Làm gì để giảm thặng dư thương mại với Mỹ nhằm hạn chế rủi ro thuế quan?

Tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Mỹ để giảm thặng dư thương mại có thể là một phương án khả dĩ nhằm tránh rủi ro thuế quan. Đây cũng là cơ hội điều chỉnh chiến lược thương mại, cũng như kiểm soát xuất khẩu một cách thực chất nhằm thích nghi với sự thay đổi chính sách của Mỹ.

Trong báo cáo vào tháng 2/2025 về thị trường bông toàn cầu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Hiệp hội Bông Quốc tế Mỹ (CCI) có cho rằng việc tăng cường tích hợp theo chiều dọc trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam giúp các nhà nhập khẩu hàng may mặc của Hoa Kỳ có sự đảm bảo tốt hơn trong việc tuân thủ UFLPA (Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ) do ít tiếp xúc với sợi bông Tân Cương (Trung Quốc). Những yếu tố này không chỉ chuyển nhiều sợi bông Hoa Kỳ hơn sang Việt Nam mà còn cải thiện nhu cầu đối với hàng may mặc của Việt Nam.

Nên tăng nhập khẩu từ Mỹ

Từ báo cáo nêu trên để thấy việc tiếp tục tăng nhập khẩu bông nguyên liệu từ Mỹ là điều hoàn toàn có lợi cho các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam khi xuất khẩu hàng may vào thị trường Mỹ. Đây cũng là cách để ngành hàng này góp phần vào việc giảm thặng dư thương mại nhằm hạn chế rủi ro thuế quan từ chính sách mới ở Mỹ.

Việc tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Mỹ sẽ giúp giảm thặng dư thương mại, góp phần tránh rủi ro thuế quan cho hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ.

Hoặc như ở ngành da giày, qua trao đổi với VnBusiness về vấn đề nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành da giày, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), nói rằng một trong những cách để giải quyết được bài toán về thương mại công bằng mà chính quyền Donald Trump sẽ tập trung chú ý là chúng ta có thể chuyển dần sang nhập khẩu từ Hoa Kỳ thay vì nhập khẩu từ một số quốc gia khác có giá trị cao.

Đối với ngành dệt may, da giày, khi mà Việt Nam còn phụ thuộc tới 70% vào nguồn nhập khẩu (phần lớn từ Trung Quốc) thì việc chuyển hưởng, tăng nhập khẩu từ Mỹ là điều cần được khuyến khích. Điều đó không chỉ giúp hai ngành hàng sản xuất chủ lực giảm thiểu rủi ro, giảm thặng dư thương mại mà còn tránh tình trạng hàng hóa Trung Quốc “mượn” xuất xứ Việt Nam để vào thị trường Mỹ.

Hơn nữa, các DN trong ngành dệt may, da giày cần duy trì sự cẩn trọng và triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại. Việt Nam cũng sẽ cần kiểm soát chặt chẽ hơn dòng vốn FDI vào lĩnh vực dệt may, da giày…nhằm ngăn chặn hiện tượng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang để né thuế của Mỹ.

Không chỉ với hai ngành hàng chủ lực nêu trên, trong lưu ý mới đây về nguy và cơ trong hoạt động xuất khẩu, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán PSI nhấn mạnh “tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ để giảm thặng dư thương mại là phương án hạn chế rủi ro thuế quan”.

Trên thực tế, đây là phương án mà nhiều quốc gia châu Á đang có thặng dư thương mại cao với Mỹ đang nỗ lực thực hiện thông qua việc lên kế hoạch mua thêm một số hàng hóa năng lượng từ Mỹ như dầu, ethane, LNG và mặt hàng điện tử, thiết bị năng lượng, quốc phòng.

Đơn cử như diễn biến trong tháng 2/2025 cho thấy chính phủ Ấn Độ đã sẵn sàng đưa ra cam kết tăng mua khí LNG để giảm thặng dư thương mại. Ngành công nghiệp LNG của Mỹ cho biết họ sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ, vì các công ty tư nhân trong lĩnh vực này đang có những kế hoạch tăng trưởng quyết liệt thông qua việc xây dựng các cảng xuất khẩu LNG mới.

