Làng lụa Vạn Phúc - Thành viên mạng lưới các TP Thủ công sáng tạo thế giới

Cùng với làng gốm Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc đã chính thức gia nhập mạng lưới các Thành phố Thủ công Sáng tạo thế giới. Đây là 2 làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được phê duyệt trở thành thành viên của mạng lưới này.

Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông là một trong những làng nghề dệt lụa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Đây là làng nghề dệt lụa truyền thống đã được công nhận kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng. Cùng với làng gốm Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu. Những cơ hội nào mở ra khi làng nghề dệt lụa Vạn Phúc trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố Thủ công Sáng tạo toàn cầu? Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc.

Ông Nguyễn Văn Khanh - PCT UBND phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Khanh - PCT UBND phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội

PV: Trước tiên xin chúc mừng làng lụa Vạn Phúc đã trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu. Xin ông chia sẻ đôi điều khi làng nghề nhận danh hiệu này?

Ông Nguyễn Văn Khanh: Vào ngày 23/10/2024, Hội đồng giám khảo quốc tế - Hội đồng thủ công thế giới đến thăm, làm việc tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Đoàn đã thăm các cơ sở sản xuất và trực tiếp xem các nghệ nhân của làng nghề thao tác một số công đoạn của quy trình sản xuất sản phẩm lụa theo phương pháp thủ công truyền thống và hiện đại. Đoàn đã đánh giá cao những kết quả đạt được của làng nghề và các nghệ nhân. Nhiều nghệ nhân và sản phẩm của làng nghề đã gây được ấn tượng mạnh đối với đoàn khảo sát của Hội đồng Thủ công Thế giới.

Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của Hội đồng Thủ công Thế giới dựa trên 4 trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Sau quá trình thẩm định và đánh giá, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã chính thức được công nhận là thành viên thứ 68 của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới. Khi nhận được danh hiệu này, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cùng với làng nghề gốm sứ Bát Tràng là hai làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được phê duyệt trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới.

Sản phẩm đặc trưng của làng nghề Vạn Phúc là những sản phẩm lụa tơ tằm như: lụa hoa, lụa trơn, lụa se, với nhiều hoa văn phong phú từ truyền thống đến hiện đại. Nhưng đặc biệt phải kể đến sản phẩm Lụa Vân - được ví như đặc sản của làng nghề dệt lụa. Lụa Vân nghĩa là mây trên lụa – nhìn lụa như thấy có mây.

Hiện nay, các nghệ nhân của làng nghề còn khôi phục được sản phẩm Gấm đã bị thất truyền - sản phẩn cùng với lụa Vân đã có mặt tại Đấu xảo Quốc tế Paris và đã được tặng danh hiệu "Sản phẩm đệ nhất vùng Đông Dương" .

PV: Để trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu, Bộ tiêu chí của Hội đồng Thủ công Thế giới không chỉ đòi hỏi sản phẩm mang giá trị thẩm mỹ và truyền thống mà còn nhấn mạnh tính sáng tạo, đổi mới và khả năng thích ứng với thị trường toàn cầu. Vậy chính quyền và người dân Vạn Phúc đã thực hiện những gì để đáp ứng được các tiêu chí này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khanh: Ngay khi nắm được chủ trương chỉ đạo của Thành phố Hà Nội và quận Hà Đông về việc Hội đồng giám khảo quốc tế - Hội đồng thủ công thế giới đến đánh giá để kết nạp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc vào mạng lưới thành viên của mình, lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Hội làng nghề cùng với các đơn vị liên quan nghiên cứu những quy định, đồng thời được sự chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng kinh tế quận thì chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện, hồ sơ phục vụ cuộc khảo sát.

Bộ tiêu chí này nhấn mạnh sự công nhận toàn cầu, đổi mới địa phương, cơ hội hợp tác và các yếu tố bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Điều đáng mừng là trên thực tế sản phẩm lụa truyền thống của làng nghề Vạn Phúc đã đáp ứng các tiêu chí về thẩm mỹ, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, làng nghề cũng đã và đang thể hiện khả năng kết nối và hợp tác quốc tế, sẵn sàng học hỏi từ bạn bè năm châu để từ đó làm giàu thêm vốn kiến thức và kỹ thuật của mình.

Bên cạnh đó, tại làng nghề hiện vẫn còn có nhiều nghệ nhân, thợ giỏi vẫn đang miệt mài gắn bó với nghề. Họ làm việc với lòng đam mê, sự nhiệt huyết và chính họ là những người truyền lửa nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác, không chỉ giữ gìn mà còn phát triển văn hóa truyền thống vào sản phẩm. Trong quá trình thẩm định tại làng nghề, đoàn Hội đồng giám khảo quốc tế - Hội đồng thủ công thế giới đã đánh giá cao về yếu tố cộng đồng, yếu tố sáng tạo và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề Vạn Phúc. Tiêu chí về khả năng kết nối và hợp tác quốc tế, sẵn sàng học hỏi từ bạn bè năm châu để từ đó làm giàu thêm vốn kiến thức và kỹ thuật là những điểm mạnh giúp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đáp ứng và vượt qua được những tiêu chí để gia nhập Mạng lưới các Thành phố Thủ công Sáng tạo toàn cầu.

