Nông dân trồng thanh trà trúng vụ tết
Thanh trà là trái cây đặc sản của các địa phương ven sông Hậu (thuộc tỉnh Vĩnh Long), nổi bật với màu sắc, mùi thơm và hương vị chua ngọt tạo nên nét độc đáo, đa dạng trong danh sách các loại trái cây đặc sản của tỉnh Vĩnh Long. Dù mỗi năm chỉ có một mùa nhưng trái thanh trà đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và khá lên, luôn được người tiêu dùng ưa chuộng.
>> Clip cây thanh trà vào vụ tết
Tại xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long có gần 30 ha đất trồng thanh trà, tập trung chủ yếu ở ấp Đông Hưng 1 và Đông Hưng 2. Thanh trà được trồng ở khu vực này phù hợp với thổ nhưỡng, trái có vị ngọt, ít chua và dậy mùi hương.
Cây thanh trà trồng chỉ sau khoảng 3 năm có thể thu hoạch quả, mỗi cây thanh trà 1 năm người dân có thể thu hoạch hơn 20 triệu đồng. Cây có tán rộng, ít rụng lá, vừa làm cây cảnh. Đặc biệt, loại cây thân gỗ này có tuổi thọ cao có thể kéo dài từ vài chục đến cả trăm năm và có giá trị kinh tế cao, vì vậy, người dân mua nhánh chiết về để nhân giống.
Ghi nhận dọc quốc lộ 54, quốc lộ 1 (khu vực cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ), thanh trà được kết thành chùm và treo bày bán vàng rực rất đẹp mắt. Người dân và du khách dễ dàng ghé mua về dùng hoặc chụp ảnh lưu niệm.
Theo UBND xã Đông Thành, năm nay, do ảnh hưởng thời tiết lạnh và mưa nên thanh trà mất mùa. Loại cây này không thể xử lý trái nghịch vụ như những loại trái cây khác. Bù lại giá bán thanh trà cao hơn mọi năm, có thời điểm lên đến 180.000/kg. Vào vụ tết này, giá thanh trà dao động từ 120.000 đến 200.000/kg (tùy loại).
Ông Trần Văn Chiến (ngụ xã Đông Thành, TX Bình Minh) cho biết, gia đình ông có 700 cây thanh trà gần 3 năm tuổi và hơn 30 cây thanh trà trên 10 năm tuổi. Thanh trà mỗi năm chỉ ra trái một mùa, mùa thu hoạch thanh trà thường là trước tết Nguyên đán và kéo dài đến cuối tháng Tư (âm lịch), trái chín đến đâu, bán hết đến đó. Trong vùng, nhiều gia đình khá lên nhờ trái thanh trà.
Ông Chiến chia sẻ, thu hoạch thanh trà khá cực công, tuy nhiên, trái sai đẹp, lại có giá trị kinh tế, và cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình, vì vậy mỗi vụ thu hoạch người dân dù vất vả nhưng bù lại trái này không bao giờ rớt giá nên ai nấy đều phấn khởi.
“Một công đất trồng thanh trà được ví bằng 10 công ruộng lúa, lại không tốn công chăm sóc, cây thanh trà không có sâu, chỉ cần tưới nước và bón ít phân là cây phát triển ổn định. Những ngày thu hoạch chính vụ, người dân không thể thu hoạch kịp, phải thuê thêm nhân công hái trái, có vụ thu hoạch thương lái đến tận vườn thu mua cũng phụ hái trái để kịp mang ra thị trường, nhất là vụ tết này”, ông Chiến nói.
Đặc sản thanh trà đã làm nên một nhịp sống rất rộn ràng ở làng quê ven sông Hậu (Vĩnh Long) dù chỉ một vụ/năm nhưng mùa vụ kéo dài, người dân rất mong đợi mùa thu hoạch loại trái cây đặc sản này.
Tại An Giang, Kiên Giang và các địa phương hạ nguồn sông Cửu Long, thanh trà được thuần dưỡng và nhân rộng trồng nhiều trên đất phù sa, người dân đang mong chờ mùa vụ thanh trà chín vàng rực.
Những năm gần đây, người dân tỉnh Vĩnh Long đã mở rộng diện tích trồng nhằm phát huy tiềm năng trái thanh trà của địa phương. Nhiều nhà vườn đã liên kết lập hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cây giống, quả thanh trà ngọt Đông Thành, tiến tới xây dựng quy trình canh tác an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng đã và đang hỗ trợ giống cho người dân thị xã Bình Minh để phát triển cây thanh trà. Sản phẩm thanh trà ngọt đã được chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Vĩnh Long