Vệt nước con đò - Dấu ấn một thời chưa xa
Ca dao có câu: Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi. Có thể thấy, bắc cầu là cách thuận tiện nhất để người miền Tây Nam Bộ đi lại khi phải qua sông. Với những nơi khoảng cách giữa hai bờ xa, khó làm cầu thì hình thành những bến đò để chở người và hàng hóa. Con đò, bến nước trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân miền sông nước, tỉnh Long An. Theo cùng sự phát triển, đường sá được mở rộng, những chiếc cầu vững chãi được bắc qua sông, hình ảnh những chuyến đò ngang dần lùi xa...

Bến nước, con đò là một phần ký ức không thể nào quên đối với những người con vùng sông nước
Người Nam Bộ xưa di chuyển chủ yếu bằng phương tiện đường thủy. Từ nét văn hóa sông nước, ngày nay, hễ ai muốn xin đi nhờ thường nói “quá giang” (qua sông), gọi ai mà lâu quá không thấy trả lời thì nói “kêu như kêu đò”. Theo nhà văn Sơn Nam, những năm 30 của thế kỷ trước, người Pháp thành lập một số hãng xe chở khách đi miền Tây. Lúc đó đường bộ chưa phát triển, xe đến bến khách phải chuyển tiếp bằng đò nên gọi luôn là xe đò cho tiện. Người lái đò xưa rất “có giá”, bởi vậy có câu Bắp non mà nướng lửa lò/ Đố ai ve được con đò của em. Có thể thấy hình tượng con đò từ lâu đã ăn sâu vào đời sống của người dân vùng sông nước.
Ngày xưa, đò ngang sông thường là ghe hoặc xuồng nhỏ. Hiện tại, nhiều bến khách đã nâng cấp thành phà lớn nhưng người dân vẫn quen gọi là đò. Trong sinh hoạt, đò giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển. Nhà ở huyện Tân Trụ mỗi ngày anh Lê Thành Tài đi đò Tân Bình - Long Cang sang huyện Cần Đước làm việc, chỉ mất 4.000 đồng mỗi lượt. Chỗ làm cách nhà anh một con sông, chỉ nhìn sang là thấy, nếu không có đò, anh phải di chuyển quãng đường xa gần 20km. Nhờ có đò, anh không cần phải dậy quá sớm, có thời gian đưa con đến trường và an tâm hơn mỗi khi tăng ca vì chủ đò luôn hỗ trợ đưa khách sang sông. Từ bến đò này, mỗi ngày có hàng ngàn lượt công nhân sang Cụm công nghiệp Long Định - Long Cang làm việc. Với họ, đò trở thành “cây cầu” kết nối đôi bờ, giúp họ thuận tiện hơn rất nhiều.
Nhiều người đã có một tuổi thơ đẹp với con đò, bến nước, xa thì nhớ, gần thì thương. Nhà ngoại chị Thanh Diệu ở xã Thuận Mỹ (huyện Châu Thành), hè năm nào chị cũng về quê ngoại chơi. Chị nói quê chị yên bình lắm, mùa này gió từ sông thổi vào mát rượi. Mỗi lần về đây, chị thường rủ anh em họ qua đò Bà Nhờ để sang chợ Cần Đước chơi. “Bên đó có một tiệm chè ngon lắm” - chị nói. Giờ chị lấy chồng tận Quảng Ngãi, lâu rồi chưa về lại quê hương. Mỗi lần nhớ quê, hình ảnh con đò, bến nước lại hiện lên và chị tự hào kể với bạn bè quê chị như thế đó, bình yên lắm! Nhà chị Dương Thị Ngọc Huyền cũng gần bến đò này, bên bờ Cần Đước. Cặp bến đò thường có những hàng quán bán bánh kẹo, nước giải khát. Chị kể, lúc nhỏ thường cùng các bạn ra đây chơi banh đũa, nhảy dây, chơi chán thì về xin tiền mẹ mua quà vặt. Chị nói các thím, các dì ở đây ai cũng thương trẻ con, bán thì ít mà cho thì nhiều. Thời gian sau, cha mẹ chị dời nhà về xã Bình Hòa Trung (huyện Mộc Hóa), ở đây cũng có một số bến đò như Hồng Đức, Sáu Dồn. Chị kể: “Tôi làm việc ở TP.HCM, mỗi lần về quê, tôi cố ý đi qua những chỗ có bến đò để nhớ lại kỷ niệm hồi còn nhỏ. Cảm giác ngồi trên đò ở giữa sông đặc biệt, khó diễn tả lắm, vừa hoang sơ, vừa bình yên”.

Khách đi đò tại bến đò Vàm Thủ (huyện Thủ Thừa). Ngày xưa nhiều học sinh qua đò này để đến trường. Giờ họ thành công nhưng vẫn đến tìm ông Châu Bảo Đức (lái đò gần 30 năm ở bến đò Vàm Thủ) để tặng quà, ôn lại kỷ niệm xưa
Đối với những người lái đò thì tình yêu với sông, với nước, với nghề rất sâu đậm. Soạn giả Viễn Châu viết bài vọng cổ Ông lão chèo đò, thông qua giọng ca điêu luyện của Nghệ sĩ Nhân dân Út Trà Ôn, hình ảnh người lái đò hiện lên thật đẹp: “Trên con thuyền cũ kỹ, ai muốn sang bên sông này lão đưa rước giùm cho. Tiền bạc trả công chẳng nệ ít hay nhiều, lão chỉ cần ngày hai bữa mà thôi bởi lão đây yêu quý con đò cũng như thiên hạ họ yêu một người tình lý tưởng”. Chúng tôi gặp ông Châu Bảo Đức, lái đò ở bến đò Vàm Thủ (huyện Thủ Thừa) gần 30 năm. Bến đò này có rất nhiều khách là học sinh. “Nhiều em giờ đã thành công, lập nghiệp phương xa nhưng mỗi lần về quê vẫn tìm tôi để tặng quà, ôn lại kỷ niệm tuổi học trò. Nhớ hồi đó mặt đứa nào cũng búng ra sữa mà giờ tóc lấm tấm bạc rồi” - ông Đức tâm sự. Với ông, việc chở khách sang sông không đơn thuần chỉ là làm dịch vụ mà còn là tình, là nghĩa và điều gì đó lớn hơn mà ông chưa thể diễn đạt thành lời.
Chúng tôi cũng là người miệt sông nước, nhiều lần tình tang đò ngang, quá giang đò dọc, ở đâu cũng thấy nghĩa tình. Sáng sáng, ai lỡ quên mang tiền thì chuyến sau trả cũng được, ai không có tiền lẻ thì bận sau thanh toán cũng xong. Nhiều đôi nên duyên cũng nhờ những chuyến đò. Con đò được nhân cách hóa thành người nam, bến nước bên sông được ví von với bóng hình cô gái.
Đò giờ đã khác, không còn cảnh “vụng chèo, khéo chống”, những chiếc phà gắn máy công suất lớn dần được đưa vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đó là sự tiến bộ của văn minh sông nước mà con đò xưa là tiền đề, nền tảng. “Còn trời, còn nước, còn non/ Còn cây đa cũ, còn ông chèo đò”.