Làn sóng cấm DeepSeek lan rộng và bài toán làm chủ cuộc đua công nghệ

Do lo ngại về bảo mật dữ liệu, ngày càng có nhiều quốc gia thắt chặt các quy định liên quan đến nền tảng chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên R1 của công ty khởi nghiệp DeepSeek phát triển.

Biểu tượng của Deepseek. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Biểu tượng của Deepseek. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tuy nhiên, làn sóng cấm DeepSeek lan rộng cũng đặt ra cho các nước bài toán chiến lược trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.

Hồi tháng 1 vừa qua, công ty DeepSeek của Trung Quốc đã làm đảo lộn ngành công nghệ toàn cầu và "xóa sổ" hàng tỷ USD khỏi giá trị cổ phiếu của các công ty công nghệ Mỹ trên thị trường chứng khoán, sau khi ra mắt chương trình R1. Đáng chú ý, mô hình AI này được cho là vận hành dựa trên chip bán dẫn của Nvidia vốn có chi phí thấp hơn nhưng vẫn đạt hiệu suất cao.

Thế nhưng, từ châu Âu đến châu Á, chính phủ nhiều nước đã có các biện pháp nhằm kiểm soát và hạn chế mô hình của DeepSeek với lý do bảo vệ dữ liệu trước nguy cơ bị rò rỉ.

Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu mở cuộc điều tra và tạm thời chặn ứng dụng này sở hữu dữ liệu của người dùng Italy. Tại Hàn Quốc, nhiều cơ quan chính phủ, bao gồm Bộ Quốc phòng và Bộ Thống nhất, đã cấm mô hình của DeepSeek trên các hệ thống máy tính do lo ngại về bảo mật dữ liệu.

Trong bước đi mới nhất, ngày 18/2, chính quyền quốc gia Đông Bắc Á này cũng thông báo sẽ tạm gỡ bỏ mô hình AI của DeepSeek trên các nền tảng phân phối ứng dụng ở nước này trong khi chờ cơ quan chức năng Hàn Quốc đánh giá cách thức DeepSeek xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng. Australia cũng có những bước đi tương tự.

Tại Mỹ, các nghị sĩ đã đưa ra dự thảo “Đạo luật Không có DeepSeek trên thiết bị của chính phủ”, quy định cấm toàn bộ các nhân viên liên bang sử dụng DeepSeek trên các thiết bị do chính phủ cấp. Trong đó, nghị sĩ Darin LaHood gọi DeepSeek coi ứng dụng của DeepSeek là "mối đe dọa an ninh quốc gia đáng báo động". Chính quyền bang Texas, Virginia và New York cũng ban hành lệnh cấm sử dụng DeepSeek trên các thiết bị của chính phủ.

DeepSeek có điều khoản cung cấp dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba, tương tự ChatGPT của OpenAI. Tuy nhiên, giới chuyên gia chỉ rõ rằng nếu như các công ty của Mỹ thường phản đối yêu cầu của chính phủ về việc cung cấp dữ liệu, thì ở Trung Quốc, các công ty lại có nghĩa vụ cung cấp dữ liệu người dùng khi chính phủ yêu cầu.

Giáo sư Youm Heung Youl của Đại học Soonchunhyang (Hàn Quốc) giải thích chính sự khác biệt trong cách tiếp cận quyền riêng tư giữa phương Tây và Trung Quốc định hình mức độ tin cậy của các quốc gia đối với DeepSeek.

Chính sách bảo mật của DeepSeek cũng cho phép thu thập dữ liệu về "cách thức hoặc nhịp điệu gõ phím" của người dùng nhằm phân tích hành vi tương tác của từng người dùng.

Trước lo ngại từ nhiều quốc gia, Trung Quốc cho rằng các lệnh cấm nói trên không phản ánh mối quan ngại chính đáng của các nước về vấn đề an ninh và bảo mật dữ liệu, mà là những biện pháp mang tính chính trị trong cuộc cạnh tranh về kinh tế, thương mại và công nghệ hiện nay. Chính phủ Trung Quốc khẳng định không bao giờ yêu cầu các doanh nghiệp hoặc cá nhân thu thập hoặc lưu trữ dữ liệu bất hợp pháp.

Theo Giáo sư Park Seung Chan thuộc Đại học Yongin (Hàn Quốc), DeepSeek chính thức ra đời vào tháng 5/2023 và việc ra mắt ứng dụng R1 dường như quá chóng vánh. Tuy nhiên, giới chuyên gia đã chỉ ra sự phát triển công nghệ của Trung Quốc khi nước này đầu tư lớn vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) từ nhiều năm qua.

Theo dữ liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, Trung Quốc hiện là nhà đầu tư R&D lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, với mức tăng trưởng gấp 11 lần trong một thập kỷ qua. Vì vậy, Giáo sư Park cho rằng các nước khác cần tăng cường đầu tư vào lĩnh vực phần mềm nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua AI toàn cầu.

Hà Ngọc (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/lan-song-cam-deepseek-lan-rong-va-bai-toan-lam-chu-cuoc-dua-cong-nghe-20250218143643323.htm
Zalo