Lần đầu tiên công bố tổng quan hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết lần đầu tiên sẽ công bố báo cáo tổng quan Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tại Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Techfest) 2024...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Diễn ra tại Hải Phòng diễn ra từ ngày 26- 28/11/2024, với tinh thần "Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, Techfest 2024 nhằm truyền cảm hứng và tôn vinh thành tựu nổi bật của hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong doanh nghiệp và toàn xã hội; tổng kết đánh giá hành trình 10 năm hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và định hướng phát triển hệ sinh thái trong giai đoạn mới;

Qua đó tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng từ các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy khả năng thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, nguồn nhân lực công nghệ, quỹ đầu tư, chuyên gia trong nước và quốc tế. Đặc biệt, lần đầu tiên, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ công bố báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

MÔ HÌNH GỌI VỐN, ĐẦU TƯ MẠO HIỂM TRÊN THỊ TRƯỜNG CÓ SỰ CHUYỂN DỊCH

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết thời gian qua hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.

Năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink. Hà Nội và TP.HCM lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.

Từ năm 2017 đến nay, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 44 năm 2024. Kết quả GII 2024 của Việt Nam có ba chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó lần đầu tiên có chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.

Thị trường đầu tư mạo hiểm hiện vẫn đang ở trong giai đoạn rất khó khăn và đang có sự chuyển dịch.

Thị trường đầu tư mạo hiểm hiện vẫn đang ở trong giai đoạn rất khó khăn và đang có sự chuyển dịch.

Bên cạnh đó, đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam có xu hướng phát triển tốt thể hiện qua Chỉ số số thương vụ đầu tư mạo hiểm cải thiện từ thứ hạng 77 năm 2022 lên thứ hạng 50 năm 2024, Chỉ số số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm từ thứ hạng 54 năm 2021 lên vị trí 44 năm 2024.

Thông tin về quy mô và thu hút vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam thời gian qua, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết từ khi diễn ra đại dịch Covid-19 đến nay, cả thế giới bước vào mùa đông gọi vốn. Đây là tình trạng chung, trong đó rất nhiều quỹ đầu tư lớn và startup công nghệ đã phá sản ở tất cả các quốc gia.

Do đó, mô hình gọi vốn trước đây đã có sự chuyển hướng, các trung tâm đầu tư mạo hiểm cũng có sự chuyển dịch, dồn vào những nước có dầu mỏ, mỏ vàng, trở thành trung tâm đầu tư mạo hiểm cho các startup; còn các quốc gia khác gặp khó khăn.

Trong bối cảnh đó, dòng vốn đầu tư từ chính phủ đang tăng lên rất mạnh mẽ, để trợ giúp cho sự đứt gãy của của các nguồn cung cấp vốn. Hầu hết các nước châu Âu đều có chương trình hỗ trợ vốn của Chính phủ. cho các startup.

Còn tại châu Á, hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển dựa trên tri thức, đổi mới sáng tạo đều có những chương trình hỗ trợ. Ví dụ như Trung Quốc đã thành lập rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm ở cấp quốc gia và cấp địa phương để hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Có thể thấy thị trường đầu tư mạo hiểm hiện vẫn đang ở trong giai đoạn rất khó khăn và đang có sự chuyển dịch.

KHẢ NĂNG CHỐNG CHỊU CỦA HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP VIỆT NAM

Ở thị trường Việt Nam, ông Quất cho hay trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng, giải quyết được nhiều bài toán cụ thể. Cùng với thể chế chính sách, việc đối phó với dịch Covid-19 có sự đóng góp của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.

Bên cạnh đó, ngay sau đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn giữ được dòng vốn đầu tư từ cả trong nước và nước ngoài. Các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn rót vốn vào các startup Việt Nam ở tất cả các lĩnh vực từ thương mại, du lịch, đào tạo, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục với các giải pháp đào tạo trực tuyến. Các nền tảng công nghệ của Việt Nam được đánh giá rất cao.

Các giải pháp công nghệ thương mại điện tử gắn với logistics, các nền tảng mua bán trực tuyến của các startup công nghệ Việt Nam vẫn gọi được vốn khá cao. Bên cạnh đó, các nền tảng y tế, chăm sóc sức khỏe cũng thu hút được nhiều vốn từ các nhà đầu tư…

Theo đánh giá, trong năm 2024 bức tranh phát triển, đầu tư khởi nghiệp ở nhiều nước sẽ tiếp tục suy giảm mạnh và nặng hơn năm 2023 và được coi là “giai đoạn ngấm hậu quả”. Do đó, ở hầu hết các diễn đàn khi bàn về vấn đề này đều nhắc đến cụm từ “chống chịu’ như thế nào.

Còn ở Việt Nam, khả năng chống chịu vẫn khá tốt, hệ sinh thái vẫn hình thành và các trung tâm vẫn phát triển. Tuy nhiên, ông Quất cũng nhấn mạnh khả năng gọi vốn ngoại khó khăn hơn so với trước đây.

Theo thống kê (có công bố), trong 9 tháng đầu năm, có 38 thương vụ đầu tư rót vốn vào các startup khởi nghiệp của Việt Nam, với tổng mức đầu tư khoảng 372 triệu USD.

“Đây là con số đầu tư rất cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Bởi thực tế việc gọi vốn ở hầu hết các thị trường âm hoặc không dương”, ông Quất đánh giá.

Mặc dù số vốn đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng có giảm hơn so với năm 2023 (khoảng hơn 520 triệu USD) nhưng dự báo kỳ vọng từ giờ tới cuối năm có thể mức vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam sẽ đạt được tương đương năm 2023. “Đây là một nỗ lực rất lớn của hệ sinh thái nói chung cũng như của các startup nói riêng”, ông Quất đánh giá.

Hiện nay, thị trường đang bước sang giai đoạn hấp dẫn các nguồn lực khác để tạo thêm bệ phóng cho các startup chinh phục các quỹ lớn, thị trường lớn hơn.

Cục Phát triển thị trường Khoa học Công nghệ kỳ vọng Techfest tại Hải Phòng năm 2024 sẽ là một điểm hấp dẫn lớn với không chỉ các startup hệ sinh thái thế giới mà còn hấp dẫn các nguồn lực mới cho Việt Nam, mở đường mới cho phát triển thị trường đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam thời gian tới.

Nhĩ Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lan-dau-tien-cong-bo-tong-quan-he-sinh-thai-khoi-nghiep-sang-tao-viet-nam.htm
Zalo