Làm thế nào để lật tẩy kiểu người xin lỗi ngoài miệng chứ không hề thật lòng?

Người đạo đức giả hay tỏ vẻ tử tế luôn chuẩn bị sẵn câu xin lỗi trên môi, nhưng cách họ nói ra không hề thật lòng. Chúng ta có thể bỏ qua một lần, nhưng chắc chắn phải nhận biết được kiểu cư xử thiếu thành ý này để đề phòng và tránh xa.

Hở chút là xin lỗi nhưng lời nói đầy giả tạo

Thực sự có rất ít, thậm chí không có miếng hối tiếc nào trong cách xin lỗi này. Trên thực tế, những người hở chút là xin lỗi, nhưng luôn nói vậy để cho xong, cho qua chuyện sẽ luôn khiến bạn cảm thấy tức giận và bị xúc phạm nhiều hơn.

Nhưng khi bạn nhất quyết không bỏ qua và làm đến cùng, thì họ sẽ nói với cả thế giới rằng họ đã xin lỗi ngay lúc đó rồi. Bằng cách này, họ đã vô hiệu hóa sự vùng vẫy của bạn và làm mờ đi những tổn thương, thiệt hại họ đã gây ra. Để nhẹ nhõm hơn, không có cách nào để hóa giải ngoại trừ việc giã từ mối quan hệ này mãi mãi.

“Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi, được chưa?” chắc chắn không phải là dấu hiệu của sự hối lỗi chân thành

Sự hối tiếc thực sự là khi chúng ta lắng nghe cảm xúc và đặt mình vào vị trí của người bị thiệt hại để biết nó khó chịu cỡ nào. Đó là lúc chúng ta hiểu rằng lời xin lỗi là điều tối thiểu phải có để xoa dịu phần nào, chứ nó hoàn toàn không thể giải quyết hay bù đắp được gì cho đối phương. Những ai hay thêm “được chưa?” vô câu xin lỗi chắc chắn là người không nghĩ đến người khác và tỏ vẻ trịch thượng.

Xin lỗi thì ít mà giải thích cho bản thân thì nhiều

Kiểu xin lỗi kèm một tràng giải thích cho bản thân giống như một nỗ lực để thoát tội hơn là muốn tìm kiếm sự tha thứ. Những người hay phân bua thường có thói quen đặt bản thân mình lên trên hết, kể cả khi họ gây ra lỗi lầm và thiệt hại cho ai đó thì người này vẫn bị xếp sau. Họ luôn ưu tiên thanh minh, giải thích sao cho mình trắng tội, thay vì nỗ lực hiểu và xin lỗi một cách chân thành vì sự khó chịu đã gây ra.

Làm sai mà còn hay ra điều kiện

Trên thế giới này kiểu người nào cũng có, vì vậy chắc hẳn sẽ có lúc bạn gặp phải kiểu người đã làm sai, mà còn ra điều kiện như thế này với như thế kia thì họ mới xin lỗi công khai. Cách giải quyết vấn đề này không thể coi như sự biết lỗi thật sự, mà nó giống như một sự mặc cả hơn. Đó là phải trả một mức giá nhất định để nghe lời xin lỗi từ người đã xúc phạm, gây tổn thương, thiệt hại cho mình.

Xin lỗi vì ai đó bảo họ nên làm vậy

Chúng ta đều là những người trưởng thành, không ai mong muốn nhận một lời xin lỗi từ người mà phải có ai đó bảo họ nên làm vậy thì họ mới làm. Có những người lúc đầu không nhận ra lỗi lầm của mình, nhưng khi được người khác phân tích và khuyên giải thì họ đã hiểu ra và hối hận vì hành động của mình, lời xin lỗi được thốt ra vì chính họ đã hiểu chuyện và mong cầu sự tha thứ.

Nhưng có những người hoàn toàn không hiểu vấn đề và chỉ xin lỗi hình thức, lỗi đã gây ra dù lớn dù nhỏ cũng đã phạm vào giới hạn của người khác, thà im lặng khi không cảm thấy hối lỗi, còn hơn đi xin lỗi mà không thật tâm.

Ái Ái - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/lam-the-nao-de-lat-tay-kieu-nguoi-xin-loi-ngoai-mieng-chu-khong-he-that-long-post1715192.tpo
Zalo