Lan tỏa thông điệp hòa bình, đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế

Trong 10 năm qua, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng, được lãnh đạo Liên Hợp Quốc, đồng nghiệp quốc tế cũng như người dân địa phương đánh giá cao, góp phần cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, nhất là về đối ngoại quốc phòng.

Thông tin trên được Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng, cho biết tại tọa đàm “Hoàn thiện hành lang pháp lý về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhằm tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam” do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tổ chức chiều 17.10.

Khẳng định vai trò, uy tín, trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình thế giới

Theo Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; cụ thể hóa, quán triệt triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng và Nhà nước.

Trong quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, chúng ta cũng thể hiện được vị trí, vai trò, uy tín và trách nhiệm đối với an ninh và hòa bình thế giới. Đồng thời, chuyển đi bức thông điệp rằng Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân ái, là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế và là thành viên có trách nhiệm.

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng cho biết, việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc được thể hiện qua quá trình chuẩn bị rất kỹ càng. Từ năm 2005, chúng ta đã có những đoàn quan sát viên tới tham quan, tham khảo việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của các quốc gia.

Đến năm 2012, Bộ Chính trị thông qua Đề án Tổng thể về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Năm 2013, Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó bổ sung Điều 89 quy định “Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”. Sự điều chỉnh của Hiến pháp đã tạo cơ sở hành lang pháp lý quan trọng cho việc cử lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Ngày 21.1.2014, Chính phủ thành lập Tổ Công tác liên ngành do một đồng chí Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm Tổ trưởng; Bộ Quốc phòng thành lập Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

 Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng. Ảnh: Duy Thông

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng. Ảnh: Duy Thông

Ngày 27.5.2014, Bộ Quốc phòng chính thức ra mắt, thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, tiền thân của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam hiện nay. Ngày 27.5.2014 cũng đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam cử 2 sĩ quan quân đội tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trên cương vị Sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Cộng hòa Nam Sudan - cũng là những sĩ quan, cán bộ đầu tiên của Việt Nam chính thức tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Sau một thời gian tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đến ngày 5.1.2018, chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực. Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam chính thức đổi tên thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Thời điểm này cũng đánh dấu việc Tổ Công tác liên ngành được giao về Bộ Quốc phòng và do một đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Tổ trưởng, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam với vai trò là cơ quan thường trực giúp việc cho Tổ Công tác liên ngành.

"Việc thành lập Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Quân đội đối với nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, với chủ trương tham gia ngày càng sâu rộng vào lĩnh vực này. Trong đó, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam với vai trò là cơ quan tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong triển khai lực lượng mới, trong một xu thế phát triển mới cũng đã góp phần cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, nhất là về đối ngoại quốc phòng", Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng khẳng định.

Trên tinh thần đó, tháng 10.2018, chúng ta triển khai loại hình đơn vị đầu tiên là Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC2.1) đến Phái bộ UNMISS (Nam Sudan) với 63 quân nhân; đến ngày 24.9.2024 vừa qua đã triển khai thành công thê đội thứ sáu (BVDC2.6).

Tháng 6.2022, chúng ta triển khai đội công binh đầu tiên đến Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei) với biên chế 184 quân nhân; đến ngày 24.9.2024 đã triển khai thê đội thứ ba sang thực hiện tại Phái bộ UNISFA”, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng cho biết thêm.

Theo Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng, kết quả tham gia hoạt động giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam, nhất là đóng góp vào kết quả bỏ phiếu cho Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu kỷ lục 192/193.

 Các đại biểu tham dự Tọa đàm “Hoàn thiện hành lang pháp lý về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhằm tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam” do Báo Đại biểu Nhân phối hợp Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tổ chức chiều 17.10. Ảnh: Duy Thông

Các đại biểu tham dự Tọa đàm “Hoàn thiện hành lang pháp lý về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhằm tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam” do Báo Đại biểu Nhân phối hợp Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tổ chức chiều 17.10. Ảnh: Duy Thông

Xây dựng khuôn khổ pháp lý tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc

Nói về thành quả đạt được sau 10 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng cho biết đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã triển khai được 1.046 lượt quân nhân trong quân đội nhân dân Việt Nam và sĩ quan công an nhân nhân Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (trong đó có 13 sĩ quan công an nhân dân).

Đối với hình thức đơn vị, tới nay đã triển khai được 6 thê đội bệnh viện dã chiến cấp hai với 63 quân nhân/thê đội, 3 thê đội công binh với 184 quân nhân/thê đội.

Đối với hình thức cá nhân, chúng ta triển khai được 137 lượt sĩ quan cá nhân tại các phái bộ như: Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), Phái bộ UNMISS (Nam Sudan), Phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi). Bên cạnh đó, Việt Nam có 4 sĩ quan quân đội và 1 sĩ quan công an vượt qua vòng tuyển chọn rất khắt khe để làm việc tại trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Mỹ). Điều này thể hiện sự cố gắng rất lớn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để có những cán bộ chất lượng cao.

Ngày 5.6.2018. Trung tâm huấn luyện của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam được đánh giá là 1 trong 4 trung tâm huấn luyện có uy tín của khu vực. Hiện nay, chúng ta phối hợp và hợp tác quốc tế rất mạnh, hàng năm đều tổ chức các khóa huấn luyện quốc tế tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam với rất nhiều khóa học về sĩ quan tham mưu, sĩ quan hậu cần, sĩ quan quan sát viên quân sự,...

Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng phối hợp, hỗ trợ Bộ Công an trong việc đào tạo và hỗ trợ các trung tâm quốc tế, cử giảng viên Việt Nam tham gia tại các khóa huấn luyện ở nước ngoài. Đặc biệt, lãnh đạo Liên Hợp Quốc đánh giá quân nhân - người lính mũ nồi xanh Việt Nam là một trong những lực lượng tốt nhất trên thế giới.

 Cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 hội chẩn trong đêm cho bệnh nhân tại Bentiu (Nam Sudan). Ảnh: BVDC 2.6

Cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 hội chẩn trong đêm cho bệnh nhân tại Bentiu (Nam Sudan). Ảnh: BVDC 2.6

Ngày 23.9.2024, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có buổi gặp riêng với Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, trong đó Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị Việt Nam tiếp tục mở rộng các loại hình và quy mô tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. “Điều đó thể hiện uy tín cũng như trách nhiệm của Việt Nam được đánh giá rất cao, đặc biệt về vấn đề chuyên môn”, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng cho hay.

Một kết quả khác cần ghi nhận là trong hơn 10 năm qua, tỷ lệ nữ quân nhân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc rất cao. Ở cả loại hình đơn vị và cá nhân, chúng ta đã triển khai gần 100 lượt nữ sĩ quan, quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, chiếm tỷ lệ 16,6%, cao hơn so với mặt bằng chung của Liên hợp quốc (hiện nay là 15%).

Về xây dựng khuôn khổ pháp lý tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng cho biết trong hơn 10 năm qua khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Bộ Quốc phòng đã đề nghị Chính phủ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý.

Điển hình như Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Nghị định số 162/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với các tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị định số 61/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Các bộ ngành, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng đã có những Thông tư hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, làm cơ sở để các lực lượng triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.

Về hợp tác quốc tế, thời gian qua, hoạt động hợp tác về gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã thu hút được sự quan tâm và hỗ trợ đáng kể của các đối tác quốc tế, góp phần làm giảm gánh nặng ngân sách của Việt Nam đầu tư cho tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Bộ Quốc phòng đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ triển khai ký kết 10 Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc với các nước đối tác (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Canada, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand); 2 bản ghi nhớ với Liên Hợp Quốc về triển khai BVDC2 đến Phái bộ Nam Sudan và triển khai Đội Công binh đến Phái bộ Abyei; 1 bản ghi nhớ với EU về triển khai giảng viên hỗ trợ kỹ thuật của EU tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; 1 Thỏa thuận Đối tác chiến lược gìn giữ hòa bình với Chính phủ Australia (được nâng cấp từ Bản ghi nhớ).

"Có thể nói trong 10 năm qua, các mặt hợp tác cũng như tham gia của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã đạt được kết quả ấn tượng, được lãnh đạo Liên Hợp Quốc, đồng nghiệp quốc tế cũng như người dân địa phương đánh giá rất cao", Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng nhấn mạnh.

Cân nhắc đưa lực lượng dân sự vào dự thảo Luật

Theo Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, mặc dù hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã tạo được hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, trong công tác xây dựng lực lượng vẫn còn khó khăn về nguồn lực, kĩ năng quân sự, ngoại ngữ, thiếu đội ngũ bác sĩ sản. Đặc biệt, hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực gìn giữ hòa bình chưa đồng bộ, chưa theo kịp với sự phát triển của nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Việt Nam hiện nay.

Trước thực tế đó, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng cho biết, hiện có ba chính sách lớn trong dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là xây dựng lực lượng, triển khai lực lượng và bảo đảm nguồn lực, chính sách. Hiện nay, có yếu tố mới nên Hội đồng thẩm định đang cân nhắc đưa lực lượng dân sự vào dự thảo Luật, Cục đã có báo cáo bổ sung và đánh giá tác động với nội dung này.

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng cho biết, quan điểm đầu tiên trong xây dựng Luật tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Trung ương VIII khóa IX về bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Đồng thời quán triệt đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế đất nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với đường lối chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế; trong đó có chủ trương tăng cường, nâng cao năng lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Quan điểm thứ hai là bảo đảm quy định phù hợp với quy định của Hiến chương Liên Hợp quốc, các điều ước và thông lệ quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Quan điểm thứ ba, bảo đảm tính hoàn thiện, hợp pháp, thống nhất của Luật với hệ thống pháp luật Việt Nam, bảo đảm tính khả thi của Luật phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Quan điểm thứ 4, bám sát ba nhóm chính sách (xây dựng lực lượng, triển khai lực lượng và bảo đảm nguồn lực, chính sách) trong đề nghị xây dựng Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, để bảo đảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước về việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Quan điểm thứ 5, xây dựng dự án Luật, tổng kết thực tiễn trong 10 năm qua, kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm, nhưng vẫn có những bất cập như quá trình phát triển nhanh, mới nên làm sao trong Luật phải khắc phục bất cập, tạo hành pháp lý cho triển khai thực hiện tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Theo Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, mục tiêu chung là thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; cụ thể hóa thi hành quy định hiến pháp 2013 về việc cử lực lượng vũ trang tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình khu vực và trên thế giới. Đồng thời, mục tiêu nội dung còn phù hợp với Nghị quyết 130, còn nhiều giá trị tính kế thừa cao.

Mục tiêu tiếp theo là bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước với việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; đồng thời đề ra những định hướng, điều chỉnh việc tham gia, trong đó mở rộng đối tượng, quy mô, hình thức, phương thức tổ chức, cũng như tiêu chuẩn, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức, các cá nhân tham gia triển khai gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam. Giải quyết các chính sách, chế độ phát sinh, có những ý kiến đề xuất thêm quy trình mới, quy trình rút gọn, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan Bộ ngành, cơ quan của Quốc hội có tham mưu thêm.

Mục tiêu nữa giúp cho cơ quan tổ chức có thêm hiểu biết sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam; từ đó tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.

Nguyễn Liên - Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lan-toa-thong-diep-hoa-binh-doi-tac-tin-cay-cua-cong-dong-quoc-te-post393559.html
Zalo