Lan tỏa một tình yêu Nha Trang

Ẩn sâu trong mỗi con người là tình yêu quê hương, xứ sở. Tình yêu đó là thiêng liêng, là “bất khả xâm phạm”. Để tình yêu đó cất lên thành lời, lan tỏa trong cộng đồng cũng cần có những bệ phóng. Tôi cảm nhận điều này khá rõ sau nhiều lần trở về Nha Trang.

Bạn tôi, người gốc ở thành phố Huế theo ba mẹ đến Nha Trang từ sau ngày đất nước thống nhất. Phương ngữ "mô, chừ, răng, rứa" bây giờ bạn chỉ còn dùng trong gia đình hoặc khi gặp lại người quê. Bạn là giáo viên âm nhạc vui với đám học trò, với giai điệu, tiết tấu. Nhưng mỗi khi kể về Nha Trang, bạn dành một tình cảm đặc biệt hơn.

Tôi vẫn nhớ một đêm mùa thu trên Quảng trường 2 tháng 4, khi nhắc đến tuổi thơ, bạn tôi thật say sưa. Hồi đó, do yêu cầu công tác, ba của bạn thường xa nhà nên mọi chuyện trông vào đôi tay mẹ. Bạn nhớ rất nhiều cái khu nhà nơi bạn ở với những ngôi nhà tôn cũ kỹ, thấp lè tè. Mùa nắng, nóng nung người. Còn mùa mưa, tiếng mưa át cả tiếng người. Ngoài giờ học, bạn theo bạn bè ra biển nghịch chơi, nô đùa cùng con sóng nên chẳng có trường nào dạy nhưng bạn biết bơi. Lớn lên một chút, bạn theo mẹ qua Đồng Bò hái củi… Nghe bạn kể, tôi chợt nhớ câu thơ của Chế Lan Viên trong bài thơ "Tiếng hát con tàu": “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn…”. Xứ người ở mãi thành quê và bạn lâu rồi đã là công dân chính hiệu của thành phố này.

Một góc vịnh biển Nha Trang.

Một góc vịnh biển Nha Trang.

Nha Trang từ một thị xã tỉnh lỵ của miền Trung thời hậu chiến đã nhanh chóng vươn tầm trở thành thành phố du lịch của Việt Nam, là điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế. Những mẩu ký ức của bạn càng giúp tôi hiểu sự đổi thay của thành phố và lan tỏa đến tôi một tình yêu Nha Trang. Song sự lan tỏa không chỉ có vậy. Trong thực tế sự lan tỏa một tình yêu Nha Trang bài bản hơn rất nhiều.

Tôi vẫn thường theo dõi và biết rằng nhiều năm rồi TP. Nha Trang được chọn để tổ chức nhiều cuộc họp của Trung ương và tỉnh Khánh Hòa cũng đăng cai (hoặc phối hợp đăng cai) những hội chợ triển lãm, những giải thi đấu thể thao, những cuộc thi sắc đẹp. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, lâu rồi có rất nhiều bài viết, hình ảnh, phim tài liệu về di tích, thắng cảnh của TP. Nha Trang nên độ lan tỏa của thành phố này đến du khách trong nước và quốc tế nhanh và mạnh hơn.

Nha Trang hay đúng hơn là Khánh Hòa có một đội ngũ văn nghệ sĩ khá nhiệt tình. Họ có thể đến từ nhiều miền quê khác hay đã sinh ra, lớn lên trên đất này rồi công tác, làm ăn ở nhiều nơi. Song họ luôn lưu giữ những ký ức đẹp về thành phố . Ngoài “sân nhà” là Tạp chí Văn nghệ Nha Trang, điều rất vui và thú vị là các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tạo cho họ một sân chơi qua những cuộc thi. Để rồi những tản văn, tùy bút, bút ký của họ dạt dào những cảm xúc được hình thành, rồi qua phương tiện truyền thông lan tỏa tình yêu Nha Trang đến công chúng bạn đọc, để hôm nay và mai sau nhiều người sẽ cảm nhận về vẻ đẹp của thành phố biển, rồi mến, rồi yêu.

Tôi vẫn hay lang thang trên YouTube, Facebook sau những giờ làm việc. Ở những trang này, tôi nhận ra có rất nhiều người bỏ công làm những clip, hình ảnh về TP. Nha Trang. Đó là Tháp Bà Ponagar trong mùa lễ hội, là vịnh biển xinh đẹp trong nắng sớm, mưa chiều; đó là con đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng tấp nập người xe; đó là những món ngon nồng vị biển và cả nhịp cần lao của người dân trong cuộc sống thường ngày. Điều thú vị là họ thật kiên trì và liên tục cập nhật, đem đến cho bạn đọc những thông tin, những rung cảm về thành phố, lan tỏa một tình yêu Nha Trang đến với nhiều người.

Tôi vẫn quen sống bằng cảm xúc. Nhớ Nha Trang thì về. Về rồi lại đi. Gặp phương tiện gì thì đi nấy, lúc tàu lửa, lúc xe đò. Có lần từ ga Nha Trang về một nhà khách trên đường Phạm Văn Đồng, tôi hỏi bác tài xe ôm: “Nha Trang mình nơi nào đẹp nhất?” Ông cười, đáp: “Một câu hỏi khó. Tùy sở thích của mình thôi. Nhưng với tôi thì Nha Trang nơi nào cũng đẹp”. Rồi sau đó, ông kể say sưa về Nha Trang những tháng năm chiến tranh, về sự thay đổi rất nhanh của thành phố với giọng nói và nụ cười hiền lành làm tôi chợt nhớ một câu nói đã thành phương châm: Mỗi công dân là một đại sứ du lịch.

CẨM THƯ

Quả thật, du khách tìm về Nha Trang là để thăm thú vịnh biển cùng các công trình, di tích văn hóa, lịch sử. Nhưng khi rời Nha Trang trở lại nơi mình sống, họ mang theo không chỉ có thế, mà còn là nét đẹp về ứng xử văn hóa, về tình người. Để một tình yêu Nha Trang được lan tỏa rất cần một chủ trương, một kế hoạch và sự đóng góp của nhiều thế hệ một cách thường xuyên liên tục bằng cả tình yêu. Được triển khai từ ngày 3-2-2024 nhân kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang (1924 - 2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (2009 - 2024), cuộc thi viết “Nha Trang - Ký ức và khát vọng” do Báo Khánh Hòa phối hợp với UBND TP. Nha Trang tổ chức sẽ khép lại vào ngày 30-11-2024. Trong thời gian diễn ra cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của bạn đọc trong và ngoài tỉnh chia sẻ những ký ức và bày tỏ những khát vọng về xây dựng TP. Nha Trang phồn vinh, hạnh phúc. Các bài tham gia dự thi có chất lượng, phù hợp với tiêu chí cuộc thi sẽ tiếp tục được Báo Khánh Hòa đăng tải đến hết ngày 30-11. Ban tổ chức xin khép lại cuộc thi này và một lần nữa cảm ơn độc giả trong và ngoài tỉnh đã quan tâm, tích cực hưởng ứng để cuộc thi trở thành một sân chơi đầy ý nghĩa, chia sẻ tình cảm của những ai yêu mến mảnh đất này.

BAN TỔ CHỨC

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/nha-trang-ky-uc-va-khat-vong/202411/lan-toa-mot-tinh-yeu-nha-trang-52b65fb/
Zalo