Đổi trắng thành xanh - hành trình bao lâu nữa? (Bài cuối)

Do có nhiều tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường và đời sống xã hội, nên việc phát triển nông nghiệp đô thị Lâm Đồng cần phải sắp xếp, bố trí và phát triển gắn với quy hoạch. Trong đó, công tác quản lý nhà kính nội ô Đà Lạt, nội thị các huyện phụ cận rất khó khăn và phức tạp, việc triển khai thực hiện sẽ phải đối diện với nhiều thách thức. Trước hết đòi hỏi sự đồng thuận của doanh nghiệp và Nhân dân; tiếp sau đó phải xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết và khả thi, đảm bảo đủ căn cứ pháp lý, nguồn lực thực hiện mới thay đổi toàn diện mảng màu trắng nhà kính trả về mảng màu xanh của đất trời Nam Tây Nguyên kiến tạo ban tặng.

Bài cuối: Nông nghiệp đô thị - giá trị cốt lõi ở đâu?

Cần có lộ trình dài hạn hơn so với mục tiêu giảm dần và đi đến không còn diện tích nhà kính nội ô Đà Lạt vào năm 2030

Cần có lộ trình dài hạn hơn so với mục tiêu giảm dần và đi đến không còn diện tích nhà kính nội ô Đà Lạt vào năm 2030

QUY HOẠCH ĐÔ THỊ GẮN VỚI QUY HOẠCH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đánh giá các tác động tiêu cực của nhà kính nông nghiệp đô thị đã góp phần làm suy giảm các giá trị cốt lõi, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thiên nhiên và di sản văn hóa đã tạo nên những biệt danh của Đà Lạt thành phố mộng mơ, thành phố ngàn hoa, thành phố ngàn thông, tiểu Paris phương Đông, xứ hoa anh đào… Về cơ bản, PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh thống nhất 5 nhóm giải pháp chung theo Quyết định 178, ngày 30/1/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng là: Rà soát, giải tỏa nhà kính xây dựng trái quy định; giảm diện tích nhà kính tại các vùng nội ô của TP Đà Lạt và thị trấn các huyện phụ cận; xây dựng mới nhà kính đảm bảo quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, ứng dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp không dùng nhà kính; xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Riêng TP Đà Lạt, PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh đề xuất bổ sung một số giải pháp như: Đẩy nhanh lập, phê duyệt quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công khai kế hoạch quản lý nhà kính; quy định cải tạo và xây dựng nhà kính; thành lập ban chuyên trách triển khai Đề án 178…

Thực tế vào ngày 23/2/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng ban hành văn bản phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương triển khai Đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030. Đến nay, TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương và huyện Đơn Dương đã xây dựng và triển khai kế hoạch, trong đó giải tỏa 100% nhà kính trái phép trên đất lâm nghiệp, kết quả đến nay mới xử lý 105 ha/134 ha. Qua hoạt động lồng ghép hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng còn thực hiện 7 mô hình sản xuất gồm: 3 mô hình kết hợp sản xuất trong nhà kính và ngoài trời tại Phường 5 và xã Xuân Thọ (TP Đà Lạt), diện tích 2.000 m2/mô hình; 2 mô hình diện tích 2.000 m2 sản xuất rau ngoài trời bằng công nghệ IoT tại xã Tu Tra và thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương); 2 mô hình sản xuất hoa lay ơn Hà Lan ngoài trời tại Phường 7 và Phường 11, TP Đà Lạt, tổng diện tích 9.000 m2. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức về sản xuất rau, hoa hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích cảnh quan môi trường. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Hoa Đà Lạt triển khai Đề án “Nhập khẩu giống hoa có bản quyền sản xuất giai đoạn 2021-2025” bước đầu xác định 14 giống hoa, lá, hoa chậu có thể thử nghiệm trồng, nhân rộng ngoài trời.

Nhìn từ 20 năm qua, từng giai đoạn phát triển diện tích nông nghiệp nhà kính trên vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng cho thấy: Năm 2004 - 2010 với 1.170 ha, làm bằng vật liệu khung tre, sắt V3, V4 và màng phủ nilon 1-2 lớp. Năm 2011-2015 tăng lên 3.147,5 ha, vật liệu khung tre, sắt V4, V5, mái vòm kín, mái nhà chữ A; màng phủ nilon 1-2 lớp, bước đầu nhập khẩu vật liệu nhà kính sản xuất hoa cao cấp, vườn ươm từ Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan. Năm 2016-2021 tiếp tục tăng lên 4.476 ha, thay thế bằng sắt V5, sắt hộp mạ kẽm, đổ trụ móng bê tông; nhà 3 mái; màng phủ nilon chống tia tử ngoại, tán xạ ánh sáng nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật Bản, Hà Lan, Israel. Giai đoạn năm 2022 - hết quý I/2024 lên đến gần 5.688,5 ha, tăng hơn 271,5 ha so với trước khi triển khai Đề án 178. Cụ thể TP Đà Lạt (hơn 2.900,2 ha); các huyện Lạc Dương (gần 1.648,2 ha); Đơn Dương (450 ha); Đức Trọng (317,6 ha).

CẦN CÓ LỘ TRÌNH DÀI HẠN HƠN SO VỚI MỤC TIÊU VÀO NĂM 2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá 3 ưu điểm nổi trội của nhà kính nông nghiệp đô thị là: Thứ nhất, tạo tiểu khí hậu phù hợp sinh thái của từng loại cây trồng, chủ động ứng phó bất lợi của thời tiết, cho năng suất cao, chất lượng tốt, tăng hệ số sử dụng đất, giảm chi phí vật tư nông nghiệp, tiết kiệm nước tưới. Thứ hai, phát huy các giải pháp IoT, năng lượng mặt trời, công nghệ đèn LED, đạt giá trị bình quân cây rau 2 tỷ đồng/ha/năm, cây hoa từ 3 - 5 tỷ đồng/ha/năm. Thứ ba, chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào giảm hơn từ 30-50% so với trồng ngoài trời, quản lý trang trại đồng bộ, kiểm soát nông sản an toàn. Tuy nhiên, việc quản lý, cấp phép xây dựng nhà kính chưa có văn bản pháp luật quy định, nên cần phải có lộ trình và nguồn kinh phí, thay đổi tư duy của người sản xuất để chuyển đổi. Đặc biệt, nhu cầu nguồn vốn xây dựng mới, cải tạo nhà kính đạt chuẩn rất lớn, nhưng chưa có chính sách hỗ trợ tín dụng; nhà kính vẫn không được xác nhận tài sản gắn liền với đất để thế chấp vay vốn. “Quá trình sản xuất hoa cắt cành, vườn giống, thủy canh, công nghệ tự động… không thể đạt hiệu quả ngoài trời, vì vậy cần nhà kính hạn chế dịch hại, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Trong khi các vùng nông nghiệp đô thị Đà Lạt và vùng phụ cận, hiện tượng mưa đá đầu mùa thường diễn ra gây thiệt hại sản xuất ngoài trời. Do đó, định hướng giảm dần và đi tới không còn diện tích nhà kính nông nghiệp nội ô TP Đà Lạt và nội thị của các huyện vùng phụ cận cần có lộ trình dài hạn hơn so với mục tiêu của Đề án 178 hoàn thành vào năm 2030…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề xuất.

Cụ thể hơn, PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đề xuất Đề án 178 nên xem xét điều chỉnh cho TP Đà Lạt: Đến năm 2025 hoàn thành công tác chuẩn bị; bổ sung cơ sở pháp lý và quy định quản lý nhà kính. Giai đoạn năm 2026 - 2030 sắp xếp, di dời và tái bố trí nhà kính theo quy định; cấp phép xây dựng và cải tạo nhà kính theo mẫu kiến trúc phù hợp tại khu vực nội ô. Với PGS.TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp cho rằng, việc chuyển đổi nhà kính cần có lộ trình quy hoạch các vùng canh tác ngoại ô theo tiêu chuẩn công nghệ, hình mẫu, quy mô diện tích. Đồng thời quy định bắt buộc công nghệ thiết kế, vật liệu, không gian, tỷ lệ nhà kính, diện tích cây xanh, thoát nước, giao thông. Ngoài ra quy định về thu gom xử lý chất thải nhựa, chất thải nguy hại, thu hồi nước mưa sản xuất tuần hoàn…

Từ những lợi ích cốt lõi phát triển nông nghiệp đô thị Nam Tây Nguyên nói trên, phóng viên ghi nhận quan điểm của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên thay cho lời giải của bài toán “Đổi trắng thành xanh - hành trình bao lâu nữa?” là: Định hướng phát triển và thay thế cây trồng trong nhà kính nội ô Đà Lạt và nội thị vùng phụ cận phải kết hợp nghiên cứu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, tiếp cận toàn diện giữa công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ thông minh và phát triển du lịch sinh thái, từ đó xây dựng một mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững và hiệu quả cho Đà Lạt và các vùng phụ cận...

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202409/doi-trang-thanh-xanh-hanh-trinh-bao-lau-nua-bai-cuoi-72127cd/
Zalo