Lan tỏa yêu thương cùng 'Trái tim người lính'
Từ những ký ức thấm đẫm máu lửa chiến tranh, 'Trái tim Người lính Việt Nam' ra đời, nâng niu từng kỷ vật, từng câu chuyện người lính, như một nhịp cầu thiêng liêng gắn kết quá khứ với hiện tại.
Ngày 30/4 không chỉ ghi dấu một chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mà còn là dịp để mỗi người con đất Việt lắng lại trong lòng sự tri ân sâu sắc đối với những người lính đã dâng hiến tuổi trẻ, máu xương cho lý tưởng độc lập, tự do.
Nhịp cầu nối những trái tim
Khi tiếng súng chiến tranh đã lùi xa, những người lính năm xưa trở về đời thường mang theo trong mình những ký ức về một thời máu lửa, gói ghém trong những lá thư, những trang nhật ký và những kỷ vật thấm đẫm dấu ấn lịch sử. Nhưng cùng với thời gian, thế hệ cựu chiến binh ngày càng thưa vắng. Nếu không kịp lắng nghe, không kịp sưu tầm, gìn giữ, những ký ức thiêng liêng ấy sẽ dần rơi vào quên lãng, để lại khoảng trống không gì bù đắp được trong lịch sử và tâm hồn dân tộc.
Xuất phát từ nỗi trăn trở ấy, tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam” đã ra đời – như một nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những trái tim từng thấm đẫm khói lửa chiến tranh và những trái tim hôm nay khao khát thấu hiểu, tri ân. Với tôn chỉ “Kết nối – Chia sẻ – Tri ân – Tôn vinh”, tổ chức đã trở thành mái nhà chung của những người lính, những người yêu mến và trân trọng giá trị của lịch sử, của ký ức thiêng liêng.

Đại tá, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, người sáng lập Trái tim người lính chụp cùng các sinh viên Báo chí tại thư phòng của Tổ chức
Ngay từ những ngày đầu thành lập, “Trái tim Người lính Việt Nam” đã chủ động mở rộng mạng lưới hoạt động ra khắp cả nước, xây dựng các câu lạc bộ như: “Trái tim Người lính Thủ đô”, “Trái tim Người lính miền Tây”, “Trái tim Người lính miền Trung – Tây Nguyên”, “Trái tim Người lính Vị Xuyên – Hà Giang”… Mỗi câu lạc bộ không chỉ là điểm hẹn để các cựu chiến binh gặp gỡ, sẻ chia, mà còn là không gian lưu giữ kỷ vật, câu chuyện, ký ức về những năm tháng chiến đấu hào hùng. Những chiếc ba lô sờn vai, những trang thư ố vàng, những tấm ảnh đã bạc màu – tất cả trở thành những chứng nhân thầm lặng của lịch sử, mang trong mình hơi thở của một thời đại đã qua.

Những kỷ vật đã được Tổ chức Trái tim người lính sưu tầm
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Không chỉ dừng lại ở việc tri ân thế hệ cha anh, tổ chức còn chú trọng đến việc truyền lửa cho thế hệ trẻ. Qua những dự án đầy ý nghĩa như phục dựng di ảnh liệt sĩ, trao trả kỷ vật chiến tranh cho thân nhân liệt sĩ, cùng với việc xuất bản các tủ sách quý như “Mãi mãi tuổi 20”, “Trái tim Người lính”, “Đặng Thùy Trâm”, tổ chức đã góp phần gieo mầm yêu nước, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc trong trái tim các bạn trẻ. Để rồi từ những trang nhật ký, từ những lá thư gửi vội trong chiến hào, thế hệ hôm nay hiểu rằng hòa bình mà họ đang tận hưởng được đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả những giấc mơ dang dở của hàng triệu người đi trước.

Một buổi lễ trao tặng Tủ sách Đặng Thùy Trâm tại Mê Linh, Hà Nội
Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng – người sáng lập tổ chức – tâm sự: “Chúng tôi mong muốn những câu chuyện người lính không chỉ dừng lại trong hoài niệm, mà còn sống động trong trái tim mỗi người Việt, nhất là thế hệ trẻ. Vì nếu các bạn trẻ không biết, không hiểu, thì những hy sinh ấy sẽ bị lãng quên, và quá khứ sẽ mất đi ý nghĩa.”

Chân dung Đại tá, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, người sáng lập Tổ chức Trái tim người lính
Mỗi dịp 30/4 đi qua – khi cả dân tộc lắng mình tưởng nhớ quá khứ và tri ân những người đã góp phần làm nên bản anh hùng ca thống nhất – tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam” lại càng khẳng định rõ vai trò của mình như một nhịp cầu nối giữa ký ức chiến tranh và đời sống hôm nay.

Phục dựng di ảnh liệt sĩ, một trong những hoạt động ý nghĩa của Tổ chức Trái tim người lính
Lịch sử không chỉ là những trang sách hay bảo tàng khô cứng, mà là những câu chuyện sống động, những kỷ vật thiêng liêng đã đi qua bao biến cố. Và trách nhiệm của chúng ta – thế hệ hiện tại – là tiếp tục gìn giữ và truyền lại những giá trị ấy cho các thế hệ mai sau, như một phần không thể thiếu trong linh hồn của dân tộc.
Mời quý độc giả đón xem video phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống phỏng vấn Đại tá, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng về lý do thành lập Tổ chức Trái tim người lính Việt Nam.