Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch Quốc hội giao

Ngày 26.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã thảo luận tại Tổ 1 về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và một số nội dung quan trọng khác.

Kinh tế phục hồi với nhiều dấu hiệu đáng tích cực

Thảo luận tại tổ, ĐBQH Hoàng Văn Cường đánh giá, năm 2024 có nhiều biến động nhưng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu so với thế giới, có nhiều chỉ tiêu quốc tế đạt mức cao như chỉ tiêu chỉ số tín nhiệm tăng lên BB+, thậm chí có tổ chức xếp hạng BA. Chỉ số hạnh phúc cũng tăng 11 bậc đứng 54/147; chỉ tiêu đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc, đứng thứ 44/122 thể hiện tiến bộ rõ. Chỉ tiêu Chính phủ điện tử tăng 15 bậc, xếp thứ 71/193; chỉ tiêu an toàn an ninh mạng được xếp hạng cao, thứ 17/191. Đại biểu cũng nhận định, với mức tăng trưởng quý 3.2024 đạt 7,4%, cả 9 tháng đạt 6,82%, cho thấy nền kinh tế có thể phục hồi lại được như trước khi diễn ra dịch Covid-19, tạo đà cho quý 4 tăng trưởng và mục tiêu đặt ra GDP năm 2024 từ 6,5% đến 7% hoàn toàn có thể đạt được.

ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng chỉ ra một số lĩnh vực khá ổn định như nông - lâm nghiệp, nhưng không vượt trội so với năm trước. Lĩnh vực dịch vụ cũng chỉ tương đương năm trước, nên thành quả tăng trưởng chủ yếu là công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo. "Điều đó chứng tỏ nền kinh tế đang phụ thuộc khá lớn vào đóng góp chủ yếu từ nhóm doanh nghiệp FDI", ĐBQH Hoàng Văn Cường phân tích.

 ĐBQH Hoàng Văn Cường phát biểu tại buổi thảo luận tổ

ĐBQH Hoàng Văn Cường phát biểu tại buổi thảo luận tổ

Đại biểu cho rằng, một vấn đề đáng suy nghĩ khác là số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động tăng 9,7%, nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng đến 21%, cho thấy sự phục hồi vẫn còn nhiều vấn đề đáng lưu ý. Từ đó, đòi hỏi phải có giải pháp tăng năng lực của doanh nghiệp trong nước, trong đó, chọn ra số doanh nghiệp trụ cột trong nước để có giải pháp tạo đột phá.

Dự báo thời gian tới, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng có nhiều vấn đề cần quan tâm. Theo đó, đơn đặt hàng 9 tháng qua tăng nhanh, nhưng từ tháng 9 lại giảm do xu thế nhập khẩu thế giới phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng cuối năm đã đủ, dự báo quý I.2025 chỉ số đặt hàng sẽ giảm. Mặt khác, do trụ cột tăng trưởng phụ thuộc xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng bởi trong 9 tháng qua, tiêu dùng bình quân tăng 8,8%, nhưng so với giai đoạn trước dịch luôn ở mức trên 10%, trong số 8,8% phải tính đến đóng góp của ngành du lịch thời gian qua đã phục hồi, tăng trưởng mạnh.

"Điều này cho thấy chỉ số tăng trưởng tiêu dùng phụ thuộc vào du lịch, sức mua sắm của người dân trong nước còn hạn chế, dù đã tăng tiền lương nhưng hầu như chưa tác động đến sức tiêu dùng. Đồng thời, còn có thể do năng lực tiêu dùng thấp hoặc do mua online, nhất là xuyên biên giới, chúng ta không đánh giá được", ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu rõ.

Đáng chú ý, đại biểu đặt vấn đề gần đây có quảng cáo của sàn giao dịch Temu rất rầm rộ, giảm giá mạnh đến 70% - đây là sự cảnh báo rất lớn, có thể người dân tập trung mua và dẫn đến quan ngại hàng giá rẻ sẽ triệt tiêu hàng hóa trong nước. "Chúng ta cần có hành động, không thể cấm nhưng phải có kiểm soát về chất lượng hàng hóa", ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Đồng thời, đại biểu cho rằng, cần xem chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng, bởi thể loại hàng hóa này đang tràn lan; ngoài ra, cần tính đến tăng cường năng lực cho các sàn thương mại điện tử trong nước. "Hoạt động thương mại điện tử có đến trên 95% là sàn giao dịch nước ngoài, cần có chính sách gây dựng sàn trong nước. Tôi cho rằng, gắn liền với kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cần có chính sách phát triển sàn giao dịch trong nước để phát triển kinh tế số”, ĐBQH Hoàng Văn Cường khẳng định.

Khắc phục những bất cập về giá đất

Cũng phải phiên thảo luận tổ, các đại biểu đánh giá cao những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của nước ta năm 2024, trong đó, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch của Quốc hội giao. Nhiều ngành kinh tế đã phục hồi hoàn toàn và trở lại mức bằng hoặc cao hơn trước đại dịch Covid - 19. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biễn mới nhanh chóng và phức tạp, đã ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển của đất nước. Song, do có sự lãnh đạo, sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành, chủ động tích cực của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... Tình hình kinh tế xã hội năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

 Quang cảnh buổi thảo luận tổ của Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Quang cảnh buổi thảo luận tổ của Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Bên cạnh những dấu hiệu đáng tích cực, một số đại biểu cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức. Cụ thể, theo phân tích của ĐBQH Nguyễn Anh Trí, hiện nước ta vẫn đang thiếu nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, trong khi nhà tái định cư lại bỏ hoang phí, trong khi đó, giá đất hiện đang "nhảy múa" chưa từng thấy và rất kỳ lạ.

Trước thực trạng này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh đã đến lúc Chính phủ cần tập trung các nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà quản lý giỏi về đất đai để bàn giải pháp nhằm chặn đứng các bất cập về giá đất. "Nếu không kịp thời ngăn chặn các vấn đề về giá nhà đất, sẽ gây tiêu cực rất lớn, từ giá đất sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác", ĐBQH Nguyễn Anh Trí lo ngại.

Về chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề nghị không nên dùng chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân bởi chỉ tiêu này chỉ phù hợp với khoảng 10 năm trước, hàng năm đều đạt và vượt. “Quan trọng nhất là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên giường bệnh đó hơn là việc tăng số lượng giường bệnh. Chỉ tiêu này chỉ mang tính hình thức, nên thay bằng chỉ tiêu khác như chuyển đổi số trong y tế và chỉ tiêu về chuyển đổi số phải đặt mục tiêu tăng lên hằng năm”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nêu rõ.

Bên cạnh đó, ĐBQH Phạm Đức Ấn cũng chỉ rõ một số Luật được sửa để có hiệu lực thi hành sớm hơn như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... nhưng hiệu quả thì không như kỳ vọng, chưa kịp thời tháo gỡ các bất cập trên thực tiễn. Theo nhận định của đại biểu, phải chăng do khó tiếp cận nhà ở, thiếu nhà ở, không đủ khả năng nuôi con nên nhiều người không sinh con, khiến mức sinh hiện nay của Việt Nam ở mức thấp. Đây được coi là vấn đề xã hội rất lớn đòi hỏi chúng ta cần quan tâm toàn diện để có giải pháp.

Phi Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhieu-chi-tieu-kinh-te-xa-hoi-dat-va-vuot-ke-hoach-quoc-hoi-giao-post394441.html
Zalo