Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong từng hẻm nhỏ
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu đang ngày càng trở nên sống động. Những câu chuyện về Người thấm sâu vào đời sống của người dân qua từng con đường, ngõ hẻm...
Từ những nơi sinh hoạt cộng đồng
Đón chúng tôi tại nhà truyền thống “Vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bảy Hiền” (phường 11, quận Tân Bình, TPHCM), ông Huỳnh Kha, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, đang tranh thủ ghi lại danh sách những việc cần làm trong kế hoạch “Mừng Đảng, mừng Xuân” năm nay.
Trong hơn 60 năm gắn bó với phường 11, ông Huỳnh Kha đã trở thành một trong những người tích cực tham gia xây dựng và gìn giữ những giá trị văn hóa, đặc biệt là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại nhà truyền thống “Vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bảy Hiền” vào năm 2023.
Nhà truyền thống “Vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bảy Hiền” là nơi lưu giữ những kỷ vật, hình ảnh lịch sử của phường và là nơi thể hiện lòng biết ơn với các thế hệ đi trước, những người đã hy sinh vì độc lập, tự do cho đất nước. Trong không gian lịch sử ấy, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được chọn làm nơi xây dựng, trở thành một phần quan trọng trong quá trình tuyên truyền và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Nhiều trường học, tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức các buổi đến dâng hương và nghe giới thiệu về cuộc đời Bác Hồ, về vùng đất giàu truyền thống cách mạng Bảy Hiền cũng như những câu chuyện về Bác.
Còn ở phường 8, quận 10, TPHCM, sáng chủ nhật, tại “Ngày hội xóm tôi” - phiên chợ tái chế, người người, nhà nhà hào hứng tổng dọn vệ sinh đường phố, mang rác tái chế đến đổi lấy quà. Các em nhỏ cũng được cha mẹ dẫn đến để xem cách các ông bà, cô chú phân loại rác thải, hiểu được ý nghĩa của việc phân loại rác tái chế, bảo vệ môi trường.
Vừa tham gia các hoạt động, người dân vừa tham quan Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng tại tuyến hẻm 223 đường Nguyễn Tiểu La. Có được sự tham gia tích cực của người dân, một phần nhờ vào sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị phường 8 trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các tuyến hẻm trên địa bàn.
Bà Nguyễn Ngọc Bảo Quyên, Bí thư Đảng ủy phường 8, quận 10, cho biết, cuối năm 2021, phường bắt đầu xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cố định tại các trụ sở, cơ quan, đơn vị để trưng bày, triển lãm các hình ảnh, tác phẩm văn hóa nghệ thuật, câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mô hình này tích hợp công nghệ số, quét mã QR để nghe kể chuyện về Bác. Đến năm 2022, với mong muốn không chỉ các cơ quan, đơn vị hành chính - sự nghiệp có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh mà mô hình này cần được lan tỏa nhiều hơn đến người dân, phường 8 bắt đầu treo các pano, khẩu hiệu về câu nói, lời dạy của Bác Hồ tại các tuyến hẻm trên địa bàn phường.
Cùng với đó là thiết kế hình nền điện thoại thông minh từ các lời dạy của Bác. Năm 2023 và năm 2024, phường 8 tiếp tục cho ra mắt “Tuyến hẻm văn hóa Hồ Chí Minh”, trong đó có tiêu chí: 100% hộ dân đều có giá treo cờ đồng bộ, 100% hộ dân thực hiện phân loại rác, 100% hộ dân đạt chuẩn gia đình văn hóa; 100% người dân có chữ ký số và tham gia dịch vụ công trực tuyến...
Đến các khu nhà trọ
Từ khi được chọn làm điểm ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh vào tháng 10-2024, xóm trọ Cô Mươi (số 78/42 đường Trần Thị Trọng, phường 15, quận Tân Bình, TPHCM) của bà Trần Thị Mươi càng trở nên vui tươi và trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng đặc biệt.
Xóm trọ Cô Mươi có gần 50 phòng trọ với hơn 120 người cư trú, đa số là công nhân, lao động tự do. Cứ mỗi chiều vào lúc tan tầm hay ngày chủ nhật, những người thuê trọ tại đây cùng nhau tập trung tại khu vực trưng bày để trò chuyện, chia sẻ sau một ngày làm việc mệt nhọc. Những gia đình có con nhỏ thì quét mã QR, đọc những mẩu chuyện về Bác cho con nghe...
Bà Trần Thị Mươi chia sẻ, việc khu nhà trọ của bà được chọn làm nơi ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là điều xúc động, tự hào. Đây cũng là cơ hội quý giá để các anh chị em công nhân sống ở đây có thể tìm hiểu, học tập và làm theo Bác. Bà Mươi hy vọng rằng, thông qua không gian này, mọi người sẽ có ý thức hơn về việc rèn luyện đạo đức, giữ gìn tình đoàn kết trong cộng đồng.
Trước đó, phường 15, quận Tân Bình cũng đã cho ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với chủ đề “Bác Hồ với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn”, được đặt tại vị trí trang trọng trong khu nhà trọ Minh An (đường Nguyễn Phúc Chu).
Tại quận Tân Phú, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại khu nhà trọ của bà Nguyễn Thị Kim Liên (đường Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh) cũng trở thành nơi trưng bày ấn tượng với các hình ảnh và hàng trăm đầu sách, tư liệu, câu nói, tác phẩm nổi tiếng… về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu thông qua mã QR. Sau thời gian làm việc vất vả, công nhân, người lao động đã có cho mình một điểm sinh hoạt văn hóa ý nghĩa, góp phần giúp vơi bớt những khó khăn, áp lực của cuộc sống mưu sinh.
Tuyến hẻm 223 đường Nguyễn Tiểu La đã được công nhận là tuyến hẻm văn hóa Hồ Chí Minh. Bà Đinh Thị Ngọc, Bí thư Chi bộ khu phố 2, phường 8, quận 10, chia sẻ, để được công nhận là tuyến hẻm văn hóa Hồ Chí Minh, cần đáp ứng 16 tiêu chí do Đảng ủy phường đề ra. Ở đây, những câu chuyện về tình làng nghĩa xóm đang âm thầm lan tỏa trong cộng đồng.