Lâm Hà nỗ lực giảm nghèo

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân địa phương, bằng nhiều giải pháp giảm nghèo phù hợp, thiết thực, huyện Lâm Hà đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, góp phần tạo nên diện mạo ngày càng phát triển.

Nhiều hộ dân xã Đan Phượng mạnh dạn chuyển đổi để thoát nghèo, tăng thu nhập ổn định trong gia đình

Nhiều hộ dân xã Đan Phượng mạnh dạn chuyển đổi để thoát nghèo, tăng thu nhập ổn định trong gia đình

Cũng như các hộ dân trên địa bàn, gia đình ông Nguyễn Đức Vũ (58 tuổi) rời quê hương Bắc Ninh vào xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà) để lập thân, lập nghiệp. Ông Vũ kể, ngày trước vào vùng đất mới, gia đình ông khai hoang đất trống để trồng khoai, bắp và cà phê. “Khi tìm hiểu vườn sầu riêng của một số người bạn, tôi bắt đầu trồng thử nghiệm 7 cây sầu riêng Thái. Ngay sau lần thu bói, tôi nhận thấy năng suất, chất lượng và giá thành sầu riêng khá cao nên bắt đầu trồng xen trên 8 sào cà phê. Nhờ được tiếp cận từ nguồn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên gia đình đã mạnh dạn đầu tư. Đến nay, vườn của tôi có khoảng 100 cây sầu riêng; trong đó có hơn 70 cây đã cho thu. Năm 2023, vườn thu về được 14 tấn sầu riêng và 1,7 tấn nhân cà phê”, ông Vũ nói.

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, xã Đan Phượng đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo, tăng thu nhập để cải thiện đời sống Nhân dân. Theo đó, hằng năm, xã tổ chức thực hiện việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích nguyên nhân nghèo để đưa ra những giải pháp cụ thể tới từng hộ gia đình. Cùng với đó, xây dựng và ban hành các kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, yêu cầu các đoàn thể tại các thôn đánh giá, khảo sát nhu cầu hỗ trợ của các hộ để từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.

Năm 2024, số hộ nghèo trên địa bàn xã Đan Phượng là 29 hộ, chiếm 1,81%; trong đó có 10 hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 6,25%. Số hộ cận nghèo là 47 hộ, chiếm 2,94%; trong đó hộ cận nghèo là đồng bào DTTS có 12 hộ, chiếm 7,5%. Trong năm, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và nhu cầu vay vốn hỗ trợ việc làm, chuyển đổi việc làm, đầu tư sản xuất đều được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Ngoài ra, 100% hộ nghèo, cận nghèo, người đồng bào DTTS đang sinh sống tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được cấp thẻ Bảo hiểm y tế.

Năm 2024, địa phương được UBND huyện Lâm Hà hỗ trợ 2 dự án gồm: Nhóm Cộng đồng sản xuất dâu tằm bền vững với 15 thành viên (9.900 kg phân bón); trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 168 triệu đồng, Nhóm Cộng đồng đối ứng hơn 125 triệu đồng. Dự án Nhóm Cộng đồng sản xuất cà phê bền vững xã Đan Phượng gồm 11 thành viên với 16.330 kg phân bón; trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 277 triệu đồng, Nhóm Cộng đồng đối ứng hơn 200 triệu đồng. Ông Nguyễn Quang An - Chủ tịch UBND xã Đan Phượng khẳng định: “Thời gian qua, địa phương đã tăng cường tuyên truyền và làm tốt công tác giảm nghèo như xây dựng Quỹ "Vì người nghèo" nhằm hỗ trợ xây nhà cho những hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở, hỗ trợ hộ gia đình cận nghèo tham gia Bảo hiểm y tế; tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 62,25 triệu đồng/ người/ năm”.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trinh - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lâm Hà cho biết: “Với quyết tâm thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện Lâm Hà đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người nghèo vươn lên.

Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo ngày càng đi vào chiều sâu, tập trung hỗ trợ sinh kế cho người dân, đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, qua đó, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể như: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh cùng Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn..., nhiều hộ nghèo đã được vay vốn để phát triển các mô hình chăn nuôi, sản xuất, sửa chữa nhà ở, từng bước vươn lên giảm nghèo.

Năm 2024, huyện Lâm Hà hỗ trợ tiền điện cho 868 hộ nghèo trên địa bàn huyện với tổng kinh phí 510 triệu đồng; phối hợp với UBND thị trấn Đinh Văn tổ chức cấp phát 210 kg gạo cho 4 hộ có nguy cơ thiếu đói trong dịp giáp hạt. Từ nguồn kinh phí của Công ty Dalat Hasfarm, địa phương đã hỗ trợ 5 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và hoàn thành nghiệm thu, bàn giao cho hộ gia đình với kinh phí 300 triệu đồng.

Trong năm, huyện Lâm Hà đã vận động nguồn lực thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Lâm Hà giai đoạn 2024-2025. Tính đến nay, địa phương đã vận động được 528,4 triệu đồng; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp nhận 3 tỷ đồng từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ. Đến nay, từ các nguồn vận động xã hội hóa và nguồn từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, địa phương đã thực hiện hỗ trợ xây nhà cho 92 hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ước đến cuối năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn là 4,33% (tương đương 1.652 hộ, giảm 666 hộ giảm tương đương 1,75%); trong đó, tỷ lệ nghèo đa chiều vùng đồng bào DTTS là 11,60% (tương đương 915 hộ, giảm 349 hộ giảm tương đương 4,56%)”.

Thời gian tới, huyện Lâm Hà tiếp tục công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao năng lực giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, huy động các nguồn lực, thực hiện xã hội hóa công tác giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chú trọng phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng ở các xã, thị trấn; trong đó chủ yếu đầu tư vào đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, nhà ở, đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202501/lam-ha-no-luc-giam-ngheo-3ce0392/
Zalo