Hoặc như Thái Lan (đứng thứ 10 trong danh sách các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ) thời gian tới có thể sẽ mua nhiều hàng hóa hơn từ Mỹ để giảm thặng dư thương mại, bao gồm dầu, hóa chất, khí đốt tự nhiên, máy bay cỡ nhỏ, đậu nành và lúa mì.

Trong khi đó, với Việt Nam, trong báo cáo nghiên cứu mới công bố của ngân hàng Goldman Sachs nhận định Việt Nam có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump do thặng dư thương mại lớn.

Cơ hội điều chỉnh chiến lược thương mại

Như lưu ý của giới phân tích, Việt Nam là quốc gia có thặng dư thương mại đứng thứ 3 của Mỹ, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico. Số liệu hải quan Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại của nước này với Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 120 tỷ USD trong năm 2024. Điều này khiến cho việc Việt Nam rơi vào tầm ngắm của các chính sách bảo hộ thương mại Mỹ là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là đứng trước rủi ro bị áp thuế quan “có đi có lại” - một chính sách mới được ông Trump công bố gần đây.

Cho nên, việc làm thế nào để giảm thặng dư thương mại với Mỹ là điều cần hết sức lưu tâm. Phía PSI cho rằng Việt Nam có thể giảm thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách tăng cường nhập khẩu các mặt hàng giá trị lớn từ Mỹ, như máy bay, máy móc thiết bị…

Chẳng hạn như hãng hàng không Vietjet dự kiến sẽ nhận 14 chiếc máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX trong năm 2025, một phần trong đơn đặt hàng 200 chiếc máy bay Boeing của hãng hàng không này.

Bên cạnh đó, Vietjet cũng ký nhiều hợp đồng trị giá hàng tỷ USD mua các thiết bị điện tử, động cơ, dịch vụ kỹ thuật hàng không cho đội máy bay. Hay như Vietnam Airlines cũng có nhu cầu mua thêm 50 chiếc máy bay trong năm 2025.

“Đây có thể là một cơ hội để Việt Nam giảm thặng dư thương mại với Mỹ khi hãng hàng không quốc gia đã ký một thỏa thuận tạm thời với Boeing để mua 50 máy bay 737 MAX từ năm 2023 dù thỏa thuận này chưa được hoàn tất”, phía PSI nhận định.

Theo giới chuyên gia, sắc thuế “có đi có lại” của Tổng thống Donald Trump là một động thái có thể làm thay đổi sâu sắc cục diện thương mại toàn cầu. Đối với Việt Nam, đây là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để điều chỉnh chiến lược thương mại nhằm thích nghi với sự thay đổi trong chính sách của Mỹ.

Đặc biệt là với mức thặng dư thương mại lớn giữa Việt Nam và Mỹ, Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ. Nếu không giảm thặng dư thương mại có thể hàng hóa Việt Nam xuất vào Mỹ sẽ bị áp mức thuế mới. Và việc tăng thuế có thể làm chi phí xuất khẩu tăng cao, khiến hàng hóa Việt Nam kém cạnh tranh hơn tại thị trường Mỹ. Ngoài ra, nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế cũng không nhỏ, bởi Mỹ từng cáo buộc một số DN nước ngoài lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc để né thuế.

Còn theo quan điểm của bà Anne Benjaminson, quyền Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Tp.HCM, mối liên kết chuỗi cung ứng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam không phải là một chiều – ví dụ như Việt Nam nhập khẩu sản phẩm bán dẫn do Mỹ sản xuất, được kiểm thử và đóng gói tại các nhà máy trên khắp Việt Nam.

“Chúng ta nhận ra rằng thương mại phải là hai chiều và khi chúng ta mua hàng hóa từ đối tác chính là đầu tư vào nền kinh tế của nhau”, bà Benjaminson, nói.

Chung quy lại, đây là lúc cần hành động để tránh rủi ro từ thặng dư thương mại quá cao với Mỹ, nhất là tăng nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu từ Mỹ. Đặc biệt là điều chỉnh chiến lược thương mại, kiểm soát xuất khẩu một cách thực chất nhằm thích nghi với sự thay đổi chính sách của Mỹ. Có như vậy thì rủi ro thuế quan sẽ được hạn chế phần nào đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lam-gi-de-giam-thang-du-thuong-mai-voi-my-nham-han-che-rui-ro-thue-quan-1105125.html
Zalo