Lan tỏa văn hóa dân tộc qua những làn điệu truyền thống

Công chúng tại TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là giới trẻ, đã và đang có nhiều cơ hội trải nghiệm không gian văn hóa các dân tộc thông qua một loạt các hoạt động như: Triển lãm đa giác quan Chàm Then Chạm Tính để tìm hiểu hát Then - Di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO công nhận, hay chương trình 'Nhạc cụ dân tộc và nghệ thuật hát bội', do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố tổ chức, với sự tham gia của Nhà hát Nghệ thuật hát bội và Trường Đại học FPT.

Mạch nguồn “Chàm Then Chạm Tính”

Được gặp mặt và trò chuyện với những nghệ nhân thuộc Câu lạc bộ ca múa dân gian Tây Bắc thuộc Hội Di sản văn hóa TP Hồ Chí Minh tại triển lãm đa giác quan Chàm Then Chạm Tính, chúng tôi mới thấy tình yêu với từng câu hát then, điệu đàn Tính dường như đã thấm đẫm, ăn sâu vào tâm hồn của mỗi thành viên Câu lạc bộ.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Liên, năm nay đã hơn 80 tuổi, vốn được học đàn organ từ nhỏ, từng là giáo viên của trường Suối Nhạc phân hiệu Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) nhưng “tiếng đàn Then nhẹ nhàng, gần gũi như tính cách người Tày mộc mạc giản dị” đã cuốn hút và làm say mê bà, để rồi bà quyết định theo đuổi và gắn bó với Câu lạc bộ gần 20 năm nay.

Câu lạc bộ Ca múa dân gian Tây Bắc, thuộc Hội Di sản văn hóa TP Hồ Chí Minh biểu diễn ở triển lãm đa giác quan “Chàm Then Chạm Tính”.

Câu lạc bộ Ca múa dân gian Tây Bắc, thuộc Hội Di sản văn hóa TP Hồ Chí Minh biểu diễn ở triển lãm đa giác quan “Chàm Then Chạm Tính”.

Không chỉ đam mê, bà còn lan tỏa tình yêu với hát Then, đàn Tính đến với nhiều thế hệ học sinh của mình. Chẳng hạn như Võ Khánh Linh, hiện là sinh viên Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, theo học organ với nghệ nhân Bích Liên và trở thành thành viên của câu lạc bộ được hơn 1 năm. Đối với Khánh Linh, hát Then, đàn Tính là nét văn hóa dân tộc được ít người biết đến, nhưng khi đã biết rồi thì em thêm yêu và muốn lan tỏa đến với nhiều bạn trẻ hơn nữa. Vì vậy, tuy lịch học bận rộn, nhưng Linh vẫn cố gắng sắp xếp để tham dự đều đặn các buổi tập và biểu diễn cùng các nghệ nhân.

Triển lãm đa giác quan “Chàm Then Chạm Tính” đã mang đến cho công chúng và các bạn trẻ TP Hồ Chí Minh một không gian âm nhạc đậm sắc màu văn hóa dân tộc Tày. Hòa cùng với những điệu hát Then, tiếng đàn Tính, người xem còn được chiêm ngưỡng bộ sưu tập “Bản sắc”; với những tranh khắc gỗ, áo dài truyền thống của họa sĩ Vi Việt Nga, vừa có thể tìm hiểu bộ sưu tập vải bông nhuộm chàm vẽ bằng sáp mang tên “Đồng điệu”; của Hapuu Chaotic Pattern.

Du khách nước ngoài thích thú tìm hiểu về văn hóa dân tộc Tày.

Du khách nước ngoài thích thú tìm hiểu về văn hóa dân tộc Tày.

Một trong những bạn trẻ lần đầu đến xem triển lãm đa giác quan, Hồ Duy Khánh - sinh viên K28, Khoa Quan hệ công chúng và truyền thông Trường Đại học Văn Lang không khỏi ấn tượng và bất ngờ. “Các hoạt động và nghệ thuật sắp đặt ở đây thật thú vị. Em không những được nhìn ngắm các bộ trang phục truyền thống của người Tày mà còn được nghe hát Then, đàn Tính, được ăn bánh, sờ chạm vào các chất liệu trang phục… Mọi giác quan của em đều được đánh thức để tìm về với bản sắc văn hóa, ẩm thực, tín ngưỡng rất đa dạng của đồng bào dân tộc Tày”.

Từ sân khấu vào giảng đường và ra phố

Vào mỗi buổi sáng cuối tuần, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, TP Hồ Chí Minh), người dân và du khách đều có thể được xem và nghe các làn điệu dân tộc được thể hiện qua những nhạc cụ truyền thống, với những ca khúc quen thuộc như “Trống cơm”, “Một vòng Việt Nam”, “Nối vòng tay lớn”…

Giảng viên Kim Yến, Chủ nhiệm bộ môn âm nhạc truyền thống, Đại học FPT chia sẻ: “Có rất nhiều sinh viên và công chúng yêu thích nhạc cụ dân tộc, nhưng ít ai thực sự hiểu rõ về các loại nhạc cụ này. Thông qua các chương trình học, chúng tôi mong muốn chia sẻ kiến thức và niềm đam mê đối với âm nhạc truyền thống, đồng thời góp phần vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Đây cũng chính là nhiệm vụ cao cả của ngành giáo dục, tạo ra những con người không chỉ giỏi về tri thức mà còn yêu cái đẹp, có trái tim nhân ái và chan hòa”.

