Phụ nữ Quân đội viết bản hùng ca bằng máu, nước mắt và nụ cười

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, phụ nữ Quân đội đã cùng toàn dân viết nên bản hùng ca bằng máu, nước mắt và nụ cười chiến thắng. Từ nữ pháo binh, thanh niên xung phong đến nữ tình báo, hậu cần, quân y, o du kích..., ở đâu cũng có hình bóng của những người phụ nữ kiên cường chiến đấu với quyết tâm sắt đá 'thà chết không chịu mất nước'.

 Chương trình tọa đàm “Vang mãi bản hùng ca của Phụ nữ Quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”

Chương trình tọa đàm “Vang mãi bản hùng ca của Phụ nữ Quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những "vết sẹo" chiến tranh vẫn âm ỉ, nhắc nhở về mất mát, hy sinh. Trong đó, hàng vạn "bông hồng thép" của phụ nữ Quân đội đã hiến trọn tuổi xuân, góp sức từ hậu phương đến tiền tuyến, xả thân vì nền độc lập, tự do để đổi lấy hòa bình hôm nay. Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước là dịp để chúng ta khắc sâu công lao to lớn ấy, tri ân những người con gái kiên cường, để sự tận hiến của họ mãi là bài học quý giá, hành trang cho thế hệ trẻ trên con đường xây dựng tương lai.

Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền (bìa trái), Trưởng ban Phụ nữ Quân đội, tặng hoa Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Thị Thảo tại chương trình tọa đàm.

Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền (bìa trái), Trưởng ban Phụ nữ Quân đội, tặng hoa Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Thị Thảo tại chương trình tọa đàm.

Tại chương trình tọa đàm "Vang mãi bản hùng ca của Phụ nữ Quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước" do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vừa tổ chức, chương trình đã ôn lại những thước phim quý giá về hình ảnh sáng ngời những người phụ nữ Quân đội bằng những bài tham luận tâm huyết, những phóng sự tư liệu hiếm hoi và cả những "nhân chứng sống" là các Nữ Anh hùng LLVTND… và đã lắng đọng lại nhiều cảm xúc về một thời "bom cày, đạn xới" nhưng những "bông hoa thép" vẫn nở.

Tận hiến ở thời chiến

Trong số hàng triệu người gia nhập lực lượng vũ trang, có hàng vạn phụ nữ đã tình nguyện nhập ngũ, sẵn sàng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác trong Quân đội. Chiến tranh càng ác liệt, số phụ nữ tham gia Quân đội càng đông.

Ở miền Bắc, phụ nữ thay thế các vị trí trong cơ quan, đơn vị, nhà trường, nhà máy, xí nghiệp quốc phòng. Với khẩu hiệu "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", chị em phụ nữ đảm đang "việc nước, việc nhà" để chồng, con yên tâm đi chiến đấu; đồng thời, đóng góp tích cực trong xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cho tuyền tuyến lớn miền Nam và bảo vệ miền Bắc.

Ở miền Nam, phụ nữ tham gia Quân giải phóng miền Nam ngày càng nhiều và trở thành một bộ phận quan trọng của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam với những "đội quân tóc dài" trong phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre (01/1960). Phụ nữ tham gia cả trong bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; không chỉ phục vụ chiến đấu mà còn trực tiếp chiến đấu.

Bà Phạm Thị Diệu, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, cho biết: Khi quân Mỹ ồ ạt vào miền Nam, chiến tranh trở nên ác liệt phong trào du kích càng phát triển, xuất hiện nhiều đơn vị du kích tập trung của phụ nữ như Trung đội nữ du kích Củ Chi, Đội nữ du kích vành đai Bình Đức (Mỹ Tho)... và nhiều đội nữ pháo binh như Đội nữ pháo binh Long An, Đội nữ pháo binh Bến Cát (Bình Dương)... Nhiều nữ thanh niên hăng hái tham gia lực lượng du kích, bộ đội địa phương và thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Nhiều tên gọi đã đi vào huyền thoại như chị Út Tịch, chị Tạ Thị Kiều, chị Tô Thị Huỳnh…

Bà Phạm Thị Diệu, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, phát biểu tại tọa đàm.

Bà Phạm Thị Diệu, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, phát biểu tại tọa đàm.

"Những người phụ nữ chân chất, hiền lành, hết mực yêu chồng, thương con, bất đắc dĩ phải cầm súng chiến đấu, nhưng khi chiến đấu, chị em rất mưu trí, sáng tạo, dũng cảm. Trước kẻ thù hung hãn được trang bị đủ loại vũ khí tối tân, hiện đại, hủy diệt thì những người phụ nữ Việt Nam đánh giặc bằng cách rất riêng của mình", bà Diệu cho bày tỏ.

Hình ảnh phụ nữ Quân đội còn được xây dựng rõ nét qua những chiến công vĩ đại đáng ghi nhớ là của các đội nữ pháo binh trong thời kỳ chiến tranh. Pháo binh là lực lượng sử dụng vũ khí hạng nặng, với trang bị và khí tài có trọng lượng lớn.Thế nhưng, những người phụ nữ "chân yếu tay mềm" vẫn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, ghi dấu ấn vào lịch sử với những cái tên như: Đại đội Pháo binh dân quân gái Ngư Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình; Đại đội 5, nữ Pháo binh Bến Cát, tỉnh Sông Bé; Đội nữ Pháo binh huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau; Khẩu đội nữ Cối 82mm, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi…

Một tiết mục văn nghệ tại chương trình

Một tiết mục văn nghệ tại chương trình

Đại tá Mai Thị Ngọc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Pháo binh, cho biết: "Điều đặc biệt ở tất cả các đơn vị nữ Pháo binh là các thành viên đều là những phụ nữ đang trực tiếp lao động sản xuất tại địa phương, chưa qua trường lớp đào tạo về sử dụng vũ khí pháo binh.

