tôi mong muốn người xem cảm nhận được sự phá hủy khủng khiếp của thiên tai, đồng thời khẳng định sức mạnh tập thể, sự đồng lòng của 2 tiếng "đồng bào" thiêng liêng. Thông qua trưng bày, người dân biết được nguy cơ, cảnh báo trước những dấu hiệu bất thường của thiên tai.
Ngoài các bức ảnh, ngay sân nhà văn hóa còn trưng bày hàng trăm hiện vật là những chứng tích sưu tầm từ trận thiên tai lịch sử. Các nhà nghiên cứu, sưu tầm đã mất nhiều ngày tìm kiếm và đưa về từ bùn đất, đó là chiếc xe số, nồi cơm, chiếc cặp sách nhỏ…
Trước khi sưu tầm, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Yên đã họp bàn, xin phép người dân và nhận được sự đồng tình của bà con. Một phần hiện vật sẽ đưa lên trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, phần còn lại để tại nhà văn hóa để tái hiện hiện thực. Trong thời gian hơn 2 tuần, 7 cán bộ của Bảo tàng tỉnh cùng với 10 người sưu tầm tại Bảo Yên và máy xúc đã làm việc liên tục để có thể đưa được hiện vật về trưng bày. Nhiều hiện vật rất khó tiếp cận, trực tiếp những người sưu tầm phải mất nhiều thời gian để đào, bới bằng tay dưới các lớp bùn, đất khi máy móc khó tiếp cận.
Ông Lý Tự Minh - người sưu tầm các hiện vật cho biết: Có những lúc tôi thấy rợn người khi sưu tầm hiện vật, nhiều đồ méo mó, mất hình dạng gợi lên trong đầu nhiều hình ảnh đau thương. Có những đồ vật chúng tôi lôi lên ở độ sâu nhiều mét dưới bùn đất. Hiện vẫn còn nhiều hiện vật đang bị chôn vùi dưới lớp đất, đá mà chưa thể sưu tầm được.
Có mặt tại điểm trưng bày, chị Phương Nga ở thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên chia sẻ: Tôi thực sự rất xúc động khi xem lại những bức ảnh và hiện vật sưu tầm tại nhà văn hóa. Là một trong số những người làm công tác thiện nguyện, có mặt tại Làng Nủ từ thời điểm đầu khi thiên tai ập đến, đến nay, tôi đã chứng kiến Làng Nủ đang dần hồi sinh. Những hình ảnh được lưu giữ một cách chỉn chu sẽ là câu chuyện để kể cho thế hệ sau, khi nhìn vào đó, chúng ta sẽ hiểu những gì đã trải qua.
Ngoài trưng bày tại Nhà văn hóa Làng Nủ (cũ), tại Bảo tàng tỉnh cũng thực hiện trưng bày nội dung tương tự trên diện tích 400 m2 với hơn 200 hiện vật, 200 bức ảnh về Làng Nủ. Nhà trưng bày mở cửa đón khách tham quan từ ngày 1/1/2025, thời gian đón khách từ 8h30 - 16h30 hằng ngày.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Bằng hình thức trực quan, thông qua hình ảnh và hiện vật, nhà trưng bày đi vào hoạt động sẽ là một địa chỉ đỏ để trực tiếp tuyên truyền, giáo dục về truyền thống tinh thần đoàn kết, "lá lành đùm lá rách" của dân tộc cho các thế hệ trẻ. Đồng thời qua đây tưởng nhớ các nạn nhân xấu số trong cơn bão Yagi lịch sử.