Trình diễn âm nhạc dân tộc trong không gian Đường sách cho công chúng thưởng thức.

Trình diễn âm nhạc dân tộc trong không gian Đường sách cho công chúng thưởng thức.

Là một sinh viên của FPT, Gia Bảo (Khoa An toàn thông tin) cho biết, tuy đã được học về âm nhạc dân tộc trong trường nhưng hôm nay tham dự buổi biểu diễn ở Đường sách, bạn vẫn có những ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ. Trong số các nhạc cụ, bạn đặc biệt yêu thích và lựa chọn học đàn bầu. “Tuy khó nhưng khi đã biết rồi thì rất vui và là một cách giải trí bổ ích, thoải mái sau những giờ học tập căng thẳng”, Gia Bảo cho biết.

Còn đối với bạn Hải Yến, sinh viên Khoa Du lịch trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, sau khi lên sân khấu trải nghiệm trực tiếp và được nghe giới thiệu về từng loại nhạc cụ, em thích thú chia sẻ: “Được trực tiếp nghe và cảm nhận âm thanh từ những nhạc cụ dân tộc em thật sự ấn tượng với sự độc đáo và phong phú của từng loại nhạc cụ. Đây là một cơ hội tuyệt vời để em hiểu thêm về văn hóa âm nhạc dân tộc Việt Nam”.

Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP Hồ Chí Minh hiện nay vẫn đang giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật này; đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ những di sản văn hóa truyền thống qua các buổi biễu diễn tại Đường sách Nguyễn Văn Bình vào dịp cuối tuần.

Trò chuyện với phóng viên, Nghệ sĩ hát bội Khổng Minh Khương cho biết, ông đã có 30 năm biểu diễn và sinh hoạt tại Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, có dịp biểu diễn nhiều hơn ở các sân khấu đường phố và sân khấu ngoài trời, đối với ông, những buổi biểu diễn này đã mang lại sự tương tác trực tiếp với khán giả, tạo cơ hội giao lưu gần gũi và dễ dàng hơn. “Khi biểu diễn ở sân khấu mở, nghệ sĩ phải đối mặt với nhiều yếu tố ngoại cảnh, vì vậy cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, chọn lựa những vở diễn gần gũi, mới mẻ và linh hoạt thích nghi với từng tình huống thực tế.

Tuy nhiên, đây cũng là cách để mang nghệ thuật hát bội đến với nhiều đối tượng khán giả hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ”, Nghệ sĩ hát bội Khổng Minh Khương cho biết. Nghệ sĩ hát bội Khổng Minh Khương cũng cho biết, trong trích đoạn vở diễn “Ôn Đình chém Tá” mà các nghệ sĩ hát bội mang đến sân khấu Đường sách, công chúng không chỉ được thưởng thức một trích đoạn nổi tiếng mà còn có cơ hội tìm hiểu về đặc trưng nổi bật của nghệ thuật hát bội - đó chính là nghệ thuật hóa trang mặt nạ, một yếu tố đặc sắc tạo nên sự hấp dẫn của loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Chương trình “Nhạc cụ dân tộc và nghệ thuật Hát Bội” do Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, với sự tham gia của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội và Trường Đại học FPT.

Chương trình “Nhạc cụ dân tộc và nghệ thuật Hát Bội” do Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, với sự tham gia của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội và Trường Đại học FPT.

Sau khi xem các nghệ sĩ hát bội biểu diễn, bạn Trần Huỳnh Anh Thư, sinh viên trường Đại học FPT TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trước đây, hát bội là một một nghệ thuật tương đối lạ lẫm với em, nhưng ngày hôm nay, em đã được biết trong hát bội, nhân vật hóa trang mặt màu đỏ là nhân vật thể hiện tính cách trung thần, trung can nghĩa khí, là người tốt; còn nhân vật hóa trang mặt màu trắng mốc là nhân vật thể hiện tính cách nịnh thần, tính khí gian xảo, là người xấu. Hay nhân vật hóa trang mặt màu xanh thường thể hiện tính cách thông minh, liều lĩnh, dũng cảm, một số nhân vật bị yểu mạng…”.

Bên cạnh những giai điệu truyền thống quen thuộc, nhạc cụ dân tộc Việt Nam còn có khả năng trình diễn đa dạng các thể loại âm nhạc, kể cả những tác phẩm mang âm hưởng quốc tế. Hầu như những dịp cuối tuần, trước Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, người dân và du khách đều có những giây phút thư giãn, lắng đọng qua những làn điệu âm nhạc dân tộc. Điều này đã góp phần vừa lan tỏa nét văn hóa truyền thống với công chúng và du khách quốc tế, vừa góp phần gìn giữ hồn cốt dân tộc trong mỗi người dân.

Bài và ảnh: Hương Trần/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/lan-toa-van-hoa-dan-toc-qua-nhung-lan-dieu-truyen-thong-20250506155507121.htm
Zalo