Lạm phát vẫn để lại hậu quả nặng nề
Hai năm sau khi vọt lên ở mức 8-9%, lạm phát ở Mỹ và các nước khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gần đây đã giảm xuống dưới 3%, chỉ cao hơn một chút so với mục tiêu lạm phát đề ra là 2% trong khi các nước đang phát triển cũng ghi nhận lạm phát giảm mạnh.
Theo dữ liệu của JPMorgan, tỷ lệ lạm phát trung bình ở các thị trường mới nổi, được tính theo quy mô nền kinh tế, đã giảm từ 7,6% xuống 3,8%. Nếu không tính Trung Quốc - nước đang vật lộn với áp lực lạm phát, và Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang chống chọi với tỷ lệ lạm phát cao 50%, tỷ lệ lạm phát trung bình ở các thị trường mới nổi là 4,2%. Đợt lạm phát gia tăng toàn cầu, bắt đầu vào năm 2021 và đạt đỉnh điểm vào cuối năm 2022.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới lạm phát giảm sau khi bắt đầu tăng vào năm 2021 và đạt đỉnh điểm vào cuối năm 2022, với một nguyên nhân là các cú sốc về nguồn cung do đại dịch COVID-19 gây ra bắt đầu giảm dần vào năm ngoái, khiến giá năng lượng và thực phẩm giảm nhanh chóng. Bên cạnh đó, tại Mỹ, nguồn cung lao động phục hồi kịp thời nhờ lực lượng lao động nhập cư đã tạo ra động lực lớn cho thị trường việc làm và giúp kiềm chế lạm phát. Có ý kiến cho rằng tín hiệu tích cực này được cho là cơ sở vững chắc để kinh tế Mỹ tiếp tục đi đúng lộ trình "hạ cánh mềm".
Mặc dù vậy, vẫn có những lý do khiến giới chuyên gia chưa thể khẳng định thế giới đã chiến thắng lạm phát.
Đầu tiên, mặc dù tỷ lệ lạm phát toàn phần đã giảm mạnh, lạm phát dịch vụ vốn có xu hướng dai dẳng hơn, gần đây đã giảm tốc độ "hạ nhiệt." Nếu tách riêng các nhóm chỉ số lạm phát, theo nhóm hàng dễ dao động (gồm một loạt các mặt hàng có giá thay đổi thường xuyên) và nhóm mặt hàng có giá thay đổi tương đối chậm, xu hướng giảm lạm phát không giống nhau. Điều này cho thấy lạm phát đã giảm nhưng chưa hết.
Thứ hai, các nhà đầu tư đang đánh giá thấp mức độ lạm phát của thế giới trong những năm gần đây. Thời kỳ ổn định lớn (tức là giai đoạn lạm phát thấp và ổn định kinh tế tương đối sau những năm 1980) đã qua từ lâu. Hiện nay, các cú sốc địa chính trị dễ xảy ra hơn và chắc chắn sẽ gây ra nhiều gián đoạn nguồn cung hơn bất kể cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có trở lại Nhà Trắng hay không. Bên cạnh đó, các chính sách bảo hộ và các cuộc xung đột quân sự, như xung đột Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas... tiếp tục là rủi ro lớn đối với lạm phát.
Thứ ba, nợ công toàn cầu - vốn đã ở mức cao trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tăng mạnh, khiến các ngân hàng trung ương khó kiểm soát lạm phát hơn.
Tại Mỹ, các chính trị gia từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ dường như đều có niềm tin vào sự ổn định của thị trường nợ lớn nhất và an toàn nhất thế giới này nhưng sự lãng phí tài chính dai dẳng có nguy cơ làm bùng phát lại lạm phát và đến một lúc nào đó, sẽ khiến thị trường trái phiếu trở nên hỗn loạn.
Thứ tư, lạm phát không phải là yếu tố duy nhất quyết định việc thực hiện chính sách tiền tệ. Ổn định tài chính là một yếu tố quan trọng khác nhất là trong bối cảnh bong bóng bất động sản gây ra mối đe dọa cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh lạm phát giảm, một số ngân hàng trung ương lớn, như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh, đã bắt đầu giảm lãi suất. Ngày 23/8, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng cho biết: “Đã đến lúc điều chỉnh chính sách tiền tệ khi lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể và thị trường lao động cũng trở lại mức bình thường, với các điều kiện hiện tại đã bớt chặt chẽ hơn so với trước đại dịch COVID-19. Các hạn chế về nguồn cung đã được bình thường hóa. Và sự cân bằng rủi ro đối với hai nhiệm vụ của chúng tôi (giảm lạm phát và tăng trưởng kinh tế) đã thay đổi". Mặc dù ông Powell chưa đề cập đến thời điểm cụ thể nhưng phát biểu này được kỳ vọng là sẽ mở ra cánh cửa để Fed có thể cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào ngày 18/9 tới.
Tuy nhiên, một số nền kinh tế có được kịch bản hạ cánh mềm không hoàn toàn do “công” của các ngân hàng trung ương nên việc nới lỏng chính sách cần phải thận trọng đặc biệt khi cân nhắc đến rủi ro từ các cú sốc về nguồn cung tiếp theo vào thời điểm vẫn còn một số loại lạm phát.
Ngân hàng Deutsche Bank lưu ý: "Với chính sách hiện đang trở nên lỏng lẻo hơn, về nhiều mặt, đây chính xác là thời điểm cần thận trọng". Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương cần duy trì chính sách tương đối chặt chẽ để duy trì sự ổn định tài chính, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang trải qua cơn sốt bất động sản. Ví dụ, Ngân hàng trung ương ở Đài Loan (Trung Quốc) đã tăng chi phí vay trong năm nay và đang chật vật kiềm chế cơn sốt nhà ở. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động cho vay thế chấp nhà ở đã làm dấy lên mối lo ngại về nợ hộ gia đình cao ở nước này, từ đó hạn chế khả năng nới lỏng chính sách của ngân hàng trung ương.
Có thể nói cú sốc lạm phát toàn cầu tồi tệ nhất đã qua nhưng nguy cơ lạm phát tăng trở lại, thậm chí tăng mạnh, là rất lớn. Các ngân hàng trung ương có thể đã giữ lãi suất ở mức quá cao trong khoảng thời gian quá dài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu cắt giảm lãi suất quá nhanh có thể dẫn tới biến động tiền tệ và thay đổi động lực thương mại toàn cầu.