Làm rõ phạm vi điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, sáng nay, 14.2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quy định bao quát hơn về xử lý tài sản sau sắp xếp

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc ban hành Nghị quyết để thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương quan trọng của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Kết luận số 121-KL/TW của Hội nghị Trung ương khóa XIII tháng 1.20225 và các kết luận của Bộ Chính trị, của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã cơ bản tính toán, bao quát được các vấn đề có thể phát sinh trong thực tiễn, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) dành sự quan tâm đến vấn đề xử lý tài sản sau sắp xếp.

 ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo đại biểu thời gian vừa qua, trong quá trình tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã cho thấy nhiều vướng mắc ở địa phương. Trong khi đó, hiện nay số lượng các cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp rất lớn, khối lượng tài sản cũng rất lớn.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng chỉ rõ, hiện nay đã có Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151 và gần đây nhất là Nghị định số 03/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất nhưng cũng chưa đủ để bao chứa hết.

“Chẳng hạn như tài sản được hình thành trong tương lai nằm trong các dự án, đề án mà chủ đầu tư là những cơ quan đang trong diện sắp xếp. Vậy trách nhiệm đặt ra cho cơ quan là chủ đầu tư khi được chuyển giao cho các cơ quan mới như thế nào cũng cần được tính toán đến để các tài sản này được xử lý một cách hợp lý”, đại biểu Nguyễn Minh Đức nói.

Sửa đổi quy định về số lượng cấp phó

Về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) tán thành với đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật là đề nghị quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành ngay từ khi được Quốc hội thông qua để tạo cơ sở pháp lý càng sớm càng tốt cho các cơ quan từ trung ương đến địa phương thực hiện việc sắp xếp và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sẵn sàng đi vào hoạt động ngay từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước bởi hiện tại cũng đã có một số cơ quan công bố và chính thức thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo các phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Trần Nhật Minh nêu thực tế, hiện nay để thực hiện nhiệm vụ quyết định thành lập các bộ, cơ quan trung ương thuộc UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp huyện phải ban hành các nghị quyết. Nhưng xét về căn cứ pháp lý, các nghị định của Chính phủ về tổ chức các cơ quan trung ương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện vẫn còn hiệu lực pháp luật, chưa được sửa đổi, bổ sung theo mô hình tổ chức bộ máy mới.

Để áp dụng các văn bản của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ về bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tổ chức các cơ quan trung ương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện thì phải chờ Nghị quyết của Quốc hội ban hành. Do đó, nếu thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là từ ngày 1.3.2025, theo đại biểu Trần Nhật Minh là muộn, chưa đáp ứng được mục đích khi xây dựng Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật trong điều kiện chưa thể sửa đổi, bổ sung số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật.

 Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết, một số đại biểu nhận thấy, khoản 1 và khoản 2 chưa làm rõ việc cơ quan mới được tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có thể sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ mới như thế nào trong phạm vi pháp luật cho phép. Điều này có thể gây ra tình trạng chồng chéo hoặc thiếu nhất quán giữa các cơ quan sau sắp xếp. Khoản 3 quy định “chậm nhất sau 5 năm phải giảm số lượng cấp phó theo đúng quy định” nhưng chưa đề cập đến các biện pháp cụ thể để thực hiện, dẫn đến nguy cơ kéo dài tình trạng dư thừa nhân sự. Khoản 5 chỉ nêu trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận nhưng chưa quy định cơ chế hợp tác giữa cơ quan đã bị giải thể/sáp nhập và cơ quan tiếp nhận để xử lý các vấn đề tồn đọng.

Vì vậy, một số ý kiến đề nghị, cần làm rõ phạm vi điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận. Theo đó, cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có quyền tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu cần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ mới, phải có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, sửa đổi quy định về số lượng cấp phó. Theo đó, trong thời gian không quá 5 năm, các cơ quan có số lượng cấp phó vượt quá quy định phải thực hiện lộ trình giảm cấp phó bằng các hình thức như tinh giản biên chế, điều chuyển công tác hoặc không bổ nhiệm mới khi có vị trí trống. Bổ sung cơ chế phối hợp giữa cơ quan cũ và cơ quan tiếp nhận, trong thời gian 12 tháng sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ quan cũ có trách nhiệm phối hợp, chuyển giao hồ sơ, tài liệu và hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan tiếp nhận để bảo đảm tính liên tục trong hoạt động quản lý nhà nước.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lam-ro-pham-vi-dieu-chinh-chuc-nang-nhiem-vu-cua-co-quan-tiep-nhan-post404506.html
Zalo