Cố đô Huế - Vùng đất của những di sản văn hóa vô giá

Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, ba tòa thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. (Nguồn: Vietnam+)

Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, ba tòa thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. (Nguồn: Vietnam+)

Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn.

Bởi vậy, nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc...

Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

Tiêu biểu nhất là Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được sánh ngang hàng với các kỳ quan hàng ngàn năm tuổi của nhân loại trong danh mục Di sản Văn hóa thế giới của UNESCO, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới ngày 11/12/1993.

Đó là Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, ba tòa thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây; được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ tú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phận của Kinh thành Huế - đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên.

Nằm giữa lòng Huế, bên bờ Bắc của con sông Hương chảy từ Tây sang Đông là hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền Nguyễn. Ba tòa thành – Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành - lồng vào nhau và được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc.

Các công trình này là kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên với núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh, trong một sự hòa hợp đến kỳ lạ.

 Cột cờ Kinh thành Huế là một di tích kiến trúc thời nhà Nguyễn, nằm chính giữa mặt nam của Kinh thành Huế. (Nguồn: Vietnam+)

Cột cờ Kinh thành Huế là một di tích kiến trúc thời nhà Nguyễn, nằm chính giữa mặt nam của Kinh thành Huế. (Nguồn: Vietnam+)

Xuyên suốt cả ba tòa thành là con đường Thần đạo, với những công trình kiến trúc quan yếu nhất của Kinh thành Huế gồm Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung. Hai bên Thần đạo này là hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối đều đặn, hòa lẫn với khung cảnh thiên nhiên.

Dọc hai bên bờ sông Hương là lăng tẩm của các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…mang đặc trưng kiến trúc Việt Nam. Mỗi lăng tẩm lại mang một phong cách khác nhau, tùy thuộc vào tính cách của từng vị vua, tạo nên một bức tranh phong phú và đa dạng.

Cố đô Huế cũng là xứ sở của những khu vườn ngự danh tiếng như Ngự Viên, Thư Quang, Thường Mậu, Trường Ninh, Thiệu Phương...Và kiến trúc những khu vườn cung đình cũng dần ảnh hưởng, lan tỏa sang những khu vườn trong dân gian, tạo nên một kiến trúc nhà vườn đặc thù của Cố đô.

 Những công trình kiến trúc ở Cố đô như hòa lẫn vào thiên nhiên, tạo nên những tiết tấu diệu kỳ. (Nguồn: Vietnam+)

Những công trình kiến trúc ở Cố đô như hòa lẫn vào thiên nhiên, tạo nên những tiết tấu diệu kỳ. (Nguồn: Vietnam+)

Được xây theo luật “dịch lý” và “phong thủy”, nhà vườn Huế là tập hợp của một hệ thống kiến trúc sắp xếp theo chiều Bắc-Nam. Tuy rộng hẹp khác nhau, nhưng nhà nào cũng có kiến trúc tổng thể giống nhau, bao gồm: cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà rường. Một số nhà vườn hiện nay còn nguyên vẹn, tiêu biểu như nhà vườn An Hiên, nhà vườn công chúa Ngọc Sơn, Lạc Tịnh, nhà vườn Ý Thảo.

Là kinh đô của triều địa phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, lễ hội và âm nhạc ở vùng kinh sư này cũng phát triển vô cùng phong phú và mang đậm phong cách dân tộc.

Triều đình có lễ Tế Giao, Tế Xã Tắc, lễ Nguyên Đán, lễ Đoan Dương, lễ Vạn Thọ, lễ Đại triều, lễ Thường triều, lễ Ban Sóc, lễ Truyền Lô, lễ Duyệt Binh. Dân gian cũng đa dạng các loại hình lễ hội: lễ hội điện Hòn Chén, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội vật Sình, lễ hội đua ghe, lễ hội tế đình, tế chùa, tế miếu... gắn kết với các loại hình lễ hội lại là những hình thức âm nhạc lễ nghi dân gian muôn màu muôn vẻ.

Về âm nhạc, Nhã nhạc Cung đình- loại hình âm nhạc tao nhã, thiêng liêng thường dùng để trình diễn trong các dịp đại lễ trang trọng của triều đình - đã được phát triển lên đến đỉnh cao tại Huế dưới thời nhà Nguyễn. Theo đánh giá của UNESCO, trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia.

 Tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn tại Ngọ Môn Huế. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn tại Ngọ Môn Huế. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Cùng tồn tại với dòng âm nhạc mang tính lễ nghi, loại hình âm nhạc mang tính giải trí tiêu khiển của xứ Huế cũng được thế giới biết đến như một điển hình mang đậm bản sắc riêng của một vùng văn hóa, mộc mạc thuần khiết, đặc thù không pha trộn. Đó là những điệu múa Huế, những vở tuồng Huế, những bài ca Huế mà ngày nay đã trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu trong một chuyến tham quan Cố đô của du khách mọi miền.

Tính đến thời điểm này, Cố đô Huế sở hữu tới 7 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới và di sản khu vực, trong đó có 5 di sản của riêng Huế gồm Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam-Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016); và 2 di sản chung với các địa phương khác: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017). Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 88 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa Huế đã nhận xét rằng, Huế là một bài thơ kiệt tác về kiến trúc đô thị, là một thành phố độc quyền giữ trong mình những kho tàng vô giá, một bảo tàng kỳ lạ, độc đáo của nền văn hóa vật chất và tinh thần của Việt Nam.

Những năm qua, thành phố Huế đã xây dựng nhiều chương trình hấp dẫn để khai thác hiệu quả di sản, tạo nhiều trải nghiệm mới cho ngành “công nghiệp không khói.”

Năm 2025, Huế dự kiến sẽ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao; huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; đồng thời quảng bá hình ảnh và khẳng định thương hiệu "Huế - Kinh đô xưa trải, nghiệm mới," "Huế - điểm đến của 8 di sản thế giới," "Huế - Kinh đô của lễ hội," "Huế - Kinh đô ẩm thực" và "Huế - Kinh đô áo dài." Thành phố cũng dự kiến mở rộng phát triển các loại hình du lịch di sản gắn với Quần thể di tích Cố đô Huế; đẩy mạnh xã hội hóa các sản phẩm, dịch vụ tại Đại Nội và các điểm di tích trên địa bàn./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/co-do-hue-vung-dat-cua-nhung-di-san-van-hoa-vo-gia-post1002805.vnp
Zalo