Làm gì để du lịch đường sông Cần Thơ phát triển?

PGS-TS Đào Ngọc Cảnh cho rằng du lịch đường sông tại Cần Thơ được định hướng trở thành sản phẩm chủ lực trong giai đoạn 2025-2030, với nhiều tiềm năng phát triển, nhưng loại hình du lịch này cũng đối mặt với không ít thách thức.

Chợ nổi Cái Răng 15 năm trước - Ảnh: Internet

Chợ nổi Cái Răng 15 năm trước - Ảnh: Internet

Tiềm năng phát triển và những thách thức

Theo PGS-TS Đào Ngọc Cảnh, TP.Cần Thơ có hơn 1.100km đường sông cùng mạng lưới kênh rạch dày đặc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các tour du lịch đường sông đa dạng như tham quan chợ nổi, vườn trái cây, làng nghề truyền thống và trải nghiệm văn hóa sông nước đặc trưng.

TP.Cần Thơ lại có vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, đóng vai trò là điểm kết nối lý tưởng cho các tour du lịch liên tỉnh, liên kết với các địa phương lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch đường sông hấp dẫn. Ngành văn hóa du lịch đã có định hướng phát triển rõ ràng, xác định du lịch đường sông là sản phẩm chủ lực từ năm 2025 - 2030. Vì vậy các doanh nghiệp tập trung vào việc phát huy giá trị cảnh quan ven sông, xây dựng các cây cầu kết nối bến các khu du lịch, vườn du lịch, tạo tuyến du lịch đường sông...

Ông Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt - cho rằng hệ thống sông rạch của Cần Thơ dài, bao phủ tất cả các quận huyện; có khả năng kết nối với các địa phương trong vùng ĐBSCL, TP.HCM và Campuchia. Các tuyến đường thủy này thuận tiện để khai thác nhiều loại tàu du lịch khác nhau, trong đó tuyến đường thủy trên sông Hậu có thể đón được tàu chở 500 khách trở lên. Tuy nhiên, theo ông Huê, du lịch đường sông ở Cần Thơ phát triển chậm do thiếu bến cảng cho các du thuyền lớn, bến lên xuống khách cho tàu du lịch, thiếu giao thông đường bộ kết nối.

Những năm xưa, chợ nổi Cái Răng rất hấp dẫn khách du lịch - Ảnh: Internet

Những năm xưa, chợ nổi Cái Răng rất hấp dẫn khách du lịch - Ảnh: Internet

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng sản phẩm du lịch đường sông tại Cần Thơ vẫn chưa thực sự hấp dẫn và chưa tạo được sự khác biệt, khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa cao. Việc phát triển du lịch đường sông còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị lữ hành, điểm đến du lịch và đơn vị cung ứng dịch vụ, dẫn đến chất lượng dịch vụ chưa đồng đều và thiếu tính chuyên nghiệp.

Phải phát huy thế mạnh du lịch đường sông

Ông Lưu Giang Đông (Viện Kinh tế, xã hội TP.Cần Thơ) cho rằng: “Đề án phát triển sản phẩm đặc thù TP.Cần Thơ tầm nhìn 2030 đã xác định rõ du lịch sông nước, du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện là sản phẩm chính cần được đầu tư. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ sở hạ tầng, nghiên cứu thị trường và phát triển tour làm cho sản phẩm du lịch đường sông chưa được định vị rõ nét”.

Theo ông Đông, lý do thực trạng trên do việc thiếu chính sách thu hút đầu tư vào du lịch đường sông, thiếu cơ chế hợp tác công - tư rõ ràng. Việc thiếu một chiến lược tổng thể khiến doanh nghiệp tư nhân không thể dự đoán và lập kế hoạch đầu tư phù hợp. Các chính sách phát triển du lịch đường sông phần lớn do chính quyền đề xuất, chưa có sự tham vấn chặt chẽ từ các doanh nghiệp, dẫn đến khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn.

Chợ nổi Cái Răng ngày nay vắng bóng ghe thương hồ và du khách - Ảnh: V.K.K

Chợ nổi Cái Răng ngày nay vắng bóng ghe thương hồ và du khách - Ảnh: V.K.K

PGS-TS Đào Ngọc Cảnh cho rằng, để du đường sông Cần Thơ phát triển, Cần Thơ phải đầu tư nhiều, các doanh nghiệp du lịch phải đổi mới và đầu tư thực chất như: Nâng cấp hạ tầng du lịch đường sông; cải thiện bến tàu, cầu cảng, hệ thống chiếu sáng ven sông; đầu tư tàu du lịch chất lượng cao, thân thiện môi trường; quy hoạch các tuyến đường sông hợp lý, kết nối được nhiều điểm đến hấp dẫn; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; phát triển tour trải nghiệm chợ nổi Cái Răng vào nhiều khung giờ khác nhau (bình minh, chiều tà...); kết hợp du lịch sông nước với ẩm thực, âm nhạc dân gian (đờn ca tài tử); xây dựng các tour chuyên đề: du lịch sinh thái vườn trái cây, làng nghề, homestay ven sông...

Cần liên kết du lịch với các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng… để hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh bằng đường sông; đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ; tập huấn đội ngũ lái tàu, hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ để đảm bảo an toàn và thân thiện; xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho các tour đường sông.

Sông nước Cần Thơ

Sông nước Cần Thơ

ThS Đào Vũ Hương Giang (Đại học Cần Thơ) cho rằng du lịch đường sông đang được du khách ưa chuộng và trở thành xu hướng phát triển trên thế giới. Với đặc trưng của một đô thị sông nước, trung tâm ĐBSCL, mạng lưới sông rạch chằng chịt, TP.Cần Thơ nếu biết khai thác hiệu quả sẽ phát triển mạnh về du lịch sông nước.

Tuy nhiên, muốn loại hình du lịch này khởi sắc, cả chính quyền TP.Cần Thơ lẫn giới kinh doanh du lịch, nhất là du lịch đường sông, phải cố gắng và kiên trì đầu tư; tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch đường sông qua các kênh mạng xã hội, video trải nghiệm thực tế; hợp tác với các công ty lữ hành để đưa tour đường sông vào sản phẩm chủ lực...

Văn Kim Khanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/lam-gi-de-du-lich-duong-song-can-tho-phat-trien-231549.html
Zalo