PV: Các nghệ nhân với đôi bàn tay tài hoa đã tạo nên những sản phẩm thủ công tinh xảo, nhưng nếu không duy trì được nét độc đáo và sự khác biệt riêng của lụa Vạn Phúc thì sản phẩm của làng cũng sẽ giống như nhiều làng nghề dệt lụa khác. Vì thế, rất cần hướng đi riêng cho làng nghề. Ông có thể chia sẻ về cách Vạn Phúc đang làm để tạo sức hút riêng của làng lụa?

Ông Nguyễn Văn Khanh: Mỗi làng nghề đều có những nét riêng, độc đáo và với Lụa Vạn Phúc cũng vậy. Chính vì thế mà từ xưa, Lụa Vạn Phúc đã được đánh giá cao ở trong nước và quốc tế. Những nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã nắm giữ những bí quyết và trao truyền qua các thế hệ nhằm gìn giữ và phát triển nghệ thuật dệt lụa, với những tấm lụa không chỉ đẹp về màu sắc mà còn tinh xảo trong từng đường nét hoa văn, khác biệt với những sản phẩm của các làng nghề dệt lụa khác mà người tiêu dùng là những người hiểu rõ và trân trọng, yêu quý sản phẩm lụa Vạn Phúc.

Ngày nay, cùng với quá trình phát triển của đất nước, những người nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề đã biết sáng tạo và áp dụng những tiến bộ khóa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, những sản phẩm lụa được sản xuất theo công nghệ thủ công, bán thủ công của người làng nghề Vạn Phúc vẫn chiếm được sự tin yêu của khách hàng vì sản phẩm không chỉ có chất lượng tốt, tính thẩm mỹ cao mà còn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương đất nước. Chúng tôi cũng đã vận động các hội viên, hộ sản xuất của làng nghề đưa nội dung Lụa Hà Đông vào biên vải lụa để phân biệt với sản phẩm của các nơi khác; tổ chức các cuộc thi sáng tạo mẫu mã, hoa văn trên lụa nhằm làm phong phú thêm sản phẩm làng nghề.

Giấy chứng nhận làng nghề thủ công thế giới cho nghề dệt lụa Vạn Phúc

Giấy chứng nhận làng nghề thủ công thế giới cho nghề dệt lụa Vạn Phúc

PV: Việc làng nghề dệt lụa Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu sẽ mở ra cơ hội gì cho ngành thủ công địa phương cũng như quá trình bảo tồn phát triển và hội nhập sâu rộng với quốc tế, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khanh: Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc gia nhập mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu mang lại nhiều giá trị, lợi ích quan trọng. Đây chính là cơ hội để làng nghề quảng bá hình ảnh và sản phẩm ra thế giới, đồng thời là tiền đề để giao lưu, học hỏi, để tạo tác ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đương đại của thế giới nhưng vẫn giữ được hồn cốt và văn hóa bản địa.

Trở thành thành viên chính thức của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu cũng giúp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới, đồng thời là cơ hội để làng nghề nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo tồn giá trị truyền thống, mở rộng thị trường, đẩy mạnh giao lưu văn hóa quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch làng nghề theo định hướng của Thành phố và Quận. Đồng thời, để tạo ra sức hút riêng, những người nghệ nhân thợ giỏi của làng nghề cần tiếp tục đẩy mạnh sáng tạo trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống từ đó tạo ra những sản phẩm mang những giá trị riêng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và khách du lịch.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

- Hội đồng Thủ công Thế giới (WCC-International) là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế được thành lập từ năm 1964, với mục tiêu thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy và phát triển nghề thủ công toàn cầu và các nghề thủ công truyền thống.

- Sau 60 năm thành lập, Hội đồng Thủ công Thế giới đã công nhận được 68 làng nghề thủ công thế giới của 27 quốc gia trên thế giới trong đó 2 làng nghề gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc của Thành phố Hà Nội là làng nghề thứ 67 và 68 được công nhận và Việt Nam là quốc gia thứ 28 có làng nghề được công nhận là làng nghề thủ công thế giới.

- Hội đồng Thủ công Thế giới hoạt động theo tôn chỉ trao quyền cho các nghệ nhân, tôn vinh sự đa dạng văn hóa, góp phần phát triển bền vững và bảo tồn các nghề thủ công đang suy yếu thông qua nỗ lực hợp tác với các nghệ nhân và các bên liên quan trên toàn thế giới.

Thanh Huyền/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/lang-lua-van-phuc-thanh-vien-mang-luoi-cac-tp-thu-cong-sang-tao-the-gioi-post1154719.vov
Zalo