Làm mới các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025, một trong những điều kiện được đưa ra là cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.
5 cơ hội và 3 thách thức
Tại Báo cáo số 54/BC-CP về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên được Chính phủ gửi Quốc hội nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Bối cảnh, tình hình năm 2025 dự báo tiếp tục bám sát các xu thế lớn đã được Trung ương, Quốc hội thảo luận, thống nhất. Thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, có thể tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam.
Tại báo cáo, Chính phủ cũng chỉ rõ 5 thuận lợi, thời cơ đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2025, bao gồm: Thứ nhất, tư duy chiến lược, tầm nhìn phát triển về kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phát triển vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Thứ hai, sự thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị về đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng và toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế.
Thứ ba, sự kế thừa, phát huy mạnh mẽ kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực và địa phương trong năm 2024.
Thứ tư, niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế nước ta.
Thứ năm, cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại từ vị thế của nước ta trên bản đồ công nghiệp bán dẫn, khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Chính phủ cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2025, bao gồm: Thứ nhất, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, rủi ro gia tăng.
Thứ hai, xu hướng phân tách, phân cực ngày càng rõ nét; sức ép cạnh tranh gia tăng ở cả thị trường xuất khẩu và trong nước.
Thứ ba, các nước lớn có xu hướng gia tăng hàng rào thương mại, thuế quan để bảo hộ sản xuất; các yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số… tác động, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.
Phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các hành lang kinh tế
Ngoài những cơ hội, thách thức trên, Chính phủ cũng nêu ra điều kiện để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025. Trong đó, nhấn mạnh đến tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. Hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước; có cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao, có điều tiết về trung ương.
Cùng với đó, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như: Củng cố niềm tin thị trường, thúc đẩy mạnh đầu tư tư nhân, công nghiệp chế biến, chế tạo. Thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, sức lan tỏa lớn; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực; tăng chi đầu tư phát triển; sớm rà soát, tháo gỡ, thực hiện các dự án đang bị tồn đọng, ách tắc.
Phục hồi nhanh tiêu dùng, du lịch, dịch vụ trong nước và duy trì ổn định và phát triển quan hệ thương mại hài hòa, bền vững, nhất là với Mỹ, Trung Quốc và các đối tác lớn.
Đặc biệt, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, trong trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP. Cùng với đó, phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao để trở thành động lực, nhân tố ngày càng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Báo cáo của Chính phủ đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng, trong đó ở kịch bản tăng trưởng cao hơn, đạt 8% trở lên thì tăng trưởng của khu vực công nghiệp – xây dựng khoảng 9,5% trở lên, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên; dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên.
Theo kịch bản này, các khu vực kinh tế tăng tốc, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm 2024 khoảng 0,7-1,3% trở lên; trong đó công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.