Làm gì để năm 2024 bứt phá và tăng tốc?

Sáng nay, 26.10, tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận tại Tổ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết... Tại Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk), các đại biểu nhất trí năm 2024 phải là năm bứt phá và tăng tốc phát triển, nhưng để làm được còn nhiều điểm nghẽn phải tập trung tháo gỡ.

Phải "giữ lửa” đà cải cách

Theo các ĐBQH, năm 2024 đang bước vào giai đoạn “nước rút” khi chỉ còn hơn 2 tháng là kết thúc và cũng là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong 9 tháng đầu năm nay, GDP nước ta tăng trưởng 6,82% - là con số ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, xung đột địa chính trị, thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế.

 ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị phải "giữ lửa" đà cải cách môi trường kinh doanh, thể chế. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị phải "giữ lửa" đà cải cách môi trường kinh doanh, thể chế. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) lưu ý, phải nhìn nhận thẳng thắn, phần lớn mức tăng trưởng này đến từ các lĩnh vực khai khoáng và xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI đóng góp chiếm 72,1% giá trị xuất khẩu. Khai khoáng dựa vào tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, trong khi các doanh nghiệp FDI, dù đóng góp lớn vào xuất khẩu, lại không giữ lại nhiều giá trị cho nền kinh tế trong nước, do lợi nhuận chủ yếu chảy ngược về các công ty mẹ ở nước ngoài.

Hệ quả lâu dài, theo ông là sẽ khiến chúng ta rơi vào bẫy tăng trưởng ngắn hạn, thiếu bền vững. Khi nguồn tài nguyên cạn kiệt hoặc thị trường quốc tế thay đổi, nền kinh tế có thể mất động lực phát triển, gặp khó khăn trong việc tự cường và duy trì đà tăng trưởng.

"Nếu chúng ta muốn đạt được sự phát triển bền vững, điều cần thiết nhất là phải tạo thế trận cân bằng, bên cạnh các biện pháp khuyến khích, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần tập trung vào việc nuôi dưỡng và phát triển các doanh nghiệp nội địa. Họ không chỉ tạo ra công ăn việc làm mà còn giúp nâng cao khả năng tự chủ, giảm sự phụ thuộc, bảo vệ nền kinh tế trước những biến động bên ngoài", đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.

Việc thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa, theo ông, sẽ giúp Việt Nam phát triển theo chiều sâu, từ đó tạo ra chuỗi giá trị bền vững và ổn định hơn. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân với vai trò xương sống của nền kinh tế đã đóng góp gần 45% GDP, 1/3 ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 85% lực lượng lao động.

Thế nhưng, những rào cản về cơ chế, thủ tục, thiếu vốn và cạnh tranh không lành mạnh… đang kìm hãm sự phát triển mạnh mẽ của khu vực này. Do vậy, để giúp kinh tế tư nhân phát triển bền vững, là động lực tăng trưởng cho đất nước, thực hiện được mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp của khu vực tư nhân lên 50-55% GDP với 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 thì cần sớm nhận diện bất cập, tháo gỡ điểm nghẽn.

Trên tinh thần đó, đại biểu Nguyễn Như So đề xuất 5 vấn đề:

Một là, triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa, bao hàm giải pháp nhằm “giữ lửa” đà cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho kinh tế tư nhân.

Ông cho biết, Giải Nobel kinh tế năm 2024 là dành cho vấn đề thể chế, là một liên hệ ý nghĩa, một bài học quý giá cho phát triển kinh tế của Việt Nam nói riêng, của các nước đang phát triển nói chung, nhằm thúc đẩy tính minh bạch, quản trị tốt và sự tham gia rộng rãi của người dân và toàn xã hội vào đời sống kinh tế, chính trị, bảo vệ quyền kinh doanh, quyền tài sản và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

 Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk thảo luận về kinh tế - xã hội. Ảnh: Lâm Hiển

Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk thảo luận về kinh tế - xã hội. Ảnh: Lâm Hiển

Mặc dù theo xếp hạng của EIU, Việt Nam hiện đang dẫn đầu về chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh và trở thành quốc gia có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong hai thập kỷ qua. Nhưng nghịch lý là chỉ trong 9 tháng đầu năm số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2023, bình quân 1 tháng có hơn 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có đến 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

"Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Rào cản thủ tục hành chính, các chi phí không chính thức vẫn như một "vòng kim cô" kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp", đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông nêu rõ, chi phí tuân thủ pháp luật bình quân cho doanh nghiệp ở Việt Nam chiếm 20-30% lợi nhuận, trong khi tại Singapore, con số này chỉ là 5-10% (Theo Ngân hàng Thế giới), 20,4% doanh nghiệp dành trên 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật.

Thủ tục đầu tư dự án cũng rất phức tạp, phải qua khoảng 38-40 con dấu với thời gian xử lý trung bình 2-3 năm do bất cứ thủ tục nào cũng phải hỏi ý kiến các sở, ngành liên quan bằng văn bản.

Dẫn chứng nêu trên chỉ là vài lát cắt trong thực tiễn về những bất cập trong quy định, hệ thống quản lý gây ra sự lãng phí lớn về tài sản của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.

Trên thực tế, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, còn có nhiều vướng mắc pháp lý trong quy hoạch, sử dụng đất; về cơ chế tài chính và ngân sách; về chính sách thu hút đầu tư và doanh nghiệp; về cơ sở hạ tầng, giao thông; về phát triển nông nghiệp và nông thôn… Thậm chí, gây ra nhiều lãng phí vô hình không thể đong đếm hết được, nhất là lãng phí cơ hội, lãng phí niềm tin,như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, lãng phí là một trong những vấn đề nhức nhối và nguy hiểm không kém tham nhũng, nếu không xử lý kịp thời sẽ "ăn mòn nền tảng phát triển" của quốc gia.

