Chủ tịch Tập đoàn Dabaco: Cần tạo 'thế trận' cân bằng cho doanh nghiệp nội địa

Theo đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco, việc triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế, 'giữ lửa' đà cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục là động lực lớn để doanh nghiệp phát triển.

Đại biểu Nguyễn Như So - Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Như So - Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam.

Sáng 26/10, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Như So - Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Đoàn Bắc Ninh) nhận định, trong 9 tháng đầu năm 2024, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,82%, là một con số ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, xung đột địa chính trị, thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, ông cho rằng phải nhìn nhận thẳng thắn, một phần nhiều mức tăng trưởng này đến từ các lĩnh vực khai khoáng và xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI đóng góp (chiếm 72,1% giá trị xuất khẩu). “Khai khoáng dựa vào tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, trong khi các doanh nghiệp FDI dù đóng góp lớn vào xuất khẩu nhưng lại không giữ lại nhiều giá trị cho nền kinh tế trong nước, do lợi nhuận chủ yếu chảy ngược về các công ty mẹ ở nước ngoài,” ông So nói.

Để đạt được sự phát triển bền vững, theo đại biểu, điều cần thiết nhất là phải tạo thế trận cân bằng, bên cạnh các biện pháp khuyến khích, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần tập trung vào việc nuôi dưỡng và phát triển các doanh nghiệp nội địa.

"GIỮ LỬA" ĐÀ CẢI CÁCH MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

Để giúp kinh tế tư nhân phát triển bền vững, là động lực tăng trưởng cho đất nước, thực hiện được mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp của khu vực tư nhân lên 50- 55% GDP với 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco cho rằng cần sớm nhận diện các bất cập, tháo gỡ điểm nghẽn.

Ông Nguyễn Như So đề xuất 5 giải pháp. Trong đó, việc triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa, bao hàm các giải pháp nhằm “giữ lửa” đà cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho kinh tế tư nhân.

Theo ông So, giải Nobel kinh tế năm 2024 dành cho vấn đề thể chế, là một liên hệ ý nghĩa, một bài học quý giá cho phát triển kinh tế của Việt Nam, nhằm thúc đẩy tính minh bạch, quản trị tốt và sự tham gia rộng rãi của người dân và toàn xã hội vào đời sống kinh tế, chính trị, bảo vệ quyền kinh doanh, quyền tài sản và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Vị đại biểu chỉ ra, chi phí tuân thủ pháp luật bình quân cho doanh nghiệp ở Việt Nam chiếm 20-30% lợi nhuận, trong khi tại Singapore, con số này chỉ là 5-10% (theo Ngân hàng Thế giới); 20,4% doanh nghiệp dành trên 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật. “Thủ tục đầu tư dự án cũng rất phức tạp, phải qua khoảng 38-40 con dấu với thời gian xử lý trung bình 2-3 năm do bất cứ thủ tục nào cũng phải hỏi ý kiến các sở, ngành liên quan bằng văn bản...,” ông So nói.

Theo ông So, dẫn chứng nêu trên chỉ là vài lát cắt trong thực tiễn về một số bất cập trong quy định, hệ thống quản lý gây ra sự lãng phí lớn về tài sản của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Trên thực tế, còn có nhiều vướng mắc pháp lý trong quy hoạch, sử dụng đất; về cơ chế tài chính và ngân sách; về chính sách thu hút đầu tư và doanh nghiệp; về cơ sở hạ tầng, giao thông; về phát triển nông nghiệp và nông thôn...

Đại biểu Nguyễn Như So cũng đề xuất tiếp tục triển khai các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm khơi thông điểm nghẽn tiếp cận vốn cho doanh nghiệp; triển khai các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tàu có tiềm năng phát triển lớn; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, nghiên cứu kéo dài thời gian giảm thuế VAT theo Nghị định 72 đến hết năm 2025; có giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu...

Kinh tế tư nhân là mạch máu của nền kinh tế; nhưng để mạch máu ấy luôn thông suốt và phát triển mạnh mẽ, chúng ta cần chung tay giải quyết những khó khăn mà khu vực này đang phải đối mặt. Với những chính sách hỗ trợ đúng đắn và sự quyết tâm của cả hệ thống, tôi tin rằng kinh tế tư nhân sẽ vượt qua mọi thách thức, không chỉ phát triển mà còn phát triển bền vững, đóng góp mạnh mẽ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So

LÀM RÕ HIỆU QUẢ CỦA CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục có các chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh còn rất nhiều khó khăn, bà Nguyệt dẫn chứng số liệu trong 9 tháng đầu năm 2024 có 163.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại biểu đề nghị làm rõ việc các chính sách ban hành thời gian vừa qua đã thực sự đi vào cuộc sống, thực sự tháo gỡ cho doanh nghiệp chưa?

Theo đại biểu, thực tế, doanh nghiệp vẫn phản ánh còn vướng mắc về thể chế, tiếp cận nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển đổi loại hình... “Cần làm rõ các vướng mắc này để bước vào năm 2025 có thêm nhiều doanh nghiệp gia nhập sản xuất kinh doanh,” bà Nguyệt nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk).

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk).

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Quân (Đoàn Hậu Giang) đề xuất tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ông cho rằng thực tế còn nhiều vướng mắc, nhiều dự án kéo dài thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, lãng phí nguồn lực. Đại biểu nhấn mạnh, trong công tác cải cách hành chính cần kiên quyết loại bỏ cơ chế xin - cho.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chu-tich-tap-doan-dabaco-can-tao-the-tran-can-bang-cho-doanh-nghiep-noi-dia-34892.html
Zalo