Đào tạo nghề nông thôn giúp người dân tộc thiểu số thêm hướng thoát nghèo

Trong những năm qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt chú trọng đến đối tượng thanh niên dân tộc thiểu số. Đây là giải pháp thiết thực giúp bà con tìm được việc làm và nâng cao thu nhập. Qua đó đóng góp đáng kể vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Tại xã Ia Broăi, huyện Ia Pa, chị Kpăh H'Bluyn, 34 tuổi, làng Ia RNiu là một trong những học viên người dân tộc thiểu số tham gia lớp học trồng rau sạch năm 2024. Chị cho biết, trong gần 2 tháng, mình đã làm chủ được quy trình khép kín từ kỹ thuật làm đất, bón phân, quản lý dịch hại đến tiêu thụ sản phẩm cho các nhóm rau ăn lá, ăn quả, ăn củ.

“Mình cũng tham gia học lớp trồng rau, qua quá trình học thầy giáo đã dạy những kỹ thuật để các chị em học tập để trồng cho chính gia đình mình ăn. Sau này có quỹ đất thì nhân rộng ra để sản xuất kinh doanh và có thêm thu nhập để gia đình có kinh tế ổn định”-chị Kpăh H'Bluyn nói.

Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, chị Kpăh H'Bluyn tự tin trồng nhiều loại rau trên mảnh đất của gia đình

Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, chị Kpăh H'Bluyn tự tin trồng nhiều loại rau trên mảnh đất của gia đình

Tại cơ sở của mình, anh Ksor Dêl 37 tuổi, ở làng Blôm, xã Kim Tân, huyện Ia Pa đang thoăn thoắt đôi tay để sửa máy cày cho bà con trong làng để kịp đi thu hoạch mì khi vào vụ. Ksor Dêl cho biết, trước đây, dù gia đình có máy cày và máy nổ phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng mỗi khi máy móc gặp trục trặc, anh phải mất nhiều thời gian và chi phí để đưa đến các xã lân cận sửa chữa. Nhận thấy nhu cầu thực tế này, năm 2021, khi huyện mở lớp dạy nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ, anh đã nhanh chóng đăng ký tham gia. Nhờ kiến thức và kỹ năng được đào tạo, hiện nay anh Dêl đã tự mở được xưởng sửa chữa ngay tại làng, phục vụ bà con với mức thu nhập ổn định, đặc biệt cao hơn vào mùa vụ.

“Khi cứ vào mùa màng, khi bà con đi thu hoạch mì nhiều thì xe bị hư hỏng nhiều, khi đó bà con mang đến cho tôi sửa máy móc, khi giá cả thống nhất thì mình sửa. Còn bình thường không vào vụ mùa thì ít máy móc để sửa. Mình có đam mê về nghề sửa chữa này nên sẽ gắn bó với nó lâu dài”-anh Ksor Dêl nói.

Giai đoạn 2022 – 2024, huyện Ia Pa đã thực hiện 15 lớp đào tạo nghề cho lao động thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia với gần 350 học viên là người dân tộc thiểu số tham gia, với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, tỷ lệ lao động được đào tạo năm sau cao hơn năm trước.

Anh Ksor Dêl bận bịu sửa máy cày cho bà con khi vào vụ thu hoạch mì (sắn)

Anh Ksor Dêl bận bịu sửa máy cày cho bà con khi vào vụ thu hoạch mì (sắn)

Theo ông Lê Hữu Hưng, Chủ tịch UBND xã Kim Tân, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, 9 tháng năm 2024, xã đã tổ chức được 3 lớp đào tạo với 84 học viên, trong đó có 2 lớp về nông nghiệp và 1 lớp phi nông nghiệp. Các lớp học được người dân hưởng ứng tích cực bởi tính thiết thực và ứng dụng cao trong đời sống hàng ngày.

“Bà con hưởng ứng với đào tạo nghề, và đó là lớp học ngắn hạn nhưng có tác động trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân. Ví dụ như lớp nông nghiệp về trồng trọt thì ngay khi kết thúc thì bà con đã vận dụng được luôn. Lớp phi nông nghiệp sửa chữa máy móc, các thiết bị nông nghiệp thì bà con đã làm phục vụ cho gia đình, một số thanh niên có điều kiện thì mở cơ sở sửa chữa để phục vụ cho bà con tại thôn làng”- ông Hưng nói.

Các học viên thực hành sữa chữa máy móc tại các lớp dạy nghề

Các học viên thực hành sữa chữa máy móc tại các lớp dạy nghề

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Gia Lai đã mở được gần 200 lớp đào tạo nghề cho lao động vùng dân tộc thiểu số. Riêng năm 2024, con số học viên là đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo nghề đã lên đến gần 5.000 người. Nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học đã áp dụng hiệu quả kiến thức vào thực tế sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao.

Ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hàng năm Gia Lai tổ chức đào tạo ra được 1.500 việc làm. Đặc biệt là những địa bàn vùng sâu vùng xa thì chúng tôi đào tạo theo cụm. Trên cơ sở nhu cầu các ngành nghề của người dân thì từ đào tạo người dân có thể tạo nên thu nhập. Chúng tôi căn cứ vào những điều kiện như thế để tổ chức các lớp đào tạo và hàng năm vẫn tổ chức các lớp để phù hợp thực tiễn.”

Có thể thấy, việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn thông qua đào tạo nghề đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu việc làm và thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Gia Lai.

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dao-tao-nghe-nong-thon-giup-nguoi-dan-toc-thieu-so-them-huong-thoat-ngheo-post1133925.vov
Zalo