Do vậy, đại biểu chỉ rõ, cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập “luật chơi” và hệ thống thực thi, giám sát tuân thủ, tăng cường tính minh bạch và quản trị; tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan, và đất đai; triển khai hiệu quả các giải pháp số hóa, áp dụng công nghệ thông tin vào các quy trình hành chính để giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

"Mỗi quy trình cần được tinh gọn, minh bạch, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và tài nguyên, đồng thời cũng là cách để nhà nước tiết kiệm ngân sách và tối ưu hóa quản trị, một đồng chi tiêu đúng chỗ là một đồng đầu tư vào tương lai", ông nói.

 ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Hai là, Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm khơi thông điểm nghẽn tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tư nhân.

Nguồn vốn là trái tim, dòng tiền là dòng máu nuôi sống doanh nghiệp, thế nhưng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa lại gặp rất nhiều khó khăn, cản trở trong việc tiếp cận vốn. Chỉ 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong khi đó, các doanh nghiệp này cần rất nhiều nguồn lực tài chính để mở rộng quy mô, đầu tư vào công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việc thiếu vốn làm giảm khả năng phát triển và đổi mới sáng tạo, đẩy doanh nghiệp vào vòng xoáy “chết yểu”. Do vậy, cần tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng duy trì lãi suất thấp, ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn; khuyến khích các ngân hàng thương mại áp dụng hình thức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp để mở rộng cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Bên cạnh đó, cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa các chính sách tín dụng ưu đãi, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và bảo lãnh tín dụng. Nên chăng Chính phủ nghiên cứu thành lập một Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, hợp nhất sức mạnh các quỹ địa phương, tăng quy mô vốn điều lệ để có thể bảo lãnh cho các doanh nghiệp trên các địa bàn của cả nước.

Ba là, cần nghiên cứu, triển khai các chính sách ưu đãi đặc thù đủ mạnh, có sự phân hóa trong các lĩnh vực về thuế, đất đai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tàu có tiềm năng phát triển lớn.

Bên cạnh đó, việc thiết lập các "hàng rào kỹ thuật thông minh" sẽ bảo vệ doanh nghiệp tư nhân trong nước trước sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nước ngoài, là chìa khóa vàng giúp doanh nghiệp trong nước có thể đứng vững trước sóng gió của thị trường toàn cầu, đảm bảo cho sản xuất nội địa không bị bóp nghẹt, thua ngay trên sân nhà.

Bốn là,tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, kích thích tổng cầu nhằm hỗ trợ, tạo động lực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; nghiên cứu kéo dài thời gian giảm thuế VAT theo Nghị định 72 đến hết năm 2025, thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa...

Chính phủ cần quản lý chặt chẽ các yếu tố đẩy giá, ổn định nguồn cung hàng hóa, giữ cho lạm phát dưới mức 3-4% thì nền kinh tế mới có thể đạt được mức tăng trưởng bền vững dựa trên sức mua thực tế, thay vì phụ thuộc vào việc giá cả tăng cao.

Năm là,đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, triển khai quyết liệt và đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, có các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu – một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt.

Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất bền vững, ứng dụng công nghệ xanh nhằm thực hiện mục tiêu "phát thải ròng bằng 0" vào năm 2050; “bình dân hóa” tiêu chuẩn ESG (môi trường – xã hội – quản trị), tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể làm được.

Tính đến hết tháng 3.2024, dư nợ tín dụng xanh đạt khoảng 637.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế, con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ số tín dụng xanh của nền kinh tế phải nâng lên 30-40% tổng dư nợ tín dụng, thì sự chuyển biến kinh tế xanh mới được đánh giá là kết quả tốt.

"Như vậy, chúng ta còn cần nguồn lực rất lớn cho dư địa tăng trưởng này. Có thể thúc đẩy doanh nghiệp bằng cách miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư xanh hoặc áp dụng chính sách tài chính ưu đãi như gói tín dụng lãi suất thấp dành cho các công nghệ xanh, các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, tín chỉ các bon có thể được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 5-7% trong 10-15 năm, thay vì mức thuế suất thông thường là 20% như hiện nay…", đại biểu Nguyễn Như So phân tích.

Quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án liên ngành, liên vùng, có tác động lan tỏa

Theo ĐBQH Triệu Quang Huy (Lạng Sơn), áp lực giải ngân, khả năng hoàn thành mục tiêu trong những tháng còn lại của năm 2024 là rất lớn. "Đây là điểm nghẽn tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư".

 ĐBQH Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) nhận định, chậm giải ngân đầu tư công là điểm nghẽn tác động tiêu cực đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) nhận định, chậm giải ngân đầu tư công là điểm nghẽn tác động tiêu cực đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Ảnh: Lâm Hiển

Do đó, đại biểu Triệu Quang Huy đề nghị Chính phủ cần quyết liệt đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các dự án trọng điểm, dự án liên vùng có tác động lan tỏa.

Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá kỹ về tình hình thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2024, làm rõ nguyên nhân của việc thực hiện và giải ngân chậm để đề xuất giải pháp thiết thực để đảm bảo thực hiện mục tiêu của các Chương trình Mục tiêu quốc gia; đồng thời, rà soát nhu cầu vốn trong năm 2025 để đề xuất phù hợp, tránh tình trạng các Chương trình được ưu tiên dành nguồn lực nhưng thực tế không triển khai được, gây lãng phí, hiệu quả thấp.

Ông cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới, thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất, tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa ngành, sản phẩm, phát triển những ngành, lĩnh vực tỉnh có thế mạnh.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền số, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành hướng tới sự hiệu quả, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lam-gi-de-nam-2024-but-pha-va-tang-toc-post394416.html
Zalo