Vẫn còn những lớp học thêm 'miễn phí' nhưng đóng tiền theo nhiều cách
Tại một số cơ sở giáo dục, dù tổ chức các lớp học miễn phí theo đúng tinh thần của Thông tư 29, nhưng vẫn có hình thức 'tự nguyện' đóng tiền hỗ trợ kinh phí cho nhà trường, giáo viên…
Sau gần 2 tháng Thông tư 29 về dạy thêm học thêm có hiệu lực, Bộ GD-ĐT đánh giá, các địa phương đã tích cực, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư, bên cạnh ngành giáo dục và các cơ quan quản lí chuyên môn còn có sự huy động của lực lượng chính quyền các cấp của địa phương, các sở, ban ngành khác liên quan.
Thông tư số 29 đã nhận được sự đồng thuận cao và quan tâm đặc biệt của xã hội, nên được nắm bắt nhanh chóng và được triển khai kịp thời, đáp ứng mong mỏi của xã hội. Các địa phương, nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh nhận thức rõ thêm về hệ lụy, tác hại của dạy thêm, học thêm tràn lan.

Sau gần 2 tháng triển khai, dù đạt được nhiều kết quả, song tại một số địa phương vẫn có tình trạng "lách luật" Thông tư 29 (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục, vẫn tồn tại những hình thức dạy thêm, học thêm “trá hình”. Dù tổ chức các lớp học miễn phí theo đúng tinh thần của Thông tư 29, nhưng vẫn có hình thức “tự nguyện” đóng tiền hỗ trợ kinh phí cho nhà trường, giáo viên… Một số trường lại liên kết với các trung tâm, giới thiệu học sinh ra ngoài học thêm, nhưng người dạy vẫn là giáo viên trong trường…
Cô H.T.T, giáo viên một trường THCS tại Hà Nội cho biết, các lớp ôn thi cho học sinh lớp 9 vào lớp 10 được dạy miễn phí theo đúng tinh thần của Thông tư 29. Hầu hết học sinh đều đăng ký học, tuy nhiên, sau đó giáo viên chủ nhiệm lại thông báo phụ huynh có một phong bì cảm ơn giáo viên dạy các lớp trên và một khoản bồi dưỡng cho công tác quản lý của nhà trường.
Cô H.T.T cho rằng, thực tế không phải phụ huynh nào cũng sẵn sàng tham gia các lớp học thêm tự nguyện và cảm ơn tự nguyện theo cách này, nhưng vì tâm lý không muốn con mình bị "chú ý" đặc biệt, nhiều người vẫn chấp nhận cho con đi học và nộp tiền theo cách trên. Như vậy, dù đã có quy định, nhưng bản chất phụ huynh vẫn phải trả phí cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Chị Đ.T.M, phụ huynh một trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, một số giáo viên trong trường liên kết thành lập trung tâm, nhờ người đứng tên hộ, sau đó phát phiếu đăng tự nguyện học cho học sinh của mình. Hầu hết các giáo viên tại trung tâm này đều là giáo viên trong trường, với từng bộ môn sẽ có danh sách giáo viên kèm theo để học sinh tự chọn.
Chị Đ.T.M cho rằng, khi đã được giáo viên "gợi ý" tận nơi, nhiều phụ huynh, học sinh vẫn đăng ký cho con theo học.
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, tại các địa phương vẫn có tình trạng các trường “xi nhan” để học sinh ra học tại các trung tâm liên kết với nhà trường, trong đó chủ yếu vẫn là giáo viên của trường giảng dạy nhằm “lách luật” Thông tư 29.
Anh N.M.K (Cầu giấy, Hà Nội) cho biết, mới đây nhà trường thông báo học sinh có thể đăng ký học thêm tại một trung tâm ngay gần trường, do giáo viên trong trường trực tiếp giảng dạy, nhưng mức học phí đã cao hơn nhiều so với trước đây.
Theo anh N.M.K, dù là tự nguyện, nhưng bản chất học sinh vẫn học giáo viên của trường và chịu mức học phí cao hơn, do phải cộng thêm các chi phí về địa điểm, thuế phí khác…
Hay mới đây, một nhóm phụ huynh có con học trên địa bàn TP Nam Định, tỉnh Nam Định gửi đơn thư tới lãnh đạo Bộ GD-ĐT phản ánh về dấu hiệu vi phạm quy định dạy thêm - học thêm tại một số trường học ở địa phương này.
