Giữ gìn, phát triển thể thao truyền thống qua các lễ hội
Trong dịp đầu năm mới, các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống lại được tổ chức rộng rãi tại khắp các địa phương. Hoạt động này thể hiện tinh thần thượng võ, thúc đẩy phong trào rèn luyện sức khỏe để xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
Sôi nổi các hoạt động văn hóa, thể thao
Việt Nam là quốc gia có nhiều lễ hội truyền thống, được diễn ra quanh năm, trong đó tập trung phần lớn vào thời điểm đầu năm mới Âm lịch. Theo thống kê, hiện cả nước có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng... Ngoài ra còn khoảng gần 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào.
Hà Nội được xem là nơi có nhiều lễ hội nhất so với các địa phương khác. Thủ đô có đến hơn 1.600 lễ hội, thường diễn ra vào mùa Xuân, thời điểm bắt đầu một năm mới với nhiều hy vọng và mong ước về may mắn, thịnh vượng. Cùng với nghi lễ trang trọng, các lễ hội còn mang đến những hoạt động vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật và trò chơi dân gian, thu hút đông đảo người tham gia.
Đơn cử, tại Lễ hội truyền thống Cổ Loa diễn ra trong 2 ngày mùng 5 và 6 tháng Giêng, các trò chơi dân gian truyền thống như bắn nỏ Loa thành, giải vật truyền thống, giải bóng chuyền truyền thống, cờ người… được tổ chức mang đến không khí vui tươi, sôi nổi đầu năm mới.
Trong đó, Giải bóng chuyền nam tranh cúp Loa Thành là một trong những hoạt động thể thao đặc sắc thu hút đông đảo Nhân dân tham gia cổ vũ. Tham dự giải có 8 đội với gần 100 vận động viên đến từ 8 xã trên địa bàn huyện. Đội giành giải Nhất được nhận số tiền thưởng lên đến 100 triệu đồng.
Còn tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) Xuân Ất Tỵ 2025 diễn ra từ ngày 3 - 7/2 (từ ngày mùng 4 - 10 tháng Giêng), các giải thi đấu vật dân tộc, cờ tướng, bóng chuyền hơi, kéo co, nhảy dân vũ thể thao… cũng thu hút đông đảo vận động viên tham gia tranh tài.
Không chỉ có vật, kéo co, cờ người… các môn thể thao như bắn nỏ, đẩy gậy hay ném còn cũng rất được yêu thích ngày Tết. Đặc biệt ở các địa phương của người dân tộc như Mường, Dao, Thái… sinh sống, những trò chơi này không chỉ góp phần nâng cao mang tính cộng đồng mà còn là biểu tượng cho văn hóa, sinh hoạt mang bản sắc dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, tại Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm 2025 được tổ chức vào ngày 11/2 (tức ngày 14 tháng Giêng), phần hội sẽ có các hoạt động văn hóa văn nghệ, tổ chức thi đấu bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy… "Các hoạt động này được tổ chức hàng năm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đối với người dân địa phương" - ông Nguyễn Đức Anh chia sẻ.
Cổ vũ tinh thần rèn luyện thể dục thể thao
Việc tổ chức thi đấu các môn thể thao trong lễ hội đầu năm mang lại món ăn tinh thần cho người dân tại nhiều địa phương mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Nhìn chung, các môn thể thao phổ biến gắn liền trong các lễ hội đều bắt nguồn từ đời sống, với lịch sử phát triển và cả những triết lý dân gian của các dân tộc.
Các môn thể thao này có đặc điểm chung là không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, dễ tập, dễ chơi, không nặng về ganh đua, tranh giành quyết liệt mà mang ý nghĩa giải trí, tăng cường tinh thần đoàn kết nhiều hơn.
Trong nhiều năm qua, công tác thể dục thể thao nói chung và phong trào thể dục thể thao trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Hà Nội luôn được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp.
Các địa phương, đơn vị đặc thù có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống phần nào đã gắn việc giữ gìn, phát triển các môn thể thao truyền thống gắn với phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đồng thời khuyến khích lồng ghép các nội dung thi đấu thể dục thể thao vào các dịp lễ, Tết, hội thao, Hội khỏe Phù Đổng... để vừa giúp Nhân dân rèn luyện sức khỏe, vừa tạo điều kiện gắn kết cộng đồng.
Không chỉ vậy, việc tổ chức các môn thi đấu các môn quen thuộc như: vật, bóng chuyền, đua thuyền… trong các dịp lễ hội đầu năm mới còn là cơ sở để phát hiện, tuyển chọn nhiều vận động viên nòng cốt tham gia thi đấu các môn thể dục thể thao ở cấp TP, khu vực và toàn quốc.
Nói về giải bơi chải truyền thống được tổ chức hàng năm, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: “Bơi chải thuyền rồng là môn thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam. Giải đấu sẽ góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh của con người, du lịch của Hà Nội”.
Tuy nhiên, hiện nay việc giữ gìn, phát triển các môn thể thao truyền thống hiện chưa đồng đều, mới chú trọng tới các môn bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co... còn nhiều trò chơi dân gian như tung còn, đánh đu, đi cà kheo... chưa được tổ chức thường xuyên.
Điều này đòi hỏi các địa phương tiếp tục khai thác, bảo tồn và phát triển các loại hình thể dục thể thao, trò chơi dân gian gắn với lễ hội truyền thống. Qua đó góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển phong trào thể dục thể thao ở từng cơ sở cũng như hoàn thiện các chỉ tiêu Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.