Lầm tưởng về vitamin D dẫn tới bổ sung không đúng cách
Vitamin D là một chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể, được sản xuất qua da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, qua thực phẩm và chất bổ sung. Thiếu hoặc thừa vitamin D đều có hại...
Dưới đây là một số lầm tưởng phổ biến về vitamin D, dẫn tới tình trạng thiếu hụt hoặc thừa chất dinh dưỡng này:
1. Cho rằng càng nhiều vitamin D thì càng tốt
Thông thường, liều dùng cho người lớn từ 19 đến 70 tuổi là 15 mcg (600 IU) và người lớn từ 71 tuổi trở lên là 20 mcg (hoặc 800 IU). Giới hạn tối đa hàng ngày là 4.000 IU đối với người từ 9 tuổi trở lên.
Nếu bổ sung vitamin D nhiều hơn liều thông thường có thể gây ngộ độc. Vitamin D làm tăng khả năng hấp thụ canxi, do đó dùng quá liều có thể gây tích tụ canxi trong cơ thể. Các triệu chứng ngộ độc vitamin D bao gồm: Buồn nôn, nôn, đi tiểu thường xuyên, yếu, đau xương và đau thận.
2. Phơi nắng giúp cơ thể sản xuất đủ vitamin D
Vitamin D được sản xuất khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, một số yếu tố như mùa, thời gian trong ngày, lượng mây che phủ, sắc tố da và kem chống nắng… có thể ảnh hưởng đến sự tổng hợp vitamin D. Do đó, chỉ phơi nắng cũng chưa thể cung cấp đủ nhu cầu vitamin D hàng ngày mà cần bổ sung qua thực phẩm hoặc chất bổ sung để bù đắp cho sự thiếu hụt này.
3. Bổ sung qua thực phẩm là đủ
Việc bổ sung vitamin D chỉ thông qua thực phẩm thường khó khăn vì rất ít loại thực phẩm có chứa đủ vitamin D.
Thực phẩm phổ biến nhất chứa vitamin D là trứng, pho mát, thực phẩm tăng cường như sữa, ngũ cốc và nấm portobello. Những thực phẩm này chỉ cung cấp một phần nhỏ giá trị hàng ngày vitamin D. Ví dụ, một quả trứng lớn cung cấp 1,1 mcg (44 IU), cung cấp 6% giá trị hàng ngày. Ngũ cốc tăng cường vitamin D cung cấp 2 mcg (80 IU), khoảng 10% giá trị hàng ngày. Lượng vitamin này quá ít so với nhu cầu hàng ngày của cơ thể.
Do đó, cần kết hợp với việc hấp thụ vitamin D thông qua ánh sáng mặt trời, dùng thực phẩm bổ sung mới có thể đảm bảo đủ lượng vitamin D cần thiết.
4. Thiếu vitamin D chỉ ảnh hưởng đến xương
Vitamin D có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa xương, ngăn ngừa các bệnh như loãng xương, còi xương. Tuy nhiên, vitamin D còn đảm bảo hoạt động của cơ và hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, virus, đồng thời ngăn ngừa sự phát triển của nhiều bệnh mạn tính và ung thư.
5.Nếu không có triệu chứng thì không có sự thiếu hụt
Thiếu hụt vitamin D thường không có triệu chứng. Khi các triệu chứng xuất hiện (mệt mỏi, ngủ không ngon, đau nhức xương, rụng tóc, yếu cơ…) thì tình trạng thiếu hụt vitamin D đã nặng hơn và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm (rối loạn khoáng hóa xương, gãy xương, suy giảm miễn dịch...).
6. Nhu cầu vitamin D là như nhau
Nhu cầu vitamin D ở mỗi người là khác nhau, không những thế, liều điều trị và liều phòng ngừa cũng khác nhau.
Liều lượng vitamin D trung bình hàng ngày cho trẻ dưới 1 tuổi là 400 IU; người lớn là 400-800 IU. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai nhu cầu cao hơn, cần bổ sung 1.000 đến 2.000 IU vitamin D mỗi ngày.
Cách duy trì mức vitamin D khỏe mạnh:
- Dành đủ thời gian dưới ánh nắng mặt trời: Tắm nắng khoảng 30 phút/ngày vào thời điểm thích hợp.
- Ăn thực phẩm giàu vitamin D.
- Bổ sung vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Kiểm soát cân nặng: Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo và được lưu trữ trong mô mỡ. Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao bị thiếu hụt vitamin D.
- Kiểm soát các bệnh lý làm giảm khả năng hấp thụ vitamin D, như tổn thương gan, xơ nang…
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể giúp phát hiện tình trạng thiếu hụt vitamin D.