Trong đơn, nhóm phụ huynh bày tỏ niềm vui và đồng tình cao khi từ ngày 14/2/2025, Thông tư 29/2024 của Bộ GD-ĐT về quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm có hiệu lực thi hành. Điều này giúp khắc phục tình trạng học sinh bị giáo viên ép học thêm dưới nhiều hình thức.
Song thời gian gần đây tại TP Nam Định xuất hiện tình trạng một số giáo viên tư vấn, động viên và hướng học sinh của mình ra trung tâm dạy thêm bên ngoài rồi hoán đổi giáo viên nhằm "lách luật". Số tiền mà phụ huynh học sinh phải bỏ ra cao hơn trước đây do còn phải chi trả một phần cho trung tâm gây bức xúc dư luận.
Sở GD-ĐT Nam Định cho biết, đơn vị đã tiếp nhận thông tin và giao Thanh tra Sở GD-ĐT khẩn trương vào cuộc, phân loại và xử lý đơn thư của công dân theo quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng thừa nhận, sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, số lượng trung tâm, hộ kinh doanh dạy thêm tăng rất nhiều, mức giá cũng cao hơn. Sau một thời gian triển khai Thông tư 29 đã có những tác động tích cực đến ngành giáo dục như tăng tính tự chủ, tự học, giúp các trường chủ động triển khai kế hoạch giáo dục năm học…
Ước tính có khoảng 15.000 trung tâm và hộ kinh doanh có liên quan đến dạy thêm được thành lập, mức thu phí học thêm có phần cao hơn rất nhiều so với trước đây, dù là tự nguyện. Số trung tâm dạy thêm tăng nhanh cũng gây áp lực lên công tác kiểm tra, thanh tra trong khi nguồn nhân lực cho công tác này không tăng.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng, một trong những khó khăn khi triển khai Thông tư 29 hiện nay là chưa quy định chế tài xử lý vi phạm về dạy thêm, học thêm, Bộ cần sớm có hướng dẫn để các địa phương có cơ sở thực hiện.
Tại TP.HCM, để hoạt động dạy thêm học thêm theo đúng tinh thần Thông tư 29, Sở Giáo dục và Đào tạo chính thức triển khai cổng thông tin quản lý về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố.
Một trong những tính năng nổi bật của hệ thống quản lý dạy thêm, học thêm là giúp cơ quan quản lý rà soát thông tin đối với từng trường hợp giáo viên, trung tâm dạy thêm vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, quản lý số lượng, thông tin cơ bản của các trung tâm dạy thêm, danh sách giáo viên, học sinh tham gia dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Cổng thông tin quản lý dạy thêm, học thêm là công cụ giúp Sở GD-ĐT theo dõi và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, hỗ trợ UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện tại TP.HCM quản lý thông tin chi tiết, giám sát hoạt động của các trung tâm dạy thêm trên địa bàn; đồng thời giúp các trường học theo dõi, quản lý thông tin giáo viên đăng ký dạy thêm.
Nói về quy định dạy thêm học thêm theo Thông tư 29, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đã có một kênh tiếp nhận phản ánh về những hình thức dạy học biến tướng của học thêm, dạy thêm để xác minh, xử lý. Bộ Hoan nghênh các đơn vị, các Sở GD-ĐT đã quyết liệt, đúng tinh thần không đánh trống bỏ dùi, làm cương quyết, làm thường xuyên.
“Chấm dứt dạy thêm học thêm, bây giờ không còn là dự lệnh nữa, mà phải trở thành mệnh lệnh của toàn ngành. Đó là mệnh lệnh về tinh thần trách nhiệm, mệnh lệnh vì chất lượng học sinh, mệnh lệnh để giáo dục học sinh phát triển toàn diện, mệnh lệnh thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, theo yêu cầu chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đưa giáo dục trở lại đúng nguyên lý của giáo dục vốn có, trả lại tuổi thơ cho các em học sinh.
Công tác này phải hết sức kiên trì, bền bỉ. Trước mắt sẽ có rất nhiều khó khăn nên chúng ta phải thường xuyên thông tin, cập nhật, phải có quan điểm rõ ràng, có phương pháp làm việc phù hợp, thấu lý đạt tình, kiên quyết, chưa vội hài lòng với kết quả đạt được, mà tiếp tục lắng nghe, tiếp tục phối hợp với các Sở, cùng với Bộ để chăm lo tốt cho công việc này”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định.