Làng biển vào Xuân
Mùa Xuân đến, vạn vật đất trời như được khoác lên mình tấm áo mới. Sau những ngày nghỉ tết Nguyên Đán Ất Tỵ, người dân cũng quay trở lại với nhịp sống thường nhật với tâm trạng hào hứng, phấn khởi, đợi mong. Với ngư dân làng biển Quỳnh Lưu, đón Xuân mới với sôi nổi các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng và nhiều kỳ vọng về chuyến biển đầu năm 'thuận buồm xuôi gió'.
Văn hóa tín ngưỡng của ngư dân biển Quỳnh
Về các làng biển xứ Nghệ nói chung, Quỳnh Lưu nói riêng vào dịp đầu Xuân năm mới, ai cũng có thể dễ dàng cảm nhận được nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây.
Đời người ngư phủ ướp mặn sóng gió trùng khơi, đánh cược cuộc đời mình với lòng biển mênh mông, nên họ đặc biệt coi trọng tâm linh, tín ngưỡng.
![Di tích Đền Chính – Ngôi đền linh thiêng tọa lạc ngay giữa trung tâm xã Tiến Thủy (cũ, huyện Quỳnh Lưu) vẫn luôn hiện hữu, là biểu tượng cho nét đẹp tín ngưỡng, tâm linh ngư dân làng biển.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_236_51410317/10cb910ea940401e1951.jpg)
Di tích Đền Chính – Ngôi đền linh thiêng tọa lạc ngay giữa trung tâm xã Tiến Thủy (cũ, huyện Quỳnh Lưu) vẫn luôn hiện hữu, là biểu tượng cho nét đẹp tín ngưỡng, tâm linh ngư dân làng biển.
Vì lẽ đó, ở các làng biển, dường như không có nơi nào thiếu vắng bóng dáng của các đền, chùa, miếu, phủ... đại diện cho căn cốt, cội nguồn văn hóa tâm linh, tín ngưỡng bản địa.
Điều đó lý giải vì sao, trải qua bao thăng trầm của thời gian, biến động lịch sử, di tích Đền Chính – Ngôi đền linh thiêng tọa lạc ngay giữa trung tâm xã Tiến Thủy (cũ) vẫn luôn hiện hữu, là biểu tượng cho nét đẹp tín ngưỡng, tâm linh ngư dân làng biển.
Đền Chính là nơi tôn thờ: Tứ vị Thánh nương là một trong những vị thần được cư dân vùng ven biển ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng lập nhiều đền thờ phụng. Riêng trên đất Nghệ An, hiện đã thống kê được trên 30 ngôi đền thờ Tứ vị Thánh nương, một trong số đó có Đền Chính (xã Tiến Thủy).
![Ngư dân tích cực chuẩn bị ngư lưới cụ, đá lạnh cho chuyến biển đầu năm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_236_51410317/8b7708b230fcd9a280ed.jpg)
Ngư dân tích cực chuẩn bị ngư lưới cụ, đá lạnh cho chuyến biển đầu năm.
Cùng với vị thần được thờ trên, đền Chính còn phối thờ các vị phúc thần, thành hoàng làng đã có công bảo quốc, hộ dân, giúp làng trong cuộc sống như: Mỹ Quận công Trương Đắc Phủ, Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn…
Các vị thần được thờ tự trong tại di tích đều có sự liên hệ, gắn bó mật thiết với nghề biển. Vì vậy, vào các ngày rằm, mùng 1, những khi lễ, Tết, Xuân về, đông đảo cháu con làng biển lại tìm đến đền Chính để thắp nén nhang thơm, thành kính dâng lễ nhằm cầu mong sức khỏe, bình an, nguồn “lộc biển” dồi dào sau mỗi chuyến ra khơi, vào lộng. Hẳn rằng, đó không chỉ là mong cầu của cá nhân mỗi con người mà là của cả một cộng đồng ngư nghiệp.
Nhiều nghi lễ quan trọng, có liên quan đến tín ngưỡng, văn hóa làng biển đều được tổ chức tại di tích này trong niềm hân hoan, háo hức đón chờ của đông đảo người dân trong vùng và du khách thập phương, đặc biệt là lễ hội Cầu Ngư được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 13 – 15 tháng Giêng Âm lịch...
Cũng như Đền Thượng, từ lâu, đền Thơi đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng đặc trưng của người dân vùng biển xã Văn Hải (xã Sơn Hải và xã Quỳnh Thọ cũ), huyện Quỳnh Lưu.
![Vào các ngày rằm, mùng 1, những khi lễ người dân làng biển lại đến đền Chính thắp nén nhang thơm cầu mong sức khỏe, bình an và đánh bắt nhiều tôm cá sau mỗi chuyến ra khơi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_236_51410317/bb933c560418ed46b409.jpg)
Vào các ngày rằm, mùng 1, những khi lễ người dân làng biển lại đến đền Chính thắp nén nhang thơm cầu mong sức khỏe, bình an và đánh bắt nhiều tôm cá sau mỗi chuyến ra khơi.
Đền cũng được xây dựng từ thời nhà Trần để thờ Tứ vị Thánh nương và các vị thần biển, cửa sông đã phù hộ, độ trì giúp triều đại nhà Trần vượt biển bình an, đánh thắng giặc Chiêm Thành và luôn phù hộ cho ngư dân làm ăn thịnh vượng, đánh bắt được nhiều tôm cá.