Như Đại đội nữ Pháo binh Ngư Thủy, thành viên là những cô gái có tuổi đời còn rất trẻ, trong khi vũ khí được trang bị là những khẩu pháo 85mm có khối lượng lên đến 1,72 tấn, tính năng kỹ chiến thuật phức tạp; nhưng trước yêu cầu nhiệm vụ, với lòng yêu nước, ý chí quyết tâm đánh giặc, các chị đã xung phong tham gia chiến đấu, tự học, tự nghiên cứu để làm chủ vũ khí, chiến đấu bảo vệ quê hương".

Đại tá Mai Thị Ngọc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Pháo binh tham luận tại chương trình.

Đại tá Mai Thị Ngọc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Pháo binh tham luận tại chương trình.

Lịch sử dân tộc còn ghi đậm dấu ấn của những tập thể và cá nhân nữ chiến sĩ anh hùng như "Đội quân tóc dài", "Bộ đội Thu Hà", "Nữ du kích Củ Chi", "Nữ biệt động Sài Gòn", các đại đội nữ pháo binh, và các nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Trạm A69… Những người phụ nữ ấy đã không tiếc máu xương, góp phần viết nên bản hùng ca của phụ nữ Quân đội, đóng vai trò quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước

Cống hiến trong thời bình

Bước vào thời kỳ đổi mới, phụ nữ Quân đội có mặt ở khắp các đơn vị, đóng quân trên khắp mọi miền đất nước và ở hầu hết các lĩnh vực công tác, trong đó có những lĩnh vực mang tính đặc thù như tham gia lực lượng hòa bình của Liên hợp quốc, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, sản xuất vũ khí, đạn dược, nghiên cứu khoa học quân sự…, với ý thức trách nhiệm cao, sự nỗ lực không ngừng, phụ nữ Quân đội đã vượt qua mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cả hội trường lắng đọng khi xem lại những thước phim tài liệu.

Cả hội trường lắng đọng khi xem lại những thước phim tài liệu.

Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội nhấn mạnh: "Hòa bình lập lại, "lớp chị trước, lớp em sau" trong đội ngũ phụ nữ quân đội đã không ngừng nỗ lực tiếp bước cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Càng ở những nơi khó khăn, gian khổ, càng có nhiều sự cống hiến, hy sinh của phụ nữ quân đội, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất; giữ vững và tô thắm hình ảnh, phẩm chất cao đẹp bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới".

Trung tá Đinh Thị Thu Hường, Trợ lý Phụ nữ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, chia sẻ: Phụ nữ Viettel không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn là lực lượng gìn giữ, lan tỏa những giá trị nhân văn cốt lõi của Tập đoàn. Ở góc độ chuyên môn, nhiều nữ cán bộ khoa học kỹ thuật đã ghi dấu ấn qua các công trình quan trọng, tiêu biểu như Lê Thị Hằng với các nghiên cứu về radar và tác chiến điện tử, Nguyễn Trần Ngọc Linh - đại diện phụ nữ Việt Nam trên diễn đàn AI toàn cầu, góp phần đưa hình ảnh phụ nữ Viettel vươn ra thế giới.

Trung tá QNCN Đinh Thị Thu Hường, Trợ lý Phụ nữ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Trung tá QNCN Đinh Thị Thu Hường, Trợ lý Phụ nữ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Phụ nữ Viettel đã chủ động tổ chức và tham gia hàng loạt chương trình vì cộng đồng, tiêu biểu như: "Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương" hỗ trợ hơn 40 điểm trường khó khăn với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng trong năm 2024; các chương trình "Trái tim cho em", "Sóng và máy tính cho em" giúp thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và vùng sâu vùng xa...

Hay như phụ nữ Bộ Tổng Tham mưu, với số lượng hơn 2.400 hội viên, chị em có mặt hầu hết ở các ngành, các lĩnh vực từ tham mưu chiến lược, nghiên cứu khoa học, đến gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đối ngoại quốc phòng, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, phục vụ bảo đảm... Dù trên cương vị công tác nào, chị em luôn phát huy vai trò, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

Chiều ngày 15/4, tại Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm "Vang mãi bản hùng ca của Phụ nữ Quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước".

Tọa đàm có 50 bài tham luận đầy tâm huyết, chất lượng cao, tập trung làm rõ 3 cụm nội dung chính, gồm: "Đại hùng ca chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam"; "Bản hùng ca của Phụ nữ Quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước"; Phụ nữ Quân đội phát huy truyền thống, noi gương các thế hệ đi trước, viết tiếp chiến công trên mọi lĩnh vực công tác, xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ" trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phạm Thương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-quan-doi-viet-ban-hung-ca-bang-mau-nuoc-mat-va-nu-cuoi-20250416185851801.htm
Zalo