Lần đầu tiên 'đột kích' xưởng thực hành, học sinh thích thú ngành kỹ thuật
Tiếng máy móc ồn ào song lại tạo thích thú cho các em học sinh lần đầu tiên 'đột kích' xưởng thực hành kỹ thuật.
Với mong muốn giúp học sinh hình dung rõ hơn về các ngành nghề sau khi tốt nghiệp THPT, Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (Bến Tre) đã tổ chức chuyến tham quan, tìm hiểu môi trường đào tạo nghề tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (quận 1). Hoạt động diễn ra trong không khí hào hứng, cởi mở, thu hút hơn 150 học sinh tham gia vào sáng 12-4.

Học sinh THPT tham quan xưởng thực hành cùng các anh, chị sinh viên

Giảng viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng giới thiệu về trường và những ngành mũi nhọn
Học sinh được chia thành 6 nhóm nhỏ để tham quan thực tế tại các khoa/bộ môn: Cơ khí, cơ khí động lực, công nghệ nhiệt lạnh, công nghệ thông tin, điện – điện tử và kinh tế. Tại đây, các em được trực tiếp quan sát xưởng thực hành, thiết bị giảng dạy, đồng thời được thầy, cô thông tin về đặc điểm từng ngành học, yêu cầu đầu vào và nhu cầu tuyển dụng.
Thầy Nguyễn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, cho biết việc tổ chức hoạt động hướng nghiệp thông qua tham quan thực tế là bước đi cụ thể để giúp học sinh biết được đam mê của mình. Nhờ vậy, các em sẽ mạnh dạn đăng ký ngành nghề yêu thích.
"Nhiều phụ huynh nghĩ rằng con phải đậu ĐH thì mới thành công. Tuy nhiên, hiện nay, xu hướng học nghề ở trung cấp, CĐ được nhiều người lựa chọn. Bởi lẽ, đây là hệ đào tạo chú trọng thực hành, ứng dụng thực tiễn và va chạm ngành nghề sớm hơn ĐH. Rất nhiều doanh nhân thành đạt, kỹ sư lành nghề tốt nghiệp từ môi trường CĐ" - thầy Vinh nhấn mạnh.
Em Trọng Tín, học sinh Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, hào hứng nói: "Em rất ấn tượng với các phòng thực hành hiện đại và cách giảng viên hướng dẫn tận tình. Sau buổi tham quan, em sẽ cân nhắc theo học ngành công nghệ ôtô tại trường này"

Lần đầu tiên trải nghiệm thực hành, nam sinh bắt đầu yêu thích những ngành kỹ thuật
Theo đại diện Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, đây là hoạt động định kỳ nhằm thúc đẩy công tác hướng nghiệp, giúp học sinh tiếp cận đa dạng lựa chọn học tập sau tốt nghiệp THPT, đặc biệt là các mô hình đào tạo nghề chất lượng cao.
Hoạt động trải nghiệm lần này đã giúp học sinh đã có cơ hội bước ra khỏi lớp học, tiếp xúc với môi trường nghề nghiệp thực tế – điều mà không một cuốn sách giáo khoa nào có thể thay thế. Đây không chỉ là hoạt động hướng nghiệp mà còn là lời nhắn gửi: "Thành công không nằm ở tấm bằng nào mà ở sự phù hợp, đam mê và khả năng làm việc thực sự".