Làm gì để đảm bảo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng?
Mùa nắng nóng khiến người dân lo ngại về mối nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Lo ngại ngộ độc do thức ăn nhiễm vi khuẩn, vi sinh,...
Cuối tháng 3/2025, liên tiếp xảy ra các vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại trường THCS Tân Túc và hệ thống giáo dục Tuệ Đức, khiến hàng chục học sinh và giáo viên phải nhập viện. Khai thác bệnh sử, các bệnh nhân cho biết trước đó, trong quá trình di chuyển, đoàn đã ghé mua bánh mỳ của một cơ sở tại quận 6, TP.HCM.

Mùa hè đến, thức ăn đường phố, thức ăn chế biến sẵn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc rất cao.
Trước đó, vào ngày 6/4, tại trường đại học Đồng Tháp, có 33 người bị nghi ngộ độc ăn trưa khi tham gia Ngày hội STEM. Trong đó, nhiều học sinh có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm như đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp.
Ngày 8/4, tiếp tục ghi nhận 12 học sinh tiểu học ở thị trấn Đô Lương, Nghệ An bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm nắm mua trước cổng trường. May mắn, sau khi được truyền dịch và theo dõi y tế, đến chiều tối, sức khỏe của các em đã ổn định và được về nhà. Mới đây (ngày 10/4), hơn 20 học sinh trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7 TP.HCM xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn ói, sốt, tiêu chảy sau bữa cơm trưa tại trường. Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã ban hành công văn số 713/ATTP-NĐTT đề nghị Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khẩn trương tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Tại Hà Nội và các thành phố lớn, những quầy hàng bán đồ ăn vặt phổ biến ở các cổng trường và một số con phố. Mặt hàng “xiên bẩn”, các loại thực phẩm chế biến ngay tại chỗ luôn là món ăn rẻ tiền, hấp dẫn với lứa tuổi học sinh, sinh viên dù không biết nguồn gốc ở đâu. Mặc dù truyền thông đã cảnh báo rất nhiều, nhưng tại sao hầu như năm nào nước ta cũng ghi nhận ngộ độc tại các bếp ăn tập thể, trong trường học, KCN, khu chế xuất và đặc biệt là tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm đường phố?
Theo Thạc sĩ Ngô Xuân Dũng, nguyên giảng viên bộ môn Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Có nhiều yếu tố nguy cơ cao gây mất ATTP. Sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm theo mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển, đồng thời gây khó khăn hơn trong công tác bảo quản nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm trước khi được sử dụng, đặc biệt là những thực phẩm được chế biến sẵn, không phải gia nhiệt mà dùng trực tiếp.

Thạc sĩ Ngô Xuân Dũng, nguyên giảng viên bộ môn Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Ngoài ra, sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm cũng là yếu tố gây phát sinh các đợt bùng phát dịch hại côn trùng như ruồi, muỗi, gián, chuột là những tác nhân trung gian lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh vào nguyên liệu, thực phẩm. Nhiệt độ cao cũng khiến thực phẩm nhanh chóng bị hư hỏng, biến chất nếu không được chế biến, bảo quản đúng cách. Công tác kiểm tra và đánh giá chất lượng các nguyên liệu đưa vào quá trình chế biến rất khó khăn, chỉ dựa trên những chỉ tiêu kiểm tra đơn giản, nhanh chóng nên sẽ có những đánh giá không chính xác về chất lượng nguyên liệu. Các nguyên tắc thực hành vệ sinh trong các khâu sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển phân phối thực phẩm không được đảm bảo, phụ thuộc chủ quan của người tham gia trong các công đoạn.
“Thức ăn đường phố, thức ăn chế biến sẵn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc rất cao. Thứ nhất, các sản phẩm được chế biến qua nhiều thao tác thủ công, điều kiện chế biến không đảm bảo, dễ lây nhiễm vi sinh vật. Thứ hai, do bày bán ngoài trời nên rất dễ nhiễm vi sinh vật. Thứ ba đặc biệt nguy hiểm là thức ăn đường phố bán giá thấp nên đa phần sử dụng những nguyên liệu không đảm bảo đưa vào chế biến” - Thạc sĩ Ngô Xuân Dũng.
Tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm ATTP
TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, vấn đề ATTP luôn được Quốc hội, Chính phủ và Đảng dành sự quan tâm rất lớn. Năm nay là năm thứ 26 chúng ta tổ chức Tháng hành động vì ATTP. Trong năm 2024 và đầu năm 2025, tình hình ngộ độc thực phẩm tại trường học, của khu công nghiệp diễn biến khá phức tạp, đã có khá nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, có nhiều người mắc, và có những ca tử vong do ngộ độc tại các bếp ăn tập thể, tại các trường học cũng như khu dịch vụ ăn uống.

TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế
Vì thế, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2025 với chủ đề: “Bảo đảm ATTP, trong đó chú trọng ATTP bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”, ngành y tế xác định thanh tra, kiểm tra chặt chẽ những nhóm thực phẩm, hoặc nhóm hoạt động về ATTP có ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng trong thời gian gần đây.
“Chúng tôi sẽ tập trung huy động nhân lực, vật lực và tất cả nguồn lực xã hội... cùng tham gia để thanh tra, kiểm tra cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức tăng cường xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm về đảm bảo ATTP. Điều này không chỉ diễn ra trong tháng cao điểm hành động mà là hoạt động thường xuyên, liên tục trong suốt cả năm”, ông Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương cuối năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã có chỉ đạo giao cho Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan rà soát, xem xét để báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất nâng mức xử phạt hành chính với các vi phạm về ATTP để đủ sức răn đe. “Theo đó, tới đây, chúng tôi có thể đề xuất tăng mức chế tài xử phạt hành chính, và xem xét để tăng chế tài xử lý hình sự đối với một số hành vi, đặc biệt là hành vi làm giả, sử dụng chất cấm, hoặc sử dụng những thành phần có thể gây nên những ảnh hưởng trực tiếp cũng như lâu dài đến sức khỏe con người”, ông Nguyễn Hùng Long cho biết.