Đền Thơi nằm ngay cửa Lạch Thơi thuộc xã Sơn Hải (cũ) được xây dựng từ thế kỷ XIV, là một trong những ngôi đền cổ có kiến trúc tinh xảo và mang đạm nét văn hóa làng biển. Do nằm ở vị trí đắc địa nên từ đền Thơi người ta có thể quan sát tất cả tàu thuyền qua lại.
Đền thơi cũng là nơi hội tụ, tổ chức các lễ hội truyền thống hàng năm, trong đó nổi bật nhất là lễ hội rước kiệu đua thuyền và lễ cầu ngư.
Ngoài ra vào các ngày Rằm và mồng một hàng tháng, trước mỗi chuyến biển, các chủ tàu và ngư dân thường vào đền để thắp hương, cầu mong mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, ra khơi vững tay chèo, đánh bắt thắng lợi.
Kỳ vọng chuyến biển đầu năm mới
Với ý niệm “một năm khởi đầu từ mùa Xuân”, “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”, các yếu tố tâm linh, tín ngưỡng càng trở nên đặc biệt quan trọng trong chuyến đi biển đầu năm. Do đó, nhiều nghi lễ độc đáo, đặc trưng của cư dân làng biển sẽ được thực hiện theo phong tục, tập quán từ ngàn đời xưa truyền lại.
Ví như tục cúng mở cửa biển của ngư dân các làng biển Quỳnh trước chuyến biển đầu tiên dịp đầu Xuân năm mới. Không có quy mô long trọng với sự tham gia của cả cộng đồng làng, xã như lễ cầu ngư hay các nghi lễ khác ở đây, tục cúng mở cửa biển diễn ra một cách gọn, nhẹ và mang tính cá nhân nhiều hơn. Tuy nhiên, tục cúng mở cửa biển vẫn có ý nghĩa rất riêng, được lưu giữ và truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác.
![Lễ hội đua thuyền đầu năm mới của ngư dân.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_236_51410317/61a1f864c02a2974703b.jpg)
Lễ hội đua thuyền đầu năm mới của ngư dân.
Ông Nguyễn Ngọc Hiển, ở thôn Phong Thái, xã Phú Nghĩa (xã Tiến Thủy cũ) người có hơn 35 năm gắn bó với biển chia sẻ: Ngay từ trước Tết, các chủ tàu, thuyền đã lo đi xem ngày, giờ tốt, hợp mệnh để chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm.
Ở đây, chủ thuyền đặc biệt coi trọng, kỹ lưỡng trong việc đó. Thậm chí, họ còn xem cả tuổi, mệnh của “bạn thuyền” để đảm bảo đem lại nhiều điều may mắn, thuận lợi, tránh những điều đen đủi, bất trắc xảy ra.
Theo đó, tục cúng mở cửa biển không quy định ngày, giờ cụ thể mà phụ thuộc vào sự sắp xếp của từng chủ tàu, thuyền sao cho phù hợp, “đẹp” cho mình nhất. Địa điểm diễn ra tục cúng mở cửa biển cũng rất linh động.
Vào những ngày sóng yên biển lặng, chủ thuyền có thể đưa thuyền ra biển và thực hiện nghi lễ ngay trên biển. Những khi biển động, sóng gào hay thời tiết diễn biến thất thường thì thực hiện nghi lễ ngay tại bến.
Về phần lễ cúng, tuy không quá cầu kỳ nhưng cũng không được phép qua loa, hời hợt. Bằng tất cả tấm lòng thành, ý niệm tốt đẹp, chủ thuyền sửa soạn mâm lễ cúng có vàng, hương, muối, gạo, hoa quả...
Việc cúng lễ sẽ do người chủ thuyền trực tiếp làm hoặc thuê thầy cúng. Tuy có sự khác nhau về thời gian, cách thức tổ chức nhưng có lẽ, tâm niệm lớn nhất của đời ngư phủ ở bất kỳ đâu cũng nhất mực như thế: Cầu mong cho tàu, thuyền ra khơi, vào lộng “luôn được thuận buồm xuôi gió, gặp dữ hóa lành, bội thu “lộc biển”.
![Về các làng biển xứ Nghệ vào dịp đầu Xuân năm mới, ai cũng có thể dễ dàng cảm nhận được nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_236_51410317/84681fad27e3cebd97f2.jpg)
Về các làng biển xứ Nghệ vào dịp đầu Xuân năm mới, ai cũng có thể dễ dàng cảm nhận được nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây.
Những ngày đầu Xuân ẤT Tỵ, nườm nượp tàu thuyền tại khắp các xã vùng biển như Văn Hải (xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ cũ), Thuận Long (xã Quỳnh Long và Quỳnh Thuận cũ), Phú Nghĩa (xã Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy cũ), An Hòa… đang tất bật chuẩn bị ngư cụ và các vật dụng cần thiết, làm lễ mở cửa biển, “cúng thuyền”, “cúng bến”, đồng loạt vươn khơi, bắt đầu chuyến biển đầu năm từ các ngày mùng 4 – 6 tết. Số tàu thuyền còn nằm lại bến, qua rằm tháng Giêng cũng sẽ bắt đầu chuyến biển đầu tiên trong năm mới với nhiều kỳ vọng mới.
Quanh năm lênh đênh sóng nước, có lẽ, với người ngư dân, chỉ khi tết đến, xuân về mới có “cái cớ” tự thưởng cho bản thân khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hiếm hoi bên gia đình, người thân, bạn bè.
Để rồi sau đó, những đoàn thuyền lại hăm hở rẽ sóng ra khơi, mang theo khát vọng xuân phơi phới về cuộc sống ấm no, hạnh phúc và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.