Lan tỏa mỹ vị Việt tại Mỹ
Cách Việt Nam nửa vòng trái đất, hương vị Việt đã làm thay đổi nền ẩm thực Mỹ và mở ra một thế hệ sáng tạo mới. Khởi nghiệp vì đam mê, nhưng tinh thần kinh doanh là một cách để người gốc Việt có được vị thế ở một vùng đất mới và thúc đẩy cộng đồng tiến lên, đóng góp vào sự phát triển quan hệ giữa hai nước.
Lớn lên tại Seattle, mang trong mình hai dòng máu Việt và Mỹ, Helen Nguyễn đã lưu giữ trọn vẹn hương vị ẩm thực quê nhà ở nhà hàng Saigon Social - niềm tự hào của riêng cô. Thông qua sự kết hợp giữa cách nấu kiểu Pháp cùng với hương vị Việt, các món ăn do Helen nấu thành hình dưới một hình thức hoàn toàn mới mẻ và tinh tế, khiến thực khách mê mẩn. Ẩm thực Việt từ đó được lan tỏa. Những người chưa từng đến Việt Nam có dịp làm quen các món ăn mới, còn những ai từng thưởng thức ẩm thực đường phố ở Việt Nam có cơ hội gặp lại các món trong kiểu trình bày khác.
New York Times bình chọn Saigon Social là một trong những nhà hàng Việt nên trải nghiệm khi đến New York. Từ xôi chiên, chả cá Lã Vọng, bún riêu cua cho đến cơm tấm... đều đã có mặt tại Saigon Social. Miêu tả về nét riêng của Saigon Social, tờ New York Times viết: “Không gian hẹp này rất hiện đại và gọn gàng, với những chiếc bàn xếp dọc theo bức tường có cửa sổ và một quầy bar nhỏ hướng ra bếp. Ở cuối phòng là bức tranh tường theo phong cách truyện tranh về quảng trường trước chợ Bến Thành ở thành phố Hồ Chí Minh. Những món chính được yêu thích của nhà hàng là chả giò và bún chả Hà Nội. Những miếng thịt nướng cháy sém ngọt ngào và những cuốn chả giò giòn rụm gói đẹp mắt dùng trong bát nước súp (nước mắm pha) ấm pha chút giấm. Rau thơm và bún, ăn kèm với đồ chua làm món ăn thêm phần thú vị”.

Chị Helen Nguyễn. Ảnh: QUENCH MAGAZINE
Chia sẻ về mối duyên gắn bó với ẩm thực trên Quench Magazine, Helen Nguyễn kể đã trải qua cuộc sống khó khăn thời thơ ấu, phải dựa vào các tổ chức phi lợi nhuận và ngân hàng thực phẩm. Cô đã tự nguyện nấu hàng trăm món ăn cho những người vô gia cư tại bếp ăn cộng đồng của nhà thờ hai lần mỗi tuần. Đó cũng là lần đầu tiên cô được nấu ăn bằng gian bếp lớn. Khi ở nhà, Helen chỉ bắt chước những món ăn gia đình và tự cải tiến theo cách riêng của mình, sau đó tự mày mò tìm hiểu thêm về các nguyên liệu thực phẩm.
Ban đầu, ẩm thực chưa phải là ưu tiên trong sự nghiệp của Helen Nguyễn. Từng có 5 năm làm việc trong ngành ngân hàng và tiếp theo là quãng đường kéo dài một thập niên trong ngành bất động sản, khi có thể tự tích lũy cho bản thân, Helen Nguyễn mới quyết định theo đuổi ước mơ của mình. Từ năm 2016 đến năm 2017, cô có mặt trên chuyến bay đêm hàng tuần giữa Seattle và New York, theo học tại Học viện Giáo dục Ẩm thực tại Los Angeles trong khi vẫn kinh doanh trong ngành bất động sản.
Cuối cùng, khi quyết định chuyển đến New York năm 2018, Helen Nguyễn đã tạo dựng Saigon Social như một cửa hàng pop-up (hoạt động tạm thời) lưu động, cho ra các món ăn Việt Nam có hương vị đậm đà hơn ở New York thường dùng. Tháng 3-2020, nhà hàng Saigon Social ra đời, chỉ 3 ngày trước khi New York phong tỏa do đại dịch Covid-19. Khó khăn bủa vây nhưng cô không bỏ cuộc, nhà hàng chuyển sang hình thức cung cấp món ăn giao tận nhà. Kiệt sức, mỏi mệt cũng không khiến Helen từ bỏ công việc thiện nguyện. Bếp ăn của cô vẫn đều đặn cung cấp những phần ăn hỗ trợ người cao tuổi gặp khó khăn trong đại dịch. Helen Nguyễn chia sẻ: “Bạn nghĩ rằng bạn đang giúp cộng đồng ư? Không đâu, là mọi người đang hỗ trợ bạn”.
Sự kiên trì của Helen Nguyễn đã được đền đáp. Saigon Social mở cửa lại vào năm 2022. Tính cách tân trong ẩm thực đã giúp cô được đề cử vào vòng bán kết Giải thưởng James Beard cho Đầu bếp xuất sắc nhất ở tiểu bang New York. Tờ New York Times nhận xét, Helen Nguyễn thực sự là ngọn hải đăng của lòng hiếu khách, người đã sử dụng thực phẩm và dịch vụ để chăm sóc những hàng xóm quanh mình trong những thời điểm đen tối nhất. Câu chuyện của Helen Nguyễn là minh chứng cho thấy niềm đam mê cùng khả năng phục hồi và sự gắn kết cộng đồng sẽ vượt qua mọi nghịch cảnh.