Trí tuệ nhân tạo thay con người dạy lái xe
Không chỉ theo cách truyền thống, tại nhiều nơi ở Trung Quốc, việc đào tạo lái xe đã được ứng dụng công nghệ cao, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ và thu thập dữ liệu, thói quen của học viên.
Học viên làm "bố", "mẹ"
Trường dạy lái xe Eastern Pioneer là một trong nhiều đơn vị dạy lái tại Trung Quốc bắt đầu tự động hóa hướng dẫn lái xe từ năm 2019. Eastern Pioneer ứng dụng công nghệ dạy lái xe tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), có tên là RoboCoach, do công ty Beijing Yi Jia Jia Technology phát triển.
Đây là hệ thống giảng dạy và kiểm soát an toàn được tích hợp trên xe tập lái. Trong đó, hệ thống sử dụng giọng nói của trẻ em và gọi người học là "bố" hoặc "mẹ", tạo sự thân thiện và giảm bớt áp lực cho người học. Bên cạnh đó, hệ thống còn sử dụng màn hình và gương chiếu hậu thông minh để giao tiếp với người học.
Chia sẻ với báo chí Trung Quốc, ông Ma Hong, người sáng lập Yi Jia Jia cho biết: RoboCoach bao gồm một hệ thống hơn 40 cảm biến khác nhau được lắp đặt trên ô tô để phát hiện người, ô tô khác và nhận diện đường đi.
Các cảm biến sẽ giúp RoboCoach nhanh chóng phanh lại nếu xe gặp chướng ngại vật hoặc tăng tốc đột ngột, tương tự như cách vận hành của xe tự lái.
"RoboCoach sẽ tương tác và đánh giá việc ra quyết định cũng như hướng dẫn người học", ông Ma chia sẻ và cho biết, chiếc xe còn được trang bị hệ thống radar để người học đưa ra quyết định nhanh hơn.
Tỷ lệ đỗ đạt 80%
Hệ thống RoboCoach còn thu thập dữ liệu về hành vi lái xe của người học, thậm chí cả tư thế ngồi, phân tích thói quen lái xe theo thời gian thực để xem liệu người học có quá thận trọng hay vội vàng trong quá trình luyện tập, có cần điều chỉnh cách hướng dẫn hay không.
Bằng cách ghi lại tất cả các vấn đề mà người học lái xe gặp phải trong quá trình học, hệ thống giúp người mới lái xe sửa lỗi cũ và ngăn mắc lỗi mới.
Đồng thời, hệ thống máy tính trên xe sẽ chấm điểm người học mỗi lần quay xe và nhấn phanh. Các thiết bị mô phỏng thực tế ảo sẽ huấn luyện người học cách di chuyển trên những đường quanh co.
Trên xe có màn hình lớn cung cấp chỉ số phân tích về kết quả thực hiện nhiệm vụ của người lái xe, chẳng hạn như tỷ lệ đỗ xe song song. Thông thường các trường dạy học lái thông minh thường kết hợp cả công nghệ thực tế ảo (VR) với hệ thống dạy lái tích hợp AI.
Trước khi ngồi lên xe dạy lái tích hợp AI, học viên sẽ được đào tạo trong phòng VR (thực tế ảo), bao gồm lái xe cơ bản, sau đó lái xe tại các địa điểm đào tạo và trên các đường được chỉ định trong khuôn viên trường.
Tính đến nay, hầu hết học sinh tại trường Eastern Pioneer lựa chọn giáo viên robot và tỷ lệ đỗ cũng tăng cao. Công ty Yi Jia Jia cho hay, tỷ lệ đỗ của những người học sử dụng công nghệ AI đã vượt 80%, đồng thời giảm khoảng 70% chi phí lao động khi đào tạo ở trường lái xe.
Thay thế một nửa giáo viên
Kể từ năm 2019 đến nay, khi ứng dụng AI, lượng giáo viên tại trường dạy lái xe Eastern Pioneer đã giảm hơn nửa, xuống còn khoảng 900. Thay vì phải ngồi kè kè bên cạnh người học, trường bố trí giáo viên tại trung tâm kiểm soát để giám sát từ xa đối với người học lái trên 610 ô tô được trang bị hệ thống RoboCoach.
Ông Zhang Yang, Giám đốc đào tạo thông minh của trường Eastern Pioneer cho biết, việc ứng dụng công nghệ đem lại hiệu quả rất tốt. "Tỷ lệ đậu và nhận thức về an toàn đã được cải thiện nhiều", theo ông Zhang.
Cũng theo ông, nhờ có sự phát triển của công nghệ AI, hiện nay, trường cần ít người hướng dẫn hơn.
"Về chi phí lao động, chắc chắn có tiết kiệm. Với mô hình đào tạo hiện tại của chúng tôi, người học sẽ rèn luyện độc lập, không cần người hướng dẫn quá nhiều, từ đó cũng nâng cao khả năng tự học.
Trong quá trình đào tạo, người hướng dẫn chỉ đóng vai trò hỗ trợ, còn hệ thống AI trên ô tô đưa ra gợi ý vận hành và đảm nhiệm đào tạo chính, qua đó giúp giảm đáng kể tỷ lệ nhân sự", vị giám đốc chia sẻ.
Xu hướng tất yếu?
Các nhà kinh tế cho biết, công nghệ tự động hóa có thể mang lại lợi ích lâu dài cho Trung Quốc.
Ông Sun Mingchun, cố vấn của Tập đoàn chứng khoán quốc tế Haitong nhấn mạnh: "Các phần mềm và thiết bị sử dụng AI sẽ giúp người dùng có trải nghiệm tốt hơn và cũng có thể là công cụ marketing hiệu quả cho các công ty đào tạo lái xe. Tuy nhiên, xu hướng này có thể đe dọa kế sinh nhai của những thầy/cô dạy lái".
Không chỉ vậy, với các trường dạy lái, khi công nghệ phát triển, tác động đối với các trường dạy theo cách truyền thống sẽ rất lớn. Nếu không thay đổi và ứng dụng công nghệ mới, sẽ rất dễ bị thải loại.
"Đa phần những người làm nghề dạy lái xe thường không thích dự án dạy lái ứng dụng AI vì lo ngại sẽ bị thay thế. Đây là thách thức lớn nhất trong ngành công nghiệp này nhưng xu hướng phát triển của công nghệ là không thể ngăn cản", cũng theo ông Sun.
Ở Trung Quốc, người điều khiển phương tiện phải trải qua bốn kỳ thi trước khi đủ điều kiện lấy bằng lái bao gồm hai bài kiểm tra lý thuyết về luật lệ giao thông, các khái niệm cơ bản về phương tiện và thói quen lái xe đúng, một bài kiểm tra đỗ xe và kỹ năng lái xe cơ bản trên đường đua và một bài kiểm tra trên đường.