Lan tỏa thông điệp chuyển đổi số

'Hạ tầng số phải phát triển, đi trước một bước'. Đó là quan điểm, là thông điệp đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhắc tới, chỉ đạo.

Tại Thông báo số 369/TB-VPCP kết luận hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số (CĐS) với các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới đây, một lần nữa, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông tương xứng với quan điểm “hạ tầng số phải phát triển, đi trước một bước”.

Cuộc cách mạng 4.0 đến lúc này đã không còn mơ hồ với bất kỳ quốc gia, địa phương, lĩnh vực, ngành nghề nào. Công nghệ số đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Đơn giản như gọi 1 chiếc xe, mua 1 ly cà phê, thậm chí mua 1 bó rau chỉ cần nói ra yêu cầu hoặc đặt hàng qua app (ứng dụng) trên điện thoại hay thiết bị điện tử của mình, ít phút sau, sản phẩm đã tới tay người mua. Phức tạp hơn như sáng tác 1 bản nhạc, làm luận án tốt nghiệp… cũng chỉ cần ra đề bài là sẽ có…

Tất nhiên, những điều đó không phải trên trời rơi xuống và có rơi xuống cũng sẽ chỉ rơi xuống với những trường hợp có hạ tầng số đủ điều kiện. Vì 4.0 không thể nào vận hành, không thể phát huy hiệu quả được với trường hợp đang sử dụng thiết bị, công nghệ của 3.0, 2.0… Bên cạnh hạ tầng số, đặc biệt còn phải có con người 4.0. Bởi hạ tầng số 4.0 mà đặt vào tay của người - một cá nhân hay một cộng đồng có trình độ “0.4”, kết quả sẽ là con số 0. Với một địa phương nhiều khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận rất lớn dân cư ở nông thôn, vùng xa, vùng biên giới… như Bình Phước, yếu tố con người 4.0 càng có ý nghĩa hơn, quan trọng hơn, đang được tỉnh quan tâm giải quyết.

Hạ tầng số - cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, không phải là thiết bị công nghệ thông tin (hạ tầng của công nghệ 3.0) mà là các công nghệ kỹ thuật số cung cấp nền tảng cho hoạt động công nghệ thông tin. Nói cách khác, đây là các ứng dụng và công nghệ được sử dụng để thực hiện công cuộc CĐS.

Nếu ví CĐS là ngôi nhà thì hạ tầng số chính là nền móng. Hạ tầng số còn có vai trò rất lớn trong việc thu thập dữ liệu, trong khi dữ liệu được coi là “trái tim” của CĐS. Do đó, hạ tầng số phát triển sẽ là bệ phóng vững chắc cho CĐS.

Hoạt động gần như ở tất cả lĩnh vực đều đã và đang có xu hướng “toàn cầu”. Ở nước ta, công cuộc CĐS hiện đang được triển khai rộng khắp trong cả nước với mong muốn tạo sự bứt phá để theo kịp các quốc gia phát triển. Và CĐS thành công ở mức nào, một phần rất lớn phụ thuộc vào việc chúng ta có hạ tầng số tốt mức nào.

Trở lại với vấn đề của một địa phương còn nhiều khó khăn như Bình Phước, CĐS chính là cơ hội, cũng như Việt Nam cần san lấp khoảng cách với các quốc gia phát triển.

Có rất nhiều điều phải làm, có nhiều mục tiêu phải được hoàn thành… Điều đó phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo, chuyên gia và những người được giao "chèo lái" công cuộc CĐS với thông điệp “Hạ tầng số phải phát triển, đi trước một bước”. Còn với cộng đồng, bên cạnh việc thực hiện đúng các chủ trương, chính sách, sự đổi mới của Nhà nước và các cơ quan chức năng đưa ra, cần chung tay như thế nào, rồi cũng sẽ được lan tỏa cụ thể.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/161344/lan-toa-thong-diep-chuyen-doi-so
Zalo