Ấn tượng phong cách nghệ thuật Ngô Xuân Bính tại triển lãm gốm 'Hiện linh'

'Hiện linh' là cuộc triển lãm gốm khá đặc biệt của Giáo sư, viện sĩ Ngô Xuân Bính, theo phong cách trừu tượng và bán trừu tượng, với những mảng màu và hình khối sáng tạo, phá cách.

Tác giả Ngô Xuân Bính và tác phẩm. Ảnh HL

Tác giả Ngô Xuân Bính và tác phẩm. Ảnh HL

Mạch nguồn không ngơi

Bắt đầu từ "Du và dội" (2017), "Niệm" (2019), “Ego người”,Thông linh” (2022) cho đến "Hiện linh" (2024) đều thể hiện quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc và một phong cách nghệ thuật độc đáo, không trùng lắp của Ngô Xuân Bính.

Các tác phẩm của ông dù thể hiện trên chất liệu gì đều kết hợp giữa nghệ thuật hiện đại và các giá trị truyền thống, như một mạch nguồn mãi tuôn chảy khôn nguôi. Người không chuyên sâu hội họa, điêu khắc sửng sốt vì sự đồ sộ của các tác phẩm, lại được trưng bày hơn 400 ngày. Dân trong nghề lại cảm nhận tư duy sâu sắc về nhân sinh quan và vũ trụ quan theo phong cách trừu tượng, bán trừu tượng, với những mảng màu, hình khối sáng tạo, phá cách.

Tưởng như triển lãm điêu khắc "Thông linh" giới thiệu 50 tác phẩm tượng được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như đá tự nhiên, gỗ, đồng với đa dạng kích cỡ và màu sắc, họa sĩ tài ba phải nghỉ ngơi vài năm để làm mới mình thì bất ngờ ông tham gia một lĩnh vực hoàn toàn mới, gốm.

Ông sử dụng kỹ thuật chạm, đắp nổi, thể nghiệm với men màu, tạo thành hình khối vững chắc thể hiện tác phẩm. Ảnh: TA

Ông sử dụng kỹ thuật chạm, đắp nổi, thể nghiệm với men màu, tạo thành hình khối vững chắc thể hiện tác phẩm. Ảnh: TA

Chia sẻ tại triển lãm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: "nếu phải nhận xét ngắn gọn, tôi chỉ có thể nói độc đáo và đồ sộ, triển lãm gốm "Hiện linh" tiếp tục là sự hòa quyện triết lý sống phương Đông với kỹ thuật và phong cách hội họa hiện đại của phương Tây. Chúng ta có thể bắt gặp thông điệp của tác giả tại từng chi tiết trên các tác phẩm gốm trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội".

Phong cách gốm của Ngô Xuân Bính được thể hiện như chính là bản thân ông, mộc mạc, khiêm tốn và đầy tinh tế. 200 tác phẩm được trưng bày tại "Hiện linh" là quá trình không ngừng sáng tạo trong vòng 18 tháng để thể nghiệm những khám phá mới về kỹ thuật, ý tưởng và men màu. Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị (địa chỉ đào tạo các họa sĩ gốm) cho biết: "Sức làm việc thật phi thường. Kết quả cũng thật phi thường."

Từ nguồn nguyên liệu gần gũi nhất của tự nhiên, Ngô Xuân Bính đã nghiên cứu, tìm tòi sử dụng kỹ thuật chạm, đắp nổi, thể nghiệm với men màu, tạo thành hình khối vững chắc. Xuyên suốt trong những sáng tác, người nghệ sĩ tài ba này mong muốn mang đến cho người xem cảm xúc tươi mới, trong trẻo, chia sẻ tình yêu cuộc sống. Quan trọng nhất, ông muốn tạo nguồn năng lượng mới, hướng tới những điều tốt đẹp cho người xem.

Nhiều tác phẩm của ông nặng hàng tấn, phải xử lý kỹ thuật rất khó. Ảnh: TA

Nhiều tác phẩm của ông nặng hàng tấn, phải xử lý kỹ thuật rất khó. Ảnh: TA

Khá nhiều tác phẩm, ông chọn phương pháp khái quát bố cục để chắt lọc hình tượng, đồng thời kết hợp sự chuyển biến của men màu với lửa sau quá trình nung, tạo nên những ẩn tàng về ý niệm. Chính vì thế, để mỗi người xem triển lãm của ông sẽ có những suy tưởng của riêng mình, thậm chí trái chiều nhau.

Bạn Đỗ Thị Hằng chia sẻ: "Tôi không hiểu nhiều về hội họa điêu khắc, không biết nhiều về mỹ thuật hay kỹ thuật làm gốm, nhưng những tác phẩm đặc biệt có một không hai trên thế giới của ông đã chạm đến cảm xúc của người ngoài đạo như tôi. Tôi cảm nhận được sự đam mê cống hiến nghệ thuật trong con người họa sĩ Ngô Xuân Bính như những dòng chảy của mạch nước nguồn tự nhiên trong lòng đất mẹ, không ngừng nghỉ, không biết mệt mỏi".

Trong quá khứ, có những tác phẩm của ông, theo năm tháng thời gian bỗng nhiên có một ngày, người xem bình luận bất ngờ, đầy ngẫu hứng, vượt khỏi ý tưởng ban đầu của chính tác giả. Đó cũng chính là sự độc đáo của phong cách sáng tác nghệ thuật Ngô Xuân Bính mà không phải nghệ sĩ nào cũng may mắn có được.

Nghệ sĩ đã kế thừa truyền thống gốm thời Lý-Trần. Ảnh TA

Nghệ sĩ đã kế thừa truyền thống gốm thời Lý-Trần. Ảnh TA

Từ lòng đất mẹ

Điều mà nhiều người đến xem triển lãm cảm nhận đó là nhờ bàn tay tài hoa của Ngô Xuân Bính, đất, nước, lửa giao hòa giữa đất trời Hà Nội. Gốm đã linh, như một dòng chảy nối từ quá khứ đến hiện tại, từ thế hệ này sang thế hệ khác, nối từ Á sang Âu....

"Người họa sĩ tài ba ẩn mình ở Ecopark bấy lâu đã miệt mài lao động khai thác hình ảnh long, li, quy, phượng, kế thừa gốm thời Lý - Trần để phát triển lên tầm cao mới. Đồng thời, ông đã mất nhiều tháng trăn trở, tạo nên những tác phẩm gốm nguyên khối có trọng lượng hàng tấn, điều mà hiếm người làm được." họa sĩ Hiền Lương nhận xét.

Nhiều nhà ngoại giao, chính khách, khách quốc tế đã tìm đến triển lãm. Ảnh: HL

Nhiều nhà ngoại giao, chính khách, khách quốc tế đã tìm đến triển lãm. Ảnh: HL

Triển lãm “hiện linh" kéo dài đến 31/12/2025 tại Bảo tàng Hà Nội.

Thảo Chi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/an-tuong-phong-cach-nghe-thuat-ngo-xuan-binh-tai-trien-lam-gom-hien-linh.html
Zalo