Phố phường nhếch nhác vì 'siêu thị di động'

Bất chấp lệnh cấm, hoạt động bán hàng rong vẫn tồn tại trên nhiều tuyến phố, khu vực công cộng ở Thủ đô, đặc biệt là quanh phố cổ và phố đi bộ Hồ Gươm. Không chỉ vậy, thời gian gần đây còn xuất hiện một hình thức biến tướng ngày càng phổ biến: xe tải bán hàng rong cải hoán, ngang nhiên chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, gây mất trật tự đô thị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm.

Hàng rong trên phố Dương Văn Bé. Ảnh: Duy Linh

Hàng rong trên phố Dương Văn Bé. Ảnh: Duy Linh

Hàng rong len lỏi, xe tải bủa vây lòng đường, vỉa hè

Với đặc tính cơ động cao, hàng rong dễ dàng len lỏi vào các ngõ ngách, tuyến phố đông đúc. Cũng bởi sự tiện lợi và giá rẻ, hình thức kinh doanh này vẫn được một bộ phận người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, chính vì đặc điểm "nay đây mai đó", việc kiểm soát chất lượng các mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm vô cùng khó khăn. Trong trường hợp xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm, việc truy vết nguồn gốc gần như không thể.

Tại nhiều khu vực ở Hà Nội, đặc biệt là các khu vực đông đúc như: khu vực phố đi bộ Hồ Gươm và các tuyến phố cổ lân cận, cổng trường học, cổng bệnh viện, bến xe, vườn hoa, công viên hay các khu di tích lịch sử… không khó để bắt gặp những gánh hàng rong bày bán đủ loại mặt hàng như: thịt xiên nướng, xúc xích, bánh tráng trộn, hoa quả, nước giải khát… Các sản phẩm này thường không được che đậy, bảo quản đúng cách, tiềm ẩn nguy cơ lớn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ nhiễm vi sinh vật hoặc hóa chất độc hại trong những món ăn đường phố được chế biến trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Những món ăn tưởng chừng vô hại có thể trở thành nguồn gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Trong khi đó, một phiên bản khác của hàng rong đang ngày càng phát triển mạnh: xe tải bán hàng rong cải hoán. Những phương tiện này thường là xe tải nhỏ, xe bán tải được cải tạo thành các “siêu thị di động” hoạt động trên nhiều tuyến phố lớn như: Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Lê Văn Lương, Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Xiển... Xe thường dừng đỗ ngay dưới lòng đường, chiếm dụng cả làn ô tô lẫn xe máy, đặc biệt vào giờ cao điểm, gây ùn tắc cục bộ và gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

Thực chất, lượng hàng hóa trên các xe tải này lớn hơn rất nhiều so với các gánh hàng rong truyền thống, bày bán đủ loại hàng hóa: đồ ăn, đồ uống, hoa quả, quần áo, phụ kiện điện thoại... Tuy nhiên, người bán lại không phải trả tiền thuê mặt bằng, có thể di chuyển liên tục, mở bán ở bất kỳ đâu có đông người qua lại, đồng thời không có giấy phép kinh doanh, không kiểm định chất lượng hàng hóa và không được cấp phép cải tạo phương tiện.

Một xe tải hoán cải thành kiosk bán hàng trên phố Nguyễn Thị Định. Ảnh: Duy Linh

Một xe tải hoán cải thành kiosk bán hàng trên phố Nguyễn Thị Định. Ảnh: Duy Linh

Chế tài đã có nhưng khó xử lý triệt để

Tình trạng bán hàng rong và xe tải bán hàng rong ngày càng phát triển khiến công tác quản lý đô thị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Nội đứng trước nhiều thách thức. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có quy định xử phạt, song chế tài còn chưa đủ mạnh, việc thực thi còn thiếu quyết liệt.

Từ ngày 1/1/2025, Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 chính thức có hiệu lực, bổ sung căn cứ pháp lý đặc thù để Hà Nội siết chặt quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Nghị quyết 49/2024/NQ-HĐND do HĐND TP Hà Nội ban hành, mức phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ cao hơn mặt bằng chung cả nước, nhằm tạo sức răn đe.

Cụ thể, hành vi kinh doanh thức ăn đường phố không che đậy, có côn trùng, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng (Khoản 1 Điều 8); hành vi sử dụng dụng cụ, bao bì không bảo đảm an toàn, người chế biến mắc bệnh truyền nhiễm, dùng nước không đảm bảo, phụ gia không hợp chuẩn… bị phạt tiền từ 2.000.000 – 6.000.000 đồng (Khoản 2 Điều 8). Nếu gây hậu quả nghiêm trọng như ngộ độc tập thể, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Đối với hành vi chiếm dụng lòng đường, vỉa hè: theo quy định tại điểm e Khoản 2 Điều 12 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, cá nhân bán hàng rong tại tuyến phố cấm có thể bị phạt từ 200.000 – 250.000 đồng. Trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, rửa xe, treo biển quảng cáo… có thể bị phạt từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng (đối với cá nhân), 4.000.000 – 6.000.000 đồng (đối với tổ chức). Nếu sử dụng phương tiện cơ giới dừng đỗ sai quy định để bán hàng, lực lượng chức năng có thể lập biên bản, tạm giữ phương tiện và xử lý theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh yếu tố pháp lý, khó khăn lớn nhất hiện nay là ở công tác thực thi. Đối với hàng rong, mức xử phạt được cho là còn quá thấp so với lợi nhuận thu được, khiến hành vi tái phạm liên tục xảy ra. Đối với xe tải cải hoán, dù có nhiều quy định cụ thể và mức phạt cao hơn, việc kiểm tra, xử lý còn chưa thường xuyên và thiếu triệt để. Nhiều xe vẫn ngang nhiên hoạt động mà không bị xử lý.

Để giải quyết triệt để tình trạng này, cần có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm và văn minh đô thị. Cùng với đó, chính quyền cần có chính sách hỗ trợ người bán hàng rong chuyển đổi nghề nghiệp hoặc sắp xếp khu vực kinh doanh hợp pháp.

Đảm bảo trật tự đô thị và an toàn thực phẩm không chỉ là yêu cầu pháp lý, mà còn là nền tảng để xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại – nơi mà lòng đường, vỉa hè được trả lại đúng chức năng, và người dân được bảo vệ sức khỏe trong từng bữa ăn, thức uống hàng ngày.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/pho-phuong-nhech-nhac-vi-sieu-thi-di-dong-415911.